Trần Anh Dũng: 9 trên 10 startup chết vì không hiểu điều này

Sau nhiều năm khởi nghiệp, trải qua đủ loại thăng trầm, sướng khổ, cuối cùng cũng sống sót được tới tận bây giờ. Cho đến tận bây giờ Tôi cũng chưa hiểu hết được hoàn toàn cái gì giúp chúng tôi tồn tại và phát triển được sau từng ấy năm, nhưng có một thứ đối với tôi nó tác động rất lớn tới sự phát triển và tính ổn định của chúng tôi trong suốt thời gian qua, đó chính là tài chính quản trị.
Chúng tôi ý thức rất rõ việc này quan trọng như nào đến sự sinh tồn của mình, nên ngay từ những ngày đầu tiên khởi nghiệp, chúng tôi đã tuân thủ một cách chặt chẽ những thứ tối thiểu nhưng tối trọng trong quản trị tài chính.
Tôi biết rất nhiều bạn khởi nghiệp, rất nhiều trong số họ đã lập kế hoạch để chết ngay từ những ngày đầu tiên khi xem thường việc này. Hôm nay, Tôi nghĩ rằng những gì viết dưới đây sẽ giúp rất nhiều các bạn khởi nghiệp, việc chia sẻ này hoàn toàn từ quan điểm cá nhân, xuất phát từ một người đang làm khởi nghiệp, đang trải nghiệm hàng ngày tài chính quản trị và thấy nó vô cùng thú vị.
Hy vọng những gì dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu sơ bộ về tài chính quản trị và áp dụng được nó vào doanh nghiệp của mình.

Đầu tiên là các định nghĩa

Profit (Lợi nhuận) Kinh doanh là một quá trình lặp đi lặp lại nhằm thu được lại các lợi ích cho chủ sở hữu (lợi nhuận) bằng việc phân phối sản phẩm/dịch vụ đến tay khách hàng.

No Margin, No Mission – Stephen Covey

Cash (Tiền mặt) Tiền mặt và lợi nhuận là hai thứ khác nhau. Ngay cả một doanh nghiệp có lãi có thể hết tiền. Tiền như là máu trong cơ thể, hết tiền cơ thể của doanh nghiệp ngừng mọi hoạt động. Ở đời tiền không phải là tất cả nhưng tiền rất quan trọng

No cash = a business standstill

Sustainability (Tính bền vững) Việc chúng ta có đi xa được hay không phụ thuộc rất nhiều vào tính bền vững của mô hình kinh doanh, tổ chức vận hành, con người. Xây dựng một doanh nghiệp phát triển bền vững rất khác & khó.
Growth (Tăng trưởng) Một doanh nghiệp thành công hay không phụ thuộc vào khả năng sáng tạo, thay đổi và phát triển. Thiếu sự đột phá, linh hoạt và tốc độ trong thời đại này cũng đồng nghĩa thất bại.

Growth is the revenue!

Đây là 4 nhân tố chính mà chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư hay quan tâm trong quá trình theo dõi sức khỏe của doanh nghiệp.
Những nhân tố chính cần quan tâm
Những nhân tố chính cần quan tâm

Tạo dựng các giá trị

Nhìn vào hình bên dưới ta có thể hình dung các doanh nghiệp thường cần tập trung tạo ra các giá trị gì cho khách hàng của mình: Tính sáng tạo, chất lượng, dịch vụ, tốc độ/giá cả, khác biệt, tối ưu theo từng khách hàng.
Các giá trị được tạo ra cho khách hàng
Các giá trị được tạo ra cho khách hàng

Tối đa hóa giá trị

Một công ty thành công sẽ tạo ra nhiều giá trị với toàn bộ thị trường:
  • Tạo nhiều công ăn việc làm với thu nhập tốt hơn
  • Nhà cung cấp cung cấp được nhiều hàng hóa hơn
  • Nhà đầu tư được chia nhiều cổ tức hơn
  • Đóng thuế nhiều hơn, nền kinh tế sẽ có nhiều tiền hơn
Mỗi một doanh nghiệp thực hiện một quy trình tạo dựng và phân phối giá trị tới khách hàng, đối tác, nhà đầu tư, cổ đông và xã hội lặp đi lặp lại nhiều lần.

“Bạn có những gì, và bạn sở hữu những gì?”

Chúng ta đã hình dung về các nhân tố quan trọng đối với một doanh nghiệp là lợi nhuận, tiền mặt, tăng trưởng và phát triển bền vững. Chúng ta cũng cũng hiểu và cần biết một doanh nghiệp sẽ làm thế nào để tạo ra các giá trị. Vậy, những nguồn lực nào một doanh nghiệp có thể sử dụng để phân phối những giá trị này và chiến lược thực hiện là gì?
Một số nguồn lực bạn có thể có:
  • Bất động sản
  • Tiền mặt
  • Máy móc, trang thiết bị, công cụ dụng cụ
  • Hàng hóa tồn kho
  • Con người, tri thức, văn hóa
  • Phát minh, sáng chế, …
Tất cả những thứ này được gọi là tài sản (Assets). Có 2 góc nhìn về tài sản, đó là, Bạn sở hữu những gì và Bạn có những gì?
Hình mô tả các loại tài sản doanh nghiệp có và được sở hữu bởi ai
Hình mô tả các loại tài sản doanh nghiệp có và được sở hữu bởi ai
Sở hữu là nói về nguồn gốc của nguồn vốn, nguồn vốn sau khi được sử dụng sẽ tạo ra những thứ bạn có được gọi là tài sản.
Ta có thể nhận thấy nguồn vốn được huy động từ 2 nguồn chính là: từ Chủ sở hữu (Owners) – được gọi là Vốn chủ sở hữu (Owner’s equity) hoặc từ các Chủ nợ (Creditors) (nhà băng, các tổ chức tín dụng) – được gọi là Khoản phải trả (Liability).
Có 2 loại nợ:
  • Nợ ngắn hạn (short-term or current liabilities): Nợ ngắn hạn thường dùng cho mục đích để cân đối và điều tiết dòng tiền hàng tháng/quý.
  • Nợ dài hạn (long-term liabilities) thường dùng cho các mục đích phục vụ tăng trưởng và mở rộng nhanh hơn, gia tăng tính ổn định với lãi suất thấp.
Có 2 loại tài sản:
  • Tài sản lưu động (short-term or current assets): Là loại có thể chuyển đổi thành tiền mặt nhanh, càng quay vòng nhanh sẽ càng tốt cho doanh nghiệp (Tiền mặt, khoản phải thu từ khách hàng, hàng tồn kho).
  • Tài sản cố định (long-term or fixed assests): Là loại tài sản quay vòng chậm hoặc gần như không quay vòng như: bất động sản, các phương tiện, công cụ, dụng cụ, …

The balanced sheet (bảng cân đối)

Chúng ta vừa nói đến 3 khái niệm là Tài sản (Assets), Khoản phải trả (Liabilities) và Vốn chủ sở hữu (Equity). Hiểu một cách sâu sắc cái này thì ta sẽ rất dễ hiểu một khái niệm phổ biến trong tài chính là Bảng cân đối kế toán (The balanced sheet). Túm lại thì bảng cân đối chẳng có gì to tát ngoài việc nó nói rằng doanh nghiệp đó sở hữunợ.

Tổng tài sản = Nợ phải trả + vốn chủ sở hữu.

Một ví dụ đơn giản về balanced sheet của cá nhân:
Ví dụ về bảng tài sản của một cá nhân
Ví dụ về bảng tài sản của một cá nhân

Nhìn một cách trực quan thì rất dễ hiểu như sau:

Hình trực quan của bảng mô tả cái doanh nghiệp có và nợ
Hình trực quan của bảng mô tả cái doanh nghiệp có và nợ
Theo hình trên thì hình bên trái sẽ cho thấy doanh nghiệp có gì, tồn tại dưới hình thức nào. Hình bên phải sẽ cho ta thấy doanh nghiệp đang sở hữu gì, phần nào đi vay mượn từ các tổ chức tài chính, phần nào được góp bởi chủ sở hữu.
Đối với startup công nghệ thì tài sản thường gồm Tiền mặt, khoản phải thu khách hàng, hàng tồn kho (hàng hóa điện tử thì gần như tồn kho = 0), sáng chế, sở hữu trí tuệ, dữ liệu, trang thiết bị, máy chủ,…

The income statement (P&L) – Bảng cân đối lãi lỗ

Ở trên chúng ta nói đến doanh nghiệp sở hữu và nợ gì? Giờ chúng ta cần hiểu một cách rõ ràng là thực tế doanh nghiệp đang hoạt động thế nào? Việc này rất quan trọng để nói rõ cho chúng ta thấy là doanh nghiệp thực tế đang hoạt động có lành mạnh hay không. Một doanh nghiệp đang thua lỗ và đốt tiền không có nghĩa là nó đang không hoạt động tốt. The income statement sẽ chỉ rõ cho ta thấy việc này.
Mô hình trực quan của Income statement
Hình trực quan của Bảng cân đối lãi lỗ
Hình trực quan của Bảng cân đối lãi lỗ
Sales (Revenue or Top line): Doanh thu bán hàng, việc ghi nhận doanh thu thường căn cứ trên thời gian hoàn thành.
Cost of Revenue (Cost of Goods Sold – COGS, Cost of Service – COS): Chi phí giá vốn hàng hóa (bao gồm tất cả các chi phí trực tiếp đến sản xuất, đóng gói hàng hóa bán ra)
Selling General & Admin: Salaries (administrative costs) + Marketing/Sales expenses
Non Recurring: Các loại chi phí một lần
Taxes: Các loại thuế
Net Profit (Net income, buttom line): Lợi nhuận thuần
Sau đây là ví dụ Income Statement của Microsoft năm 2015:
Income statement của công ty Microsoft năm 2015
Income statement của công ty Microsoft năm 2015

Để dễ nhìn có thể ghép vào mô hình trực quan ở trên như sau:

Có thể điền thông tin một cách trực quan như hình trên
Có thể điền thông tin một cách trực quan như hình trên

Có một số khái niệm chúng ta cần hiểu

Khấu hao (Depreciation) Đây là chi phí phi tiền, tức là bạn sẽ không thấy nó trong Bảng báo cáo dòng tiền (The cashflow statement). Đây thực ra là một khoản tiền được phân bổ đều ra các tháng trong một khoảng thời gian nhất định của các chi phí đầu tư cho thiết bị, xe cộ, hạ tầng, máy chủ, … (các loại không thường xuyên) – chúng được gọi là các loại chi phí không lặp đi lặp lại (non-recurring expenses), còn gọi là CAPEX.
VD máy chủ khấu hao trong 3 năm, $2000 -> chi phí khấu hao hàng tháng là: 2000/36= $55.6/month.
EBITDA (earnings before interest, taxes, depreciation, and amortization) Lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao và các khoản giảm trừ
EBIT (earnings beforre interest and taxes) Lợi nhuận trước lãi vay và thuế
Interest Lãi vay trả cho các Chủ nợ (Creditors)
Taxes Thuế các loại theo quy định của pháp luật hiện hành
EAT (earnings after tax, net income, net profit) Lợi nhuận sau thuế
Dividends Cổ tức chia lại cho các cổ đông
RE (retained earnings) Lợi nhuận sau phân bổ, là lợi nhuận sau khi chi trả cổ tức cho các cổ đông từ phần lợi nhuận sau thuế
EBITDA & Net Income Net income bằng doanh thu trừ đi tất cả các loại chi phí. EBITDA bằng doanh thu trừ đi các loại chi phí ngoại trừ lãi vay, thuế và khấu hao.
EBITDA nói về hiệu quả thực tế của doanh nghiệp, một doanh nghiệp hoạt động tốt hay không ta thường xem xét dựa trên chỉ số này là đủ tốt.
Các nhà quản trị thường quản trị chỉ số EBITDA, Net Income thì các ông chủ thường hay quan tâm.
Fixed & variable expenses Chi phí cố định và biến đổi.
Chi phí biến đổi thường phản ánh quy mô của hoạt động sản xuất. Khi doanh nghiệp ngừng mọi hoạt động về sản xuất thì chi phí biến đổi cũng về không.
Chi phí cố định là các chi phí không liên quan đến hoạt động sản xuất.
Break-even point Điểm hòa vốn = điểm giao giữa doanh thu và tổng chi phí (fixed + variable expenses)
Như vậy ta đã có hiểu được sơ bộ về các thuật ngữ tài chính cơ bản và cũng hiểu thế nào là The balanced sheet và The income statement. Nhưng có vẻ như hai thứ này đang không có liên hệ với nhau. Vậy cái gì sẽ kết nối giữa hai cái này? Câu trả lời là Tiền mặt (Cash). Và tiền cũng sẽ là thứ lèo lái trong doanh nghiệp.
  • Ta sử dụng tài sản để sinh ra tiền mặt thông qua doanh thu bán hàng
  • Quá trình sản xuất sẽ cần tiền mặt cho các loại chi phí
  • Lợi nhuận thuần chảy vào Vốn chủ sở hữu thông qua Lợi nhuận sau phân bổ (RE)
Cashflow statement và Income statement có gì khác nhau? Bảng cân đối dòng tiền (Cashflow statement) chỉ cho chúng ta thấy những thứ mà Bảng cân đối lãi lỗ (Income statement) không thể. Sự khác biệt nằm ở các hoạt động thực tế không tác động đến tiền mặt.
Có những doanh thu đã được ghi nhận trên bảng lợi nhuận nhưng tiền mặt thực tế lại chưa hề được nhận. Tương tự có những chi phí cần trả trước hoặc sau mà chưa booking theo chu kỳ kế toán. Một cái cho thấy tiền mặt thực tế trong chu kỳ kế toán, một cái thì lại cho ta thấy tình hình kinh doanh trong chu kỳ đó.

The cashflow statement

Bảng báo cáo dòng tiền
Mô tả trực quan của dòng tiền mặt tác động lên Balanced sheet & Income statement
Mô tả trực quan của dòng tiền mặt tác động lên Balanced sheet & Income statement
Bảng báo cáo dòng tiền bản chất căn cứ trên các dòng tiền mặt vào ra doanh nghiệp trong chu kỳ tài chính. Nhìn theo hình ở trên thì có thể hiểu tiền mặt chính là nhân tố kết nối hai bảng Balanced sheet và Income statement.
Nếu bạn không muốn mất kiểm soát và đẩy doanh nghiệp của mình vào tình trạng không đủ tiền mặt để vận hành thì bạn hãy ngay lập tức lập kế hoạch dòng tiền và báo cáo dòng tiền hàng tháng đi. MOG sống và tồn tại được đến ngày nay cũng chỉ nhờ một thao tác đơn giản này.
Một ví dụ về Cashflow statement của Apple Inc (2015):
Bảng Cashflow statement của Apple
Bảng Cashflow statement của Apple

Có thể hiểu như sau!

The cashflow statement là báo cáo tài chính bắt buộc thứ 3. Nó không nói về những gì công ty có (cái này bảng cân đối tài chính sẽ nói), nó cũng không nói về việc công ty đang hoạt động tốt hay không (cái này income statement sẽ nói).
Cashflow statement sẽ chỉ rõ chi tiết rằng bao nhiêu tiền mặt được thu về và chi ra trong toàn chu kỳ kế toán và cũng chỉ rõ công ty được/mất bao nhiêu tiền ở cuối chu kỳ.
Ba bảng tổng hợp tài chính này sẽ nói cho ta rất nhiều điều trong quá trình quản trị và điều hành doanh nghiệp. Các bạn cần trải nghiệm nó mới thấy hết sự thú vị và cần thiết của nó.

Một số chỉ số tài chính quản trị quan trọng

Current ratio =tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn Chí số này trả lời câu hỏi: Bao nhiêu lần chúng ta có thể trả cho những gì chúng ta nợ bằng việc sử dụng các tài sản ngắn hạn (hàng hóa tồn kho, tiền mặt, phải thu khách hàng).
Quick ratio =(tiền mặt + khoản phải thu khách hàng)/nợ ngắn hạn Hàng hóa tồn kho là một loại tài sản ngắn hạn nhưng nhiều khi nó không được quản lý chặt chẽ hoặc nhiều khi bị mất giá trị theo thời gian lưu kho. Nên chúng ta cần chỉ số này để kiểm soát tốt hơn về tài sản ngắn hạn so với nợ ngắn hạn. Tránh việc mất thanh khoản như một số công ty (VD The Kafé).
Cash ratio =tiền mặt/nợ ngắn hạn Nhiều khi các khoản phải thu khách hàng cũng là một rủi ro lớn khi chúng ta gặp phải nợ xấu. Khi đó chúng ta sẽ rơi vào tình trạng không có khả năng chi trả các khoản nợ ngắn hạn. Và rồi sẽ bị mất thanh khoản và vỡ nợ như thường.
Working capital (vốn lưu động) =tài sản ngắn hạn – nợ ngắn hạn Chỉ số này cho chúng ta biết vốn lưu động, là tiền mà một tổ chức có thể sử dụng cho các hoạt động hàng ngày.
Capital employed =tài sản cố định + vốn lưu động Nó là tiền mà chủ sở hữu, cổ đông đã đầu tư vào doanh nghiệp.
ROA =net profit/total assets Nói cho chúng ta biết hiệu quả từ việc sử dụng tài sản của doanh nghiệp. Túm lại là mỗi $100 tài sản công ty thì ta thu lời được bao nhiêu đồng.
ROE =net profit/equity Nói cho chúng ta biết hiệu quả của việc sử dụng vốn chủ sở hữu. Nó nói cho chúng ta biết các nhà đầu tư sẽ kiếm được gì trên nguồn vốn họ đã bỏ ra.
Chỉ số này cũng sẽ dễ đánh lừa chúng ta khi doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn vay quá nhiều.
ROCE (The return of capital employed) =EBIT/Capital Employed Nói cho chúng ta biết hiệu quả tốt nhất của đầu tư. Chỉ sốnày sẽ cho ta thấy bản chất của ROE.

Nói chung là toét hết cả mắt, cực kỳ kiên nhẫn để ngồi viết cái notes này. Các bạn đọc thấy có ích cho startup của mình và bạn mình thì share tợn. Các chuyên gia tài chính thì cũng đừng ném đá nếu thấy sai, hãy góp ý để căn chỉnh cho đúng. Như thế xã hội nó mới tốt đẹp nên được.

Nguồn tham khảo
* Kinh nghiệp thực tế vận hành MOG
* Visual Finance

Để lại một bình luận