Kịch bản nào cho kinh tế thế giới

Nền kinh tế phục hồi nhanh như mô hình chữ V hay đi lên rồi lại đi xuống như chữ W, tuỳ vào việc phải kéo dài “cách ly xã hội” bao lâu.

Các nhà kinh tế học chọn chữ cái La Mã để dự đoán khả năng phục hồi của kinh tế thế giới với Covid-19. Mô hình chữ V hàm ý sự phục hồi nhanh tương đương với đà sụt giảm là kịch bản trước đây được chọn nhiều. Nhưng đến nay, nhiều người bắt đầu lo lắng về mô hình chữ U, với giai đoạn phục hồi chậm hơn. Những người bi quan nhất đã bắt đầu chú ý đến mô hình chữ L hoặc W, hàm ý về khả năng đi ngang ở đáy hoặc trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại sau khi được khống chế.

“Có mối quan hệ phức tạp giữa diễn biến của dịch bệnh, tác động từ các biện pháp ngăn chặn và chính sách hỗ trợ kinh tế”, Bruce Kasman, chuyên gia kinh tế của JPMorgan Chase, cho biết.

Những con phố vắng trong khu người Hoa ở Manhattan. Ảnh:NYT
Những con phố vắng trong khu người Hoa ở Manhattan. Ảnh:NYT

Mô hình chữ V

Trong kịch bản này, đại dịch tại châu Âu và Mỹ sẽ được khống chế vào tháng 4 hoặc tháng 5, cho phép các biện pháp “cách ly xã hội” dần được nới lỏng.

Việc khống chế được dịch bệnh sẽ giải phóng nhu cầu bị dồn nén, được hỗ trợ bởi các gói kích thích tài chính và tiền tệ lớn đã được triển khai. Các nhà máy và cơ sở dịch vụ có thể mở cửa kinh doanh trở lại. Những nỗ lực của các chính phủ trong việc ngăn chặn các công ty sa thải công nhân được thực hiện thành công, tỷ lệ thất nghiệp được khống chế. Các nền kinh tế được dự báo trở lại mức sản lượng trước khủng hoảng vào đầu năm 2021.

Kịch bản này được hỗ trợ bởi những diễn biến gần đây tại Trung Quốc, khi quá trình khởi động lại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang được đẩy nhanh sau khi khống chế dịch bệnh. Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) tháng 3 của nước này đạt 52, sau khi xuống thấp kỷ lục 35,7 trong tháng 2.

Mô hình phục hồi chữ V với hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg
Mô hình phục hồi chữ V với hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, giới phân tích đang lo ngại rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ khó đạt được chiều hướng tương tự, bởi kịch bản chữ V chỉ có thể xảy ra tại Trung Quốc. Những nền kinh tế lớn khác của thế giới đang đối mặt với khả năng suy thoái trong quý II khi dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp.

Mô hình chữ U

Trong trường hợp này, đại dịch có thể kéo dài tới tháng 6, tức là các biện pháp ngăn chặn sự lây lan cần thời gian lâu hơn mới có thể nới lỏng.

Nhu cầu bị dồn nén sẽ được giải phóng một phần nhờ nỗ lực kích thích của các chính phủ và ngân hàng trung ương, nhưng người tiêu dùng có thể không sẵn sàng cho việc trở lại mua sắm. Điều này là bởi các nhà máy cần có thời gian để phục hồi và không phải mọi công việc bị mất trong khủng hoảng đều trở lại. Một số người dân cũng cần phải trả các khoản nợ phát sinh trong giai đoạn khủng hoảng. Giao thương chậm chạp và sự phục hồi của các nền kinh tế có thể phải đến cuối năm 2022 hoặc lâu hơn.

Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới theo từng kịch bản của đại dịch. Ảnh: Bloomberg
Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới theo từng kịch bản của đại dịch. Ảnh: Bloomberg

Từ diễn biến tại Trung Quốc, tác động của dịch bệnh với Hàn Quốc và phần còn lại của khu vực, Chong Hoon Park, kinh tế trưởng tại Ngân hàng Standard Chartered Hàn Quốc, cho rằng mô hình chữ U sẽ hợp lý hơn V.

“Tôi nghĩ sự chậm lại của Trung Quốc sẽ kéo dài”, Park nói với Bloomberg. “Tôi không lạc quan với mô hình chữ V, bởi sự phục hồi tại Trung Quốc là chưa rõ ràng”.

Mô hình chữ L

Ở kịch bản này, đại dịch sẽ kéo dài tới nửa cuối năm, buộc các biện pháp ngăn chặn, như “cách ly xã hội”, phải kéo dài qua tháng 6.

Ngay cả khi tác động của dịch bệnh giảm dần, khả năng suy thoái sẽ kéo dài hơn dự kiến hoặc sự phục hồi mất nhiều thời gian hơn. Trong kịch bản này, người dân sẽ tiếp tục cắt giảm chi tiêu. Các khoản nợ phát sinh trước hoặc trong giai đoạn khủng hoảng trở nên khó trả, tạo ra vòng xoáy vỡ nợ và phá sản. Thị trường tín dụng, vì thế, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Thị trường chứng khoán không thể phục hồi.

Các chính phủ sẽ phải cung cấp nhiều gói kích thích hơn sau khi những nỗ lực trước đó không thể xoa dịu tình hình, nhưng điều này cũng cần thời gian để thực hiện.

Rob Subbaraman, chuyên gia kinh tế tại Nomura Holdings, nói rằng mô hình chữ L sẽ là trường hợp xấu nhất của cuộc khủng hoảng này. Trong khi đó, Erik Britton của Fathom Consulting cho rằng sự sụt giảm kéo dài sẽ khó tránh nếu Covid-19 quay trở lại, có nghĩa là hoặc chữ V hoặc chữ L.

Mô hình W

Nội hàm chính của kịch bản này là đại dịch sẽ trở lại sau khi được khống chế. Các chuyên gia từ Đại học Hoàng gia London từng cảnh báo, nếu những nỗ lực kiểm soát được nới lỏng sớm, Covid-19 có thể trở lại.

Một kịch bản tăng trưởng được xây dựng theo mô hình W. Ảnh: Bloomberg
Một kịch bản tăng trưởng được xây dựng theo mô hình W. Ảnh: Bloomberg

Điều đó có nghĩa các biện pháp ngăn chặn sự lây lan một lần nữa phải áp dụng, bao gồm việc hạn chế đi lại, đóng cửa nhà máy, hạn chế các cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Kết quả là sau đà phục hồi sẽ tiếp tục là suy thoái, với sự vận động của nền kinh tế tương tự chữ W.

“Rủi ro lớn nhất với dự báo cơ sở theo hình chữ V của chúng tôi là sự trở lại của Covid-19 trong quý III”, Keith Wade, kinh tế trưởng tại Schroder Investement Management, cho biết. “Về mặt kinh tế, điều này sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái kép, khi các doanh nghiệp phải đóng cửa một lần nữa, các biện pháp hạn chế di chuyển được áp đặt lại”.

 Mô hình “dấu tick”

Mô hình “dấu tick”, hay còn được liên tưởng tới hình ảnh của hãng sản xuất đồ thể thao Nike, là kịch bản với một nửa của chữ V và phần còn lại được kéo dài. Trong kịch bản này, sự phục hồi sẽ diễn ra với tốc độ chậm hơn vì các biện pháp ngăn chặn sự lây lan sẽ được dỡ bỏ một cách thận trọng.

Quy mô kinh tế toàn cầu trong năm 2021 sẽ dưới mức trước khủng hoảng và tốc độ tăng trưởng sẽ chậm hơn vì người dân vẫn thận trọng trong việc chi tiêu, đặc biệt nếu họ phải xử lý các khoản nợ.

“Đà suy thoái mạnh sẽ theo sau bởi một xu hướng phục hồi nhẹ hơn, nhưng cuối cùng cũng sẽ vượt qua quy mô trước đại dịch”, Holger Schmieding và Kallum Pickering, các nhà kinh tế tại Berenberg Bank, cho biết. “Nhìn chung, chúng tôi hy vọng GDP sẽ vượt qua mức cuối năm 2019 trong khoảng hai năm sau khủng hoảng”.

Minh Sơn (theo Bloomberg) – Vnexpress