Gần 300 du khách miền Bắc trên 3 chuyến bay khai thác thương mại đầu tiên của Bamboo Airways từ Hà Nội và Hải Phòng đã hạ cánh xuống sân bay Côn Đảo trên tàu bay Embraer 195 ngày 29/9. Trong số này, có người đã đi Côn Đảo nhiều lần, có người chưa từng. Song với phần lớn, đây là lần đầu họ được bay thẳng.
Côn Đảo, là người Việt ai cũng từng nghe thấy tiếng. Một hòn đảo nhỏ xinh xắn với diện tích chỉ bằng một phần bảy Phú Quốc, được truyền thông thế giới ca tụng vì vẻ đẹp nguyên sơ, còn trong trái tim của nhiều người Việt là một địa chỉ đỏ cách mạng, chốn linh thiêng yên bình giữa biển Đông. Nằm ngay địa phận Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng khoảng cách bay tới Côn Đảo từ Hà Nội lại dài hơn Phú Quốc vài trăm km. Do vậy, trước ngày 29/9, hành trình di chuyển của du khách phía Bắc đến đây khá gian nan. Thuận tiện nhất vẫn là đường hàng không, nhưng họ phải đi hai chặng; nhanh nhất 5 tiếng, lâu hơn thì 7, 8 tiếng. Côn Đảo, vì thế, vẫn xa xôi.
Có nhiều lý do tôi chọn chuyến đi dịp này. Tựu chung lại là sự hiếu kỳ và tò mò về sự trải nghiệm lần đầu trên Embraer, nhà sản xuất máy bay dân dụng lớn thứ ba thế giới sau Boeing và Airbus.
Nếu ai chưa từng đi Bamboo Airways hẳn sẽ ấn tượng về đội tiếp viên trẻ đẹp với cung cách phục vụ thân thiện ngay từ dịch vụ mặt đất. Lần thứ hai bay với hãng, tôi vẫn bị cuốn hút bởi slogan “Hơn cả một chuyến bay” mà người ta vẫn thường nói. Mọi thứ đều diễn ra nhẹ nhàng, nhanh lẹ và quan trọng nhất là cảm giác dễ chịu. “May I help you?” (Tôi giúp bạn nhé?) – cô tiếp viên của Embraer nhanh nhảu đề nghị khi tôi cố sức mở ngăn hành lý. Thao tác nhanh gọn, cô quay sang nở nụ cười tươi khi tôi đáp lời cảm ơn. Cô cũng không quên dặn tôi cài dây an toàn và hạn chế đi lại khi máy bay chuẩn bị cất cánh.
“Một khi đã thích thì sẽ tin”, Thành Long – một vị khách ngồi cạnh lên tiếng như củng cố thêm về điều tôi đang suy nghĩ. Từ khi Bamboo Airways cất cánh cuối 2018 đầu 2019, hầu hết các chặng bay nội địa anh đều book vé hãng cũng vì lý do đó. “Tôi háo hức với chuyến bay thẳng Côn Đảo từ khi biết thông tin có đường bay tại Hà Nội”.
Là CEO một công ty xây dựng, anh không ngần ngại thừa nhận bản thân đôi chút duy tâm – khi luôn xem Côn Đảo là một trong địa danh phải đến trong những dịp lễ lạt quan trọng trong năm. ” Năm nào ít tôi đi 1 lần, nhiều có khi 3-4 lần”. Anh bảo đã thấm sự vất vả của hành trình từ Hà Nội nối chuyến tại TP HCM hoặc Cần Thơ để đến được nơi đây.
Kế hoạch mở 3 đường bay thẳng từ Hà Nội, Hải Phòng, Vinh đi Côn Đảo được hãng hàng không Tre Việt thông báo hồi tháng 7 năm nay. Thế độc quyền “bắt buộc” – theo cách nói Cục hàng không Việt Nam về hãng duy nhất đang khai thác chặng bay tại hòn đảo bị phá vỡ. Trước đó, Air Meong dừng khai thác chặng Hà Nội – Côn Đảo vào 2012 chỉ ít tháng sau khi khai trương. Công ty bay dịch vụ hàng không VASCO (thuộc Vietnam Airlines) bất đắc dĩ giữ thế độc quyền đến hòn đảo này bằng tàu ATR-72. Tàu bay nhỏ, dung tích bình nhiên liệu có hạn, hãng phải dừng ở TP HCM hoặc Cần Thơ để tiếp xăng.
Thêm Bamboo Airways, hành khách có thêm sự lựa chọn. Như nguyên tắc tất yếu, có cạnh tranh giá vé sẽ giảm xuống. Ngược lại, chất lượng và dịch vụ sẽ đi lên.
Trong kinh doanh vận tải hàng không, “kín ghế” được xem là mục tiêu của mỗi hãng. Đôi khi về cảm quan, cũng chỉ sự “đắt khách” của doanh nghiệp, ở một thời điểm nào đó.
Trên chuyến bay đầu tiên này, hành khách lại chưa thấy điều đó. Toàn bộ 62 hàng ghế đôi, có khoảng hơn 10 ghế để trống dàn đều từ trên xuống dưới, dường như theo một cách có chủ đích.
“Đó là cách để cân bằng trọng tải cho tàu bay”, nữ tiếp viên giải thích. Tôi chợt nhớ lại, trong lần gần đây nhất khi chia sẻ báo giới về kế hoạch bay tại hội thảo ngày 12/9, đại diện lãnh đạo hãng này cho biết sẽ không khai thác tối đa 112 ghế ngồi nhằm đảm bảo an toàn bay.
Một cách nhanh chóng, cảm giác yên tâm khỏa lấp những tò mò trước đó.
Một người quen của tôi luôn hào hứng với bữa ăn nhẹ trên máy bay. Theo cách lý giải của chị, không bàn đến hương vị thì chị “mê” cảm giác được phục vụ trong một không gian nhỏ hẹp, trong một bữa ăn diễn ra trên bầu trời. Chính vì khó, nên bữa ăn trên không nói lên rất nhiều điều về cách hãng phục vụ và chinh phục hành khách. Tôi từng bảo chị có sở thích kỳ quặc. Song nếu xét ở dịch vụ hàng không thì bữa ăn cho du khách có khi tạo ra sự khác biệt rõ nét giữa mỗi hãng.
“Khác nhiều lắm”, hành khách Bùi Ngọc Hà (Hà Nội) nói sau khi thưởng thức xong bữa phụ với bánh mỳ kẹp thịt nguội, rau xanh cùng nước lọc. Với người 5 lần transit tại TP HCM và không ít lần bụng đói vì chậm chuyến, huỷ chuyến đến Côn Đảo – thì câu cảm thán kia cũng không hề quá.
Tàu bay khá nhỏ với hai hàng ghế mỗi bên, nhưng không vì thế mà chỗ ngồi bị chật chội. Trái lại, hãng đã khéo léo bố trí để bất cứ ai dù cao hay to hơn khổ người trung bình cũng có thể xoay sở thoải mái. Với một hành khách không thạo lĩnh vực vận tải hàng không như tôi, mối bận tâm lớn nhất trên mỗi hành trình là cảm giác dễ chịu. Ngoại trừ ít hơn một ghế mỗi hàng so với dòng tàu bay cỡ lớn khác, không có ranh giới giữa Embraer hay các máy bay khác. Ít nhất là từ tiêu chí riêng tôi đặt ra. Nhóm bạn đi cùng còn thích thú với những chi tiết nhỏ như buồng WC có chai dầu thơm điểm xuyến 2 bông hoa handmade bằng vải. Tất cả sự sắp đặt mang lại cho hành khách cảm giác thư giãn.
Tàu bay với nhiều đặc tính tân tiến cho phép Bamboo Airways khai thác dịch vụ tiêu chuẩn hạng thương gia. Nhờ khoang khách thiết kế theo dạng “bong bóng đôi”, hãng bố trí 19 ghế tiêu chuẩn hạng thương gia theo sơ đồ 1-1, đem lại không gian trải nghiệm rộng rãi.
Không rèm hay vách chia cách hạng thương gia và phổ thông. Điểm duy nhất để hành khách nhận ra sự khác biệt 2 hạng vé đơn giản là tấm vải trắng bao phần tựa ghế, có in logo hãng dành cho 19 ghế tiêu chuẩn. Những tiểu tiết này đôi khi lại cho thấy ngầm ý của người thiết kế sản phẩm rằng: không có khoảng cách giữa người sử dụng dịch vụ.
Cùng chuyến bay có một vị khách đặc biệt – ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch của Bamboo Airways.
“Tôi rất vui. Mọi thứ diễn ra thuận lợi, suôn sẻ”, ông Quyết nói. “Tôi cảm nhận được niềm vui, sự háo hức của hành khách khi được bay thẳng đến Côn Đảo. Từ nay, ai cũng có thể sáng đến Côn Đảo, tối ăn ở Hà Nội”, vị lãnh đạo hãng bày tỏ ngay khi vừa xuống sân bay.
Đã tranh thủ hỏi chuyện nhiều người trong thời gian chờ đợi lên máy bay cũng như trên hành trình, tôi hiểu vị Chủ tịch không nói đùa mà là kết quả của một nghiên cứu nghiêm túc. 80% du khách đến với Côn Đảo hằng năm là người miền Bắc. Trong đó, một lượng lớn là du lịch tâm linh. Không ít người là những doanh nhân bận rộn hoặc những người muốn tìm về cội nguồn tranh thủ đến Côn Đảo định kỳ mỗi tháng, quý hay năm chỉ để thắp một nén nhang cho những vị anh hùng đã khuất, hoặc chỉ để lắng lại lòng mình trong khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi quay lại với cuộc sống bộn bề.
Theo kế hoạch, trong những tuần đầu tiên thương mại, hãng sẽ có 8 chuyến bay khứ hồi trong ngày. Thời gian tới hãng có thể khai thác lên 20 chuyến bay đến Côn Đảo trong ngày từ các tỉnh, thành cả nước như Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ.
Song tham vọng của tập đoàn này không chỉ dừng lại ở đường bay thẳng. Nhất là khi mục tiêu xuyên xuốt của FLC – kết nối trọn vẹn hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng – hàng không tại những miền đất mới. Như cách ông Quyết lý giải việc tìm đến Côn Đảo bởi sự tiềm năng của mảnh đất này.
Tháng 9 và 10 là mùa mưa ở Côn Đảo. Khí hậu thường ẩm ướt. Vậy mà những ngày này, thời tiết khô ráo, nắng nhẹ tầm 30 độ. Tôi và người đồng nghiệp có 2 ngày trải nghiệm ngắn ngủi tại đây. Nhiều cảnh đẹp nao lòng. Còn những địa danh chưa kịp ghé qua. Nhất định chúng tôi sẽ trở lại và tất nhiên trên đường bay thẳng của Bamboo Airways vào ngày gần nhất.
Nội dung: Ngọc Diệp – Ảnh: Giang Huy
Video: Bắc Nguyễn & Anh Phú – Thiết kế: Thái Hưng. – Vnexpress