Sau bài “Không thể tiếp tục cho học sinh nghỉ tháng 3”, TS Trần Vinh Dự (43 tuổi, nhận bằng tiến sĩ ở Đại học Texas tại Austin, Mỹ) tiếp tục chỉ ra lý do bất hợp lý khi phụ huynh muốn con nghỉ học.
Dường như có sự bất hợp lý trong cách dư luận phản ứng với Covid-19 so với các hiểm họa y tế khác vốn luôn thường trực. Hãy thử so sánh Covid-19 với cúm mùa. Mặc dù đã có vaccine cho cúm mùa, không phải ai cũng dùng và vì thế hàng năm vẫn có nhiều người bị bệnh.
Số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy trong mùa cúm 2017-2018 ước tính Mỹ có khoảng 45 triệu người nhiễm, trong đó 21 triệu người đến khám ở cơ sở y tế, 810.000 người nhập viện và 61.000 ca tử vong.
Nếu tính tỷ lệ tử vong trên số bị nhiễm hoặc số đi khám thì chưa tới 1%, nhưng tính trên số phải nhập viện thì tới 7,53%. Mùa cúm năm 2018-2019 ở Mỹ đỡ hơn chút, nhưng con số tử vong vẫn lên tới hơn 34.000. Tính trên số người nhập viện điều trị thì tỷ lệ tử vong là 7%.
Tại Việt Nam, số liệu trên trang của Bộ Y tế và Cục Y tế Dự phòng cho thấy mỗi năm Việt Nam có khoảng 800.000 người mắc bệnh cúm. Riêng 11 tháng đầu năm 2019, số người nhiễm chỉ còn hơn 400.000, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018. Trang web của Cục Y tế Dự phòng không có số liệu về tử vong do cúm ở Việt Nam; trang của Bộ Y tế thống kê năm 2019 chỉ 10 người.
Một trang báo khác dẫn nguồn của WHO viết năm 2017 số người tử vong ở Việt Nam do cúm và viêm phổi pneumonia là 20.000. Vì không phải cứ viêm phổi là do cúm, số người chết vì cúm ở Việt Nam năm 2017 sẽ phải nhỏ hơn con số 20.000 người mà WHO công bố, nhưng cũng không thấp đến mức chỉ 10 người.
Hiện nay trên khắp thế giới có hơn 83.000 người được xác định nhiễm Covid-19 và hơn 2.800 ca tử vong, chiếm 3,4%. Rõ ràng Covid-19 là đáng sợ, nhưng tỷ lệ tử vong của Covid-19 không quá cao so với cúm mùa, đặc biệt nếu nhìn vào số tử vong trên số nhập viện ở Mỹ, theo CDC. Đó là chưa tính đến chuyện đại đa số các ca tử vong này thuộc về thành phố Vũ Hán, nơi hệ thống y tế bị quá tải.
Việt Nam ghi nhận 16 người nhiễm Covid-19 và đều đã khỏi, không có trường hợp tử vong. Dĩ nhiên Covid-19 vẫn sẽ là một hiểm họa đối với Việt Nam chừng nào dịch vẫn còn bùng phát ở các quốc gia khác. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có hệ thống chính sách thận trọng giúp bảo đảm an toàn cho người dân.
Tuy nhiên, liệu có cần thiết phải hoang mang tới mức đóng cửa toàn bộ trường học? Cúm mùa ở Việt Nam cũng rất đáng sợ, số người bị nhiễm lên đến hàng trăm nghìn, số người bị chết vì cúm mùa cũng nhiều, nhưng cộng đồng lại không hoảng loạn, thậm chí thờ ơ, nhiều người (đặc biệt là người lớn) còn không quan tâm đến chuyện tiêm vaccine ngừa cúm hàng năm. Trong khi đó, Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam chưa đáng kể và đã được kiềm chế, nhưng lại gây hoang mang.
Dường như có sự bất hợp lý trong cách dư luận phản ứng với Covid-19 so với các hiểm họa y tế khác vốn luôn thường trực.
Tại sao phụ huynh phản đối cho con đi học trở lại?
Các lý do phụ huynh đưa ra để phản đối đi học sớm gồm ba nhóm. Thứ nhất, trường học là nơi tập trung đông đúc, dễ lây. Thứ hai, trẻ em ý thức kém hơn người lớn. Thứ ba, bùng dịch ở trường thì sẽ nhanh chóng quá tải hệ thống y tế và vỡ trận. Tất cả lý do này đều đúng. Chỉ có điều nó vô lý và vô nghĩa nếu chỉ áp dụng riêng cho trường học.
Với lý do số thứ nhất, hiện nay dù trường học vắng tanh, các bệnh viện lại nghìn nghịt người, các tòa nhà văn phòng vẫn nườm nượp, nhà máy xí nghiệp đều đang hoạt động, nhà ga, bến tàu vẫn đông. Thậm chí ngoài đường phố, các ngã tư vẫn đông nghẹt người mỗi khi chờ đèn đỏ. Lây nhiễm có thể xuất hiện ở bất cứ đâu.
Ở lý do thứ hai, đúng là trẻ em, đặc biệt trẻ nhỏ, ý thức tự bảo vệ sức khỏe kém hơn người lớn. Nhưng theo số liệu về dịch Covid-19 ở Trung Quốc, đến ngày 11/2, với hơn 44.000 người nhiễm, người trẻ trong độ tuổi từ 0 tới 19 tuổi chỉ chiếm 2,1% và không trẻ em nào trong độ tuổi từ 0 đến 9 tuổi tử vong.
Như vậy, trong khi người lớn lo cho trẻ con không biết tự bảo vệ, đa số người bị nhiễm và người tử vong lại là người lớn. Cũng lưu ý thêm là Vũ Hán phản ứng chậm với dịch, việc đóng cửa trường học sau này mới diễn ra. Vì thế, nếu thực sự muốn bảo vệ trẻ em thì cũng nên cấm người lớn ra đường.
Lý do thứ ba, nếu dịch bùng lên, chắc chắn hệ thống y tế của Việt Nam sẽ nhanh chóng quá tải. Nhưng dịch bùng lên có thể ở bất kỳ đâu: một nhà thờ và một bệnh viện ở Hàn Quốc, một bệnh viện ở Italy, một khu thánh tích ở Iran, một tàu du lịch ở Nhật, một chợ hải sản ở Vũ Hán… Vậy sao chỉ đóng cửa trường học?
Nếu thực sự lo ngại các lý do trên, giải pháp phải là đóng cửa toàn bộ quốc gia như Bắc Triều Tiên, hoặc các thành phố lớn như Vũ Hán. Hoặc như CDC đang lên kế hoạch, trường hợp xảy ra đại dịch, Mỹ sẽ phải đóng cửa trường học và các văn phòng, công sở.
Thế nhưng tại sao không mấy ai ở Việt Nam vận động đóng cửa các văn phòng, cơ sở sản xuất, các điểm du lịch, phong tỏa thành phố mà chỉ có trường học?
Người lớn dĩ nhiên biết rằng nếu phong tỏa các thành phố, ảnh hưởng đầu tiên là không có thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt, sẽ không có nhiều gia đình có đủ điều kiện kinh tế để không đi làm trong thời gian dài.
Người lớn cũng có thể tự tin hơn rằng mình đề phòng tốt hơn và sẽ ít khả năng bị nhiễm bệnh hơn trẻ nhỏ. Thực tế, với số khẩu trang ít ỏi tại Việt Nam (chỉ có công suất 3 triệu chiếc mỗi ngày theo Thứ trưởng Y tế) và thậm chí nước tẩy trùng cũng không đủ, điều kiện tham gia giao thông phức tạp, các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM đều có mật độ dân số dày đặc, khả năng né được Covid-19 có thực sự cao hơn so với học sinh khi đến trường? Sự tự tin này của người lớn nhiều khả năng là phi lý.
Còn lý do nào về việc vận động cho học sinh tiếp tục nghỉ? Có một thực tế là bất cứ phụ huynh nào cũng có quyền cho con nghỉ học theo ý muốn, thậm chí tự cách ly cả gia đình trong một thời gian dài nếu muốn và nếu có điều kiện.
Nếu như một phụ huynh đã quyết định cho con nghỉ học vì tình hình dịch bệnh, bản chất việc nhà nước có mở cửa trường học sớm hay muộn kết quả đối với con của phụ huynh đó vẫn vậy. Cháu vẫn an toàn và khỏe mạnh ở nhà, nếu phụ huynh giữ cháu được trong nhà và không mang bệnh về cho cháu.
Câu chuyện chỉ là một số bạn bè của cháu sẽ đi học và cháu cũng như bố mẹ sẽ cảm thấy bị tụt lại trong cuộc đua quyết liệt về học hành. Điều này là khó chấp nhận được với các vị phụ huynh đó. Và có lẽ đó là một trong những lý do quan trọng để phụ huynh lên tiếng yêu cầu nhà nước tiếp tục đóng cửa trường.
Chưa ai nói tới điều này, nhưng rõ ràng khi phụ huynh không muốn con mình đi học sớm thì vô hình chung họ đang vận động để ngăn cản quyền được đi học của các bé trong gia đình sẵn sàng cho con đi học. Quyền được đi học của những gia đình muốn con đi học trong điều kiện bệnh dịch này có chính đáng không?
Vì lý do chống dịch mà ngăn chặn quyền đi học thì cũng cần ngăn chặn các hoạt động khác và tiến tới đóng cửa thành phố như Vũ Hán. Còn nếu không đóng cửa thành phố mà đóng cửa trường dài hạn, đây thực chất là tước đoạt quyền được đi học một cách phi lý.
Sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý, hơn 22 triệu học sinh cả nước nghỉ học một tháng để phòng Covid-19. Tuy nhiên, lo ngại dịch diễn biến phức tạp, sau kiến nghị của UBND TP HCM, Văn phòng Chính phủ, chiều 27/2, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký văn bản đề nghị chủ tịch các tỉnh, thành cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS nghỉ tiếp 1-2 tuần, học sinh THPT đi học từ ngày 2/3.
TS Trần Vinh Dự – Vnexpress