Trong đợt đánh giá mới nhất của Morgan Stanley Capital International (MSCI) vào giữa năm ngoái, Việt Nam vẫn chưa được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, dù đáp ứng tất cả các tiêu chí định lượng như quy mô, vốn hoá, số lượng doanh nghiệp đạt 1 tỷ USD… Không lâu sau đó, FTSE cũng không nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp vì chưa đáp ứng một số tiêu chí định tính như thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán, quy trình đăng ký giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài còn phức tạp…
Động thái gần đây nhất được giới quan sát nhận định sẽ tác động lớn đến thị trường, từ đó góp phần xoá bỏ rào cản đối với quá trình nâng hạng là Luật Chứng khoán mới được thông qua cuối tháng 11/2019 và có hiệu lực từ đầu năm 2021. Luật tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư thông qua yêu cầu chất lượng báo cáo tài chính, công bố bố thông tin, trao thêm quyền cho SSC kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động chứng khoán…
“Chúng tôi kỳ vọng những thay đổi này sẽ cải thiện chất lượng cổ phiếu, tăng cường tính minh bạch và bảo vệ tốt hơn lợi ích của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ, giúp thu hút thêm các quỹ trong, ngoài nước vào thị trường chứng khoán Việt Nam và đẩy nhanh quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi”, báo cáo chiến lược năm nay của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDS) viết.
Theo các chuyên gia phân tích của doanh nghiệp này, chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng trong 2-3 năm tới, đồng nghĩa hoàn thành kịp lúc mục tiêu của Chính phủ giao. Cụ thể, trong kịch bản tốt nhất, MSCI có thể đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng trong đợt đánh giá thường niên vào tháng 6/2021 và chính thức nâng hạng sau đó một năm.
Cũng điểm lại những vướng mắc của thị trường nhưng cộng thêm lý do MSCI cần nhiều thời gian đánh giá quá trình vận hành Luật Chứng khoán mới, nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng Việt Nam khó được nâng hạng trước năm 2022. Đồng quan điểm, Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) dự báo nếu không có yếu tố đột biến thì quá trình chờ nâng hạng sẽ kéo dài đến giữa năm 2022, thậm chí tiêu cực là sau năm 2023.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đưa ra quan điểm thận trọng hơn vì hiện nay mới là giai đoạn đầu bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ cấu lại hàng hóa và tổ chức mô hình thị trường. Doanh nghiệp này kỳ vọng FTSE thông báo nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sớm nhất trong năm nay và MSCI là trước năm 2025.
Ngay cả khi chưa được nâng hạng, thị trường chứng khoán vẫn hưởng lợi đáng kể. Trường hợp tương đồng gần nhất là Romania, chỉ số đại diện cho chứng khoán nước này đã tăng gần 38% kể từ đầu năm trước khi được nâng lên thị trường mới nổi hạng 2 vào tháng 9/2019.
Với trường hợp Việt Nam, theo công bố của MSCI, Kuwait có thể được thêm vào MSCI Emerging Markets Index giữa năm nay. Tỷ trọng sau đó của Việt Nam trong MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index có thể tăng lên 25,8% và 30%, nhờ đó nhận các khoản đầu tư xấp xỉ 200 triệu USD từ các quỹ giao dịch theo hai chỉ số này. Nếu xem xét các quỹ chủ động và thụ động khác như MSCI Frontier Emerging Markets Index hay S&P/BNP Mellon New Frontier Index thì quy mô dòng vốn có thể lớn hơn, ở mức 250-270 triệu USD, theo ước tính của VNDS.
Trả lời VnExpress mới đây, Phó chủ tịch Uỷ ban chứng khoán nhà nước (SSC) Phạm Hồng Sơn đánh giá một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện này là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, nhà đầu tư muốn mua cổ phần Vinamilk hoặc một số ngân hàng thương mại nhưng trần sở hữu không cho phép. Vấn đề này mỗi SSC không thể giải quyết vì từng bộ, ngành quản lý một lĩnh vực riêng và quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện riêng.
Bên cạnh đó, ông Sơn cho rằng, không phải cứ có điểm nghẽn là phải tháo gỡ bởi một số nguyên tắc đang nhằm đảm bảo an toàn nhất cho thị trường. Bảng xếp hạng của các tổ chức đánh giá không phải một tiêu chuẩn chung, mà chỉ phản ánh quan điểm của các quỹ đầu tư. “Chúng ta không cố được nâng hạng bằng mọi giá, không có gì chắc chắn năm nay Việt Nam được nâng hạng nhưng năm sau còn giữ được. Nâng hạng rồi lại không thể giữ thì còn gay go hơn”, ông Sơn nói.
Phương Đông – Vnexpress