Thượng tướng Võ Văn Tuấn – nguyên Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không Không quân, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN, là con trai của nhà ngoại giao Võ Văn Sung – một trong 5 thành viên chính thức của đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại lễ ký hiệp định Paris 1973.
Ông Tuấn chia sẻ với những kỷ niệm gia đình và suy nghĩ của ông về khát vọng hòa bình từ góc nhìn của một tướng lĩnh.
– Cha ông, đại sứ Võ Văn Sung là người đã đề xuất chọn Paris làm nơi diễn ra cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngày này 45 năm trước, cha ông đã chia sẻ điều gì với con trai mình?
– Ngày 30/4/1975, tôi đang là học viên phi công, chuẩn bị đi học lái máy bay. Ba tôi sau khi tham gia đoàn đàm phán ký hiệp định Paris 27/1/1973, tiếp tục ở lại làm đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Pháp. Dù ở cách nhau hàng vạn cây số, sau này kể lại thì cảm xúc của hai ba con đều giống nhau, đó là niềm hạnh phúc vỡ oà vì đất nước được thống nhất.
Lúc đó, tôi vội lấy danh thiếp của ba được cất kỹ trong balo, lật mặt sau và ghi “11h30 ngày 30/4/1975, chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh toàn thắng. Đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Ghi nhớ mãi ngày này”. Chiếc danh thiếp ấy, sau 45 năm tôi vẫn còn giữ.
Với ba tôi, trong suốt những năm tháng hoạt động ngoại giao, đó cũng là giây phút đáng nhớ nhất, vì khát vọng hoà bình cho dân tộc đã thành sự thật.
Ba tôi có nhiều cuốn hồi ký, trong đó, ông nêu mục tiêu cuối cùng của mọi cuộc đấu tranh là đất nước được độc lập, hoà bình, người dân được sống trong tự do để phát triển.
Ông từng nhận định, các thế lực khi đến xâm lăng luôn tìm cách chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất của một quốc gia. Người Việt Nam có những lúc đã ở hai chiến tuyến, nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều là máu đỏ da vàng, đều chung nguồn gốc, đều là con dân của đất mẹ Việt Nam, không ai có thể chia cắt được.
Ba tôi ở Tây Âu, tiếp xúc nhiều Việt Kiều với nhiều hoàn cảnh khác nhau, quan điểm chính trị khác nhau, nhưng lúc đó ai cũng mong muốn hoà bình cho dân tộc và tự do cho nhân dân Việt Nam.
– Được biết gia đình ông ở miền Nam tập kết ra Bắc, nhiều người thân vẫn ở trong Nam. Đúc kết nêu trên của cha ông về “người Việt Nam có những lúc đã ở hai chiến tuyến” chắc cũng đến từ hoàn cảnh gia đình?
– Anh con dì hai (chị gái của mẹ) tôi trước đây là sĩ quan của quân đội phía bên kia chiến tuyến. Sau ngày đất nước thống nhất, tôi đóng quân ở sân bay Phan Rang, anh tôi ở Nha Trang, tôi vẫn thường xuyên chủ động gặp anh. Anh là người hiền lành nhưng cũng phải đi học tập, cải tạo rất lâu.
Tôi và anh thường ngồi với nhau và có chung tâm sự rằng, thật may mắn khi có ngày thống nhất đất nước, nếu không, hai anh em sớm muộn phải đối diện với nhau trên chiến tuyến, người trong gia đình có thể phải bắn nhau. Và dù anh tôi ở bên nhận thất bại, anh luôn nói nhờ có 30/4 mà anh em được đoàn tụ. 45 năm rồi, chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau và rất thân thiết.
Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, hoà giải, hoà hợp dân tộc rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước chúng ta. Sức mạnh hội tụ sẽ là đôi cánh giúp Việt Nam bay xa hơn.
– Khát vọng hòa bình của các thế hệ người Việt Nam trong đó có cha ông phần nào được thể hiện trong Sách trắng quốc phòng. Đó là chính sách quốc phòng mang tính hoà bình, tự vệ. Ông nghĩ như thế nào về chính sách này?
– Khi Sách trắng quốc phòng 2019 được công bố, tôi đã nghỉ hưu, nhưng quá trình xây dựng tôi có tham gia. Chúng ta đều biết, thế giới hiện nay không còn hai cực nữa mà là đa cực, là thế giới phẳng. Tất cả quốc gia dù lớn nhỏ đều đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên hết. Việt Nam hiện là thành viên tích cực của khối ASEAN, cùng các nước xây dựng nền hoà bình, ổn định của khu vực.
Chúng ta nhất quán quan điểm không tham gia liên minh quân sự, vì tham gia với nhóm nước này để chống lại nhóm nước khác sẽ dẫn đến nguy cơ đe doạ an ninh, hoà bình cho dân tộc mình.
Trong Sách trắng quốc phòng 2019, Việt Nam nêu rõ chính sách “bốn không”, nhưng bổ sung “một tuỳ”. Đó là, “tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế”.
Đây là một điểm rất mới, nêu rõ chúng ta không cứng nhắc, nếu đất nước lâm nguy, an ninh đe doạ, Việt Nam có thể tham gia vào một khối, nhóm nào đó để chống lại âm mưu thù địch, tìm các đe doạ nền hoà bình của chúng ta.
Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa thông qua đối ngoại chung và đối ngoại quân sự quốc phòng. Trong khối ASEAN, chúng ta chủ động đề xuất tổ chức hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ADMM, và hội nghị ADMM+ mở rộng với các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nga để tăng cường hoạt động bảo vệ hoà bình, ổn định, phát triển trong khu vực.
Bộ đội Việt Nam cũng đang tham gia tích cực vào hoạt động bảo vệ, gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc.
– Một đất nước muốn có hòa bình bền vững thì phải đủ năng lực để bảo vệ Tổ quốc, cả về khả năng tổng hợp cũng như khả năng đặc trưng của quốc phòng. Ông nhìn nhận như thế nào về điều này?
– Chúng ta không đánh người khác nhưng phải luôn phòng vệ để có hàng rào tốt, nếu bị tấn công thì sẵn sàng đáp trả.
Muốn hoà bình, chúng ta phải khoẻ mạnh. Xây dựng một quân đội hùng mạnh làm rường cột cho đất nước là việc phải làm để đảm bảo hoà bình vững chắc. Vì vậy, quân đội Việt Nam được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đó là một trong những chiến lược của Nhà nước để đảm bảo không ai dám nhòm ngó, xâm lược. Nếu chúng ta yếu, chúng ta phải trả giá cao.
Bên cạnh đội quân tinh nhuệ, chúng ta cũng mua sắm và làm chủ vũ khí hiện đại, đảm bảo phòng ngự và tấn công khi cần thiết. Dù từng bước hiện đại, Việt Nam có nhiều quân binh chủng tiến thẳng lên hiện đại, đặc biệt là những quân binh chủng thiên về kỹ thuật như Phòng không Không quân, Hải quân, Thông tin liên lạc, Không gian mạng… đủ sức để đối đầu và đánh thắng vũ khí, thế lực tương đương có ý đồ xâm lược chúng ta.
Tôi có thể khẳng định, hiện nay, quân đội Việt Nam đủ mạnh để đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền đất nước.
– Cha ông từng chia sẻ với ông những giá trị của hòa bình và thống nhất đất nước, đến lượt mình, ông nói điều này với các con như thế nào?
– Kinh nghiệm đúc kết suốt những năm tháng hoạt động ngoại giao của ba tôi và cả đời phục vụ trong quân ngũ, tôi hiểu rõ giá trị của hoà bình, ổn định. Để có hoà bình, chúng ta đã phải trả giá bằng cả xương máu của hàng triệu người.
Thế hệ của ba tôi đã đấu tranh để giành hoà bình, thế hệ của tôi là gìn giữ hoà bình, còn thế hệ con cháu tôi, của thanh niên hiện nay là tiếp tục sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đó là trách nhiệm thế hệ, được truyền từ đời này qua đời khác, không cần phải nói trực tiếp hay trao đổi giáo điều.
Tôi tin rằng, các con tôi và lớp trẻ sau này hoàn toàn có đủ tài năng, trí tuệ và sự hiểu biết để gìn giữ hoà bình, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.
Tôi cũng mong 30/4 là ngày kỷ niệm đất nước thống nhất cuối cùng, không còn ngày nào tương tự nữa. Như vậy, đất nước sẽ mãi mãi hoà bình, ổn định, phát triển vững chắc.
Hoàng Thùy – Vnexpress