Ba trăm năm thăng trầm một báu vật quốc gia

Lính Pháp lùng đến sát cửa đình. Anh du kích chắp tay vái, rồi nhảy lên bàn thờ thành hoàng, nấp sau chín tầng của bức võng sơn son thếp vàng.

Thủ từ 75 tuổi, ông Nguyễn Ngọc Bích nhớ về câu chuyện đã qua gần 70 năm, khi ấy, đang cùng đám con trẻ đùa chơi trong đình. Các bậc cao niên trong làng còn kể lại, bức võng cao 7 mét trong đình Diềm, xã Hòa Long, từng nhiều lần cứu sống du kích và cán bộ cách mạng.

Người làng Diềm, sinh ra đã thấy mái đình năm gian, trước mặt là hồ nước. Ông Bích kể, ngày trước, con trẻ thường lùa vịt gà đi ăn quanh, rồi chạy vào trú nắng, người già ra bổ cau, uống chè, hóng mát.  Lúc xuân thu nhị kỳ, người làng kéo nhau ngồi quanh lòng đình, nghe diễn tuồng, ca quan họ, mừng xong vụ gặt.

“Bức võng sừng sững giữa chính điện, chạm khắc trăm, nghìn hình hoa lá, con vật, chạy từ sàn đến nóc. Mọi người chỉ thấy đẹp, nhưng không ai biết nhiều về lịch sử của nó”, cụ kể.

Cửa võng đình Diềm được công nhận bảo vật quốc gia từ tháng 1/2020. Ảnh: Hữu Đạo.
Cửa võng đình Diềm được công nhận bảo vật quốc gia từ tháng 1/2020. Ảnh: Hữu Đạo.

Theo thần phả của làng và một số câu đối trong đình, đình Diềm được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII, thời Hậu Lê. Người dân lấy năm dựng mái, Nhâm Thân 1692, dưới thời vua Lê Hy Tông làm năm xây đình.

Như nhiều ngôi đình nằm ven sông Cầu, đình Diềm thờ Đức thánh Tam Giang Trương Hống, Trương Hát. Theo thần tích, hai vị thánh từng giúp Triệu Việt Vương đánh tan giặc Lương và giúp tướng Lý Thường Kiệt đánh Tống trên sông Như Nguyệt. Làng Diềm là một trong 49 làng quan họ cổ của Kinh Bắc, trong đình còn thờ Vua Bà, thủy tổ quan họ.

Lớp chạm trổ ở trung tâm bức cửa võng. Ảnh: Hữu Đạo.
Lớp chạm trổ ở trung tâm bức cửa võng. Ảnh: Hữu Đạo.

Đình Diềm mang kiến trúc tiêu biểu của Bắc Bộ. Theo Phó giáo sư Trần Lâm Biền, bộ cửa võng, yếu tố chủ chốt làm nên giá trị của ngôi đình, “gần như độc nhất vô nhị, được chạm khắc rất chi tiết, rậm rạp, suốt từ thượng lương xuống tới tận sát mặt đất”.

Bức võng bằng gỗ, ra đời cùng thời điểm với ngôi đình, thời kỳ Lê Trung Hưng, được nhìn nhận là giai đoạn rực rỡ nhất của nghệ thuật điêu khắc gỗ ở Việt Nam thời kỳ phong kiến. Song không có bất cứ tư liệu nào về lai lịch những nghệ nhân làm ra tác phẩm điêu khắc đồ sộ này.

Tổng chiều cao của bức võng khoảng 7 m, rộng 4 m, chia thành nhiều tầng trang trí với hàng trăm hoa văn về mặt trăng, mặt trời, tứ linh, các hoạt cảnh đời sống bình dân và muông thú. Tầng trên cùng đại diện cho thượng giới, với hình mặt trời ở cao nhất, chính giữa, chầu xung quanh là bốn con rồng, lưng cưỡi 4 tiên nữ đang dang tay múa.

Ở tầng trang trí thứ hai, bức võng chia làm ba lớp diềm, chạm thủng và lui sâu dần vào phía trong. Hình ảnh xuyên suốt ở tầng võng này vẫn là thế giới thần tiên, với đầu tiên nữ, mắt võng hình bông sen, chim phượng ngậm đèn lồng, chi tiết chạm khắc rất mảnh, nhỏ, nhưng sắc nét.

Trung tâm bức võng là phần chạm khắc tinh xảo và phức tạp nhất. Ba bộ cửa võng được chạm sâu, gồm 9 lớp lồng với nhau, hun hút với diềm mây lá cách điệu, 54 đầu rồng không có chiếc nào lặp lại kiểu dáng của nhau.

Ở bức võng đình Diềm, ngoài yếu tố tôn nghiêm ở các công trình thờ cúng cộng đồng, còn có nhiều cảnh sinh hoạt bình dân, như cụ già chơi cờ, đàn ông cởi trần đóng khố, voi, chim thú. Đặc biệt, hình ảnh người phụ nữ xuất hiện dày đặc, với các hình chạm cô gái ngồi mỉm cười, tay mân mê bím tóc trước ngực, tay vịn cành tre.

Một góc cửa võng đình Diềm. Ảnh: Hữu Đạo.
Một góc cửa võng đình Diềm. Ảnh: Hữu Đạo.

Cũng theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, nhiều hình tượng xuất hiện trong bức võng không thể bắt gặp ở công trình khác, như hình một con quỷ thân người, đầu khỉ đang ôm phía dưới bụng ngựa và một tay bóp đầu sinh thực khí của ngựa. “Hình tượng này nói lên điều gì trong tâm thức dân gian hay mang yếu tố tâm linh nào thì tới nay chưa thể biết một cách chắc chắn”, ông nhận định.

Đình Diềm khi xây dựng có ba gian hai chái, phần mái được chống đỡ hoàn toàn bởi hệ thống cột gỗ trơn, không hề có tường bao quanh. Hai bên là sàn ván gỗ, chính điện lát đá xanh. Theo cao niên trong làng, phần sàn gỗ của đình được dân quân du kích dỡ ra làm nắp hầm bí mật, trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Đầu năm 1950, quân Pháp tràn về làng. Sân đình trở thành nơi lính Pháp triệu tập dân, kiểm tra hộ tịch. Ai có tên trong sổ của trương tuần mà không có mặt đều bị quy là du kích, bị truy bắt rồi giải về sân đình đánh đập, bắt khai ra “đồng bọn”. Cụ Nguyễn Ngọc Bích, khi ấy mới 6 tuổi, cũng phải theo mẹ ra đình điểm chỉ, giờ chưa quên cảnh những người bị trói thừng, quỳ trong sân đình, lặng im, mặt mũi lấm máu.

Trước ngày đi sơ tán lên vùng tự do, người Hòa Long thực hiện “vườn không nhà trống” để lính Pháp không thể sử dụng làm căn cứ. Dân làng Diềm nhờ làng bên dỡ bỏ mái đình, còn mình thì đi dỡ mái đình làng bên, để không “phạm” tới các vị thành hoàng làng mình.

Trở về làng quê sau bao ngày sơ tán, người làng Diềm ngỡ ngàng. Các gian đình tiêu điều xác xơ, chỉ có chính điện lát đá xanh, và bức võng chín tầng vẫn vẹn nguyên, “óng màu sơn son thếp vàng, y như những đêm xưa ra đình nghe hát”, ông Bích kể lại.

Ông Nguyễn Ngọc Bích, người trông coi đình Diềm. Ảnh: Lam Phương.
Ông Nguyễn Ngọc Bích, người trông coi đình Diềm. Ảnh: Lam Phương.

Người dân chín ấp của xã Hoà Long chung sức, góp tiền dựng lại ngôi đình theo phần nền sót lại, được một gian hai chái. Vỏ một quả đạn pháo bắn sát đất Hòa Long, được người già xin về, treo trước cửa đình thay kẻng báo. Đình trở thành nơi họp hội thanh niên, phụ nữ, họp tổ sản xuất, họp làng.

Năm 1964, đình Diềm trở thành một trong những công trình đầu tiên của cả nước, được công nhận Di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia.

Tháng 8 năm 1971, trận đại hồng thủy lịch sử làm vỡ 400 km đê sông Hồng, nhấn chìm 200.000 hecta lúa, màu của các tỉnh miền Bắc. Người Hòa Long dắt díu nhau lên núi Kim Lĩnh tránh lụt giữa bốn bề trắng nước. Giữa tủ, giường cày cuốc của dân, nổi bồng bềnh những tượng thánh đình Diềm. Gần một tháng ngâm trong nước lũ, bức võng chín tầng chỉ bết đất bùn, gột rửa xong lại sáng bóng. Cho đến giờ, trải hơn 300 năm, công trình bằng gỗ không vết mối mọt, bong tróc.

Đầu năm 2020, bức võng được công nhận Bảo vật quốc gia, ngôi đình cũng được lên phương án trùng tu. Ông Bích cùng cao niên trong làng cùng nhau kiến nghị chính quyền, “phải giữ nguyên vốn cổ, hỏng cái gì thì sửa cái ấy, chứ nhất định không được làm theo kiểu mới”.

Lam Phương – Vnexpress