Hai vị trí dẫn đầu không thay đổi so với năm 2019. Cả MIT và Stanford đều cho thấy thế mạnh trong việc nghiên cứu và đào tạo các ngành cụ thể thuộc lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, như: Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin, Kỹ thuật Hóa học, Kỹ thuật Điện – Điện tử hay Kỹ thuật Cơ khí, hàng không và chế tạo.
Xếp thứ ba và tư trên bảng xếp hạng năm nay lần lượt là Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) và ETH Zurich (Thụy Sĩ). Hai trường đổi vị trí cho nhau so với năm ngoái.
Ngoài Cambridge, Vương quốc Anh còn hai đại diện khác trong top 10 là Đại học Oxford (thứ 6) và Imperial College London (thứ 7). Mỹ còn một trường được xếp ở vị trí thứ 5 là Đại học California tại Berkeley.
Châu Á có ba đại học lọt top 10 ở lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, gồm: Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Thanh Hoa (Trung Quốc) và Quốc gia Singapore. Ba trường giữ lần lượt ba vị trí cuối trong top 10. Trong đó, Đại học Thanh Hoa tăng một bậc, hai trường của Singapore tụt hai bậc so với năm 2019.
Bảng xếp hạng đại học thế giới theo lĩnh vực của QS xếp hạng các trường dựa trên bốn tiêu chí: uy tín trong giới học giả (Academic Reputation), uy tín đối với nhà tuyển dụng (Employer Reputation), số trích dẫn trung bình trên một bài báo (Citations per paper) và chỉ số H-index (đo lường năng suất và mức độ tác động của các công bố khoa học). Trong đó, uy tín trong giới học giả được đánh giá với trọng số cao nhất, chiếm 40%.