Cô nói: “Tạo hình, tính cách và hoàn cảnh ba nhân vật khác nhau. Vì vậy, tôi phải tìm hiểu kỹ, cố gắng thể hiện ra vai. Tôi được đạo diễn – nhà biên kịch Hoàng Anh hỗ trợ nhiều”. Thúy Ngân cho biết có lúc dùng ánh mắt để biểu lộ cá tính, có lúc sử dụng giọng nói hoặc hình thể để khắc họa vai diễn.
Trong ba vai, Bảo Châu (con nhân vật Hải) có cá tính gần với cô ngoài đời. Tuy cuộc sống không suôn sẻ, cô ấy biết cách đối diện với khó khăn. Ngoài ra, Thúy Ngân mất nhiều thời gian cho cảnh người mẹ sinh con do chưa có trải nghiệm.
Phần hai Gạo nếp gạo tẻ có nội dung độc lập phần một, vẫn phản ánh mặt trái quan điểm “trọng nam khinh nữ”. Phim tập trung vào tuyến nhân vật của Hải cùng người vợ mới (Thùy Trang thể hiện) và vợ cũ (Thúy Ngân đóng). Theo truyền thống gia tộc, năm 40 tuổi, nếu Hải chưa có con trai, anh phải giao tài sản lại cho người cậu. Vì muốn giữ vai trò thừa kế, Hải tráo con của hai người đàn bà. Nhiều năm sau, Bảo Châu – con bị bỏ rơi của Hải – quyết tâm tìm sự thật về thân thế của cô.
Gạo nếp, gạo tẻ phần một chuyển thể từ kịch bản Hàn Quốc, giành giải vàng hạng mục Phim truyện tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 38. Phim xoay quanh mối quan hệ mẹ con, vợ chồng và chuyện cơm áo gạo tiền. Ở phần một, Thúy Ngân gây chú ý với khán giả khi đóng tròn vai Hân – cô gái được mẹ cưng chiều nên đành hanh với chị gái, xấc xược với gia đình chồng. Cô đoạt giải Mai Vàng lần 24 hạng mục Nữ diễn viên Phim truyền hình được yêu thích nhờ vai Hân.
Thúy Ngân tên đầy đủ là Lê Huỳnh Thúy Ngân đến từ Tiền Giang. Cô từng vào top 20 Hoa hậu Việt Nam 2010, top 15 Nữ hoàng Du lịch Quốc tế 2011. Cô góp mặt trong nhiều bộ phim truyền hình như: Hoa vẫn nở mùa đông, Nước mắt chảy ngược, Lấy chồng sớm làm gì, Bến nước 13, Sao đổi ngôi… Cô cũng thử sức với vai trò người dẫn chương trình.
Kha Miên – Vnexpress