Trong một đoạn phỏng vấn sau khi xuất viện, Mattia nói: “Tôi hay bạn đều có thể được chữa khỏi căn bệnh này”.
Tính đến ngày 23/3, có gần 64.000 bệnh nhân mắc Covid-19 được chẩn đoán ở Italy, với mức tăng gần 5.000 người trong một ngày. Khi Mattia được đưa vào danh sách những người được chữa trị, cha anh đã qua đời vào ngày 19/3 và trở thành một trong hơn 6.000 người tử vong vì đại dịch.
Mattia không phải là trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 được xác nhận tại Italy. Theo báo cáo của Interface News, bệnh nhân Covid-19 được xác định sớm nhất tại nước này là một cặp khách du lịch người Trung Quốc đến Italy du lịch và được chẩn đoán mắc bệnh tại Rome vào ngày 31/1. Một tuần sau, một khách Trung Quốc khác khi đến Rome cũng đã mắc bệnh. Do được phát hiện và cách ly kịp thời nên ba trường hợp trên không mở rộng sự lây nhiễm, bởi vậy họ không được gọi là “bệnh nhân số 1” theo nghĩa dịch tễ học.
Dịch bệnh ở Italy chính thức xuất phát từ thị trấn Codogno tại phía Bắc, cách Rome khoảng 600km. Mattia là trường hợp đầu tiên tại thị trấn mắc bệnh và anh cũng là công dân Italy đầu tiên được xác nhận nhiễm Covid-19.
Mattia là vận động viên marathon. Lần đầu anh cảm thấy không khỏe là hôm 14/2. Tuy nhiên, anh chỉ được kê đơn thuốc chống cúm và cho về nhà vì các bác sĩ cho rằng Mattia không thể nhiễm Covid-19 bởi không đến Trung Quốc.
Ba ngày tiếp theo, Mattia liên tục đến bệnh viện khám lại nhưng đều được chẩn đoán bị cúm mặc dù bệnh ngày càng nặng hơn. Đến 3 giờ sáng 19/2, Mattia khó thở, được vợ đưa vào bệnh viện cấp cứu. Đến 20/2, anh mới được chẩn đoán bị viêm phổi do nCoV. Sau đó anh được chuyển đến bệnh viện Policlinico San Matteo ở Pavia để cách ly và điều trị.
Sau khi được xác nhận nhiễm Covid-19, vợ của Mattia mới nhớ ra gần đây anh có tiếp xúc với một người bạn Trung Quốc. Tuy nhiên các xét nghiệm sau đó cho thấy người bạn này lại không hề nhiễm virus.
Người đàn ông 38 tuổi này được cho là người đầu tiên trở thành nguồn lây nhiễm ở Italy. Khi nhập viện, anh ở trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, một số thành viên trong gia đình và bạn bè đã đến thăm.
Trong thời gian điều trị, tình trạng của Mattia xấu đi và anh được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt trong 18 ngày. Các bác sĩ đã phải cho người đàn ông này thở máy liên tục đến ngày 8/3. Sau khi xuất viện, Mattia nói rằng thở là điều đơn giản nhưng tuyệt vời nhất. Anh cũng kêu gọi mọi người ở nhà vì chỉ có phòng ngừa mới có thể ngăn chặn sự lây nhiễm.
Bệnh nhân này phải mất một tuần từ khi xuất hiện các triệu chứng đến chẩn đoán và 36 giờ từ khi nhập viện đến điều trị cách ly, phản ứng chậm trễ của bệnh viện đã tạo ra sự lây truyền rộng rãi của nCoV.
Một số nhân viên bệnh viện phàn nàn rằng họ đã không được thông báo về nguy cơ dịch bệnh khi có kết quả dương tính của Mattia và phòng cấp cứu đã không được đóng cửa kịp thời để khử trùng sau khi đưa bệnh nhân ra khỏi đó.
Cuối cùng, Mattia đã lây nhiễm cho ít nhất 13 người, bao gồm người vợ đang mang thai, người bạn chạy bộ cùng, 2 bác sĩ ở viện, 1 bác sĩ gia đình, 3 trẻ mới lớn và 1 phụ nữ 77 tuổi hiện đã qua đời.
Trước khi xuất hiện các triệu chứng, Mattia cũng thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội. Theo tờ New York Times, anh đã tham dự ít nhất 3 bữa tối với sự tham dự của hàng trăm người. Điều này có nghĩa anh có thể lây truyền virus cho nhiều người khác.
Sau khi Mattia được chẩn đoán dương tính, số trường hợp nhiễm bệnh ở miền Bắc Italy bắt đầu tăng theo cấp số nhân và dần mở rộng ra toàn quốc. Ngày 23/2, số bệnh nhân đã vượt quá 130 và Cordonio trở thành một trong 11 thành phố và thị trấn đầu tiên bị phong tỏa tại quốc gia này. Tính đến 23/3, tổng cộng có 28.761 trường hợp được xác nhận mắc bệnh tại vùng Lombardia và 3.776 người đã tử vong.
“Đây không phải là cơn sóng nhỏ mà là sóng thần”, ông Roberto Rona, người đứng đầu bộ phận chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện thành phố Monza thuộc vùng Lombardy nói.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte vào ngày 24/2 cũng đã chỉ trích bệnh viện (giấu tên) góp phần để xảy ra 528 ca nhiễm và 14 ca tử vong tại nước này. Trước đó, ông Conte thừa nhận sai sót trong quá trình phòng và điều trị khiến bệnh lan mạnh.
Các bác sĩ Italy nghi ngờ rằng nCoV đã lây lan ở nước này trước khi Mattia bị nhiễm bệnh. Cũng có một tuyên bố bệnh “viêm phổi lạ” xuất hiện ở vùng Lombardy đặc biệt ở người cao tuổi từ tháng 11/2019, tuy nhiên chưa thể xác định được đó là viêm phổi gì. Fabrizio Pregliasco, một nhà dịch tễ học, cho biết cái gọi là “bệnh nhân số 1” có thể là “bệnh nhân số 200”.
“Phong tỏa từ thị trấn, cho đến các thành phố và cuối cùng là toàn bộ đất nước, cách tiếp cận phòng chống dịch bệnh của người Italy dường như luôn chậm hơn một bước so với quỹ đạo gây chết người của virus”, nhà dịch tễ học này đưa ra nhận định. Hiện Italy là quốc gia có số người chết cao nhất do Covid-19 trên toàn thế giới.
Hôm nay, Mattia đang hồi phục và chờ vợ mình – người cũng vừa được xuất viện đến đón. Họ cũng đang hồi hộp chào đón đứa con đầu lòng sẽ ra đời vào tháng 5 tới, trong khi Italy vẫn đang tìm cách thoát khỏi dịch bệnh.
Mattia đã nhiễm virus corona ở đâu và ai là “Bệnh nhân số 0” của Italy vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải.
Vy Trang (Theo sohu) – Vnexpress