‘Quỳnh Búp Bê’: Đề tài 18+ thu hút, phần kết đuối sức

Series về gái làng chơi gây chú ý nhờ đề tài về góc khuất xã hội nhưng có kịch bản nửa sau không chặt chẽ, nhiều sạn.

Quỳnh Búp Bê kết thúc ở tập 28 phát sóng ngày 20/11. Loạt phim do Mai Hồng Phong đạo diễn là hiện tượng của truyền hình Việt Nam năm nay, thu hút lượng fan đông đảo. Fanpage chính thức của series có hơn 376.000 người yêu thích, cao hơn hẳn các phim phát sóng cùng thời điểm như Ngày ấy mình đã yêu hay Hậu duệ mặt trời. Nhiều video trên fanpage thu hút hàng triệu lượt xem và hàng ngàn bình luận. Theo VTV, giá quảng cáo cho 30 giây trong một buổi chiếu lên đến 160 triệu đồng, cao nhất trong các phim truyền hình của đơn vị từ đầu năm đến nay.

Trong sáu tháng phát sóng, Quỳnh Búp Bê có nhiều điểm nhấn để hút người xem. Đề tài về mại dâm vốn ít được khắc họa trực diện trong phim truyền hình Viêt. Trước ngày chiếu, việc đạo diễn và các diễn viên khẳng định phim sẽ có nhiều cảnh “nóng”, bạo lực càng gây tò mò.

Trong series, yếu tố này được thể hiện khá dữ dội so với mặt bằng chung của truyền hình Việt. Nhiều đoạn Quỳnh (Phương Oanh) bị đánh đập, cảnh ăn chơi trong nhà hàng, cảnh thiếu gia Phong (Trọng Lân) dùng ma túy được mô tả rõ nét. Những cảnh “nóng” và bạo lực gây phản ứng trái chiều. Trên VnExpress, một số độc giả nhận định phim phản cảm, trong khi người khác thích lối mô tả chân thực. Dù là khen hay chê, các ý kiến này đều giúp phim gây sốt. Diễn viên Phương Oanh nhận định việc series dừng chiếu hồi tháng 7 do yếu tố nhạy cảm cũng vô tình giúp phim nổi tiếng hơn.

Trong khi yếu tố nhạy cảm là yếu tố “bề nổi” khiến phim gây chú ý, cách xây dựng nhân vật giúp duy trì lượng người xem. Cả ba vai quan trọng trong series – Quỳnh, Lan (Thanh Hương) và My Sói (Thu Quỳnh) – đều có hoàn cảnh và đường dây tâm lý rõ ràng. Quỳnh là cô gái quê bị bắt hành nghề mại dâm, có nỗi đau mất người yêu, con lưu lạc. Lan là cave hết thời, có khao khát sống lương thiện nhưng bị gia đình, dân làng chà đạp.

Còn My Sói là nhân vật nhiều góc cạnh, ấn tượng nhất phim, cũng là gái điếm nhưng sớm chấp nhận số phận, muốn chiếm lấy quyền lực chứ không định hoàn lương. Ở nửa sau series, việc My quyết tâm trả thù Quỳnh có động cơ rõ ràng – do cô bị Quỳnh đánh gây sẹo. Ngoài ra, tình tiết My nuôi Kiên, muốn có cuộc sống hạnh phúc với anh, đồng thời tổn thương khi người yêu ngoại tình cho thấy khía cạnh đời thường của nhân vật.

Vai Cảnh – người yêu Quỳnh – cũng là điểm sáng trong series. Nhân vật được xây dựng là mẫu giang hồ bụi bặm, trọng nghĩa khí và biết yêu thương. Tiếp nối Người phán xửQuỳnh Búp Bê mang đến cái nhìn đa chiều hơn về dân anh chị Việt Nam, không còn bị khắc họa theo kiểu tàn ác một chiều. Khi Cảnh được cho là đã chết, nhiều fan bày tỏ sự tiếc thương, khiến ê-kíp cho anh tái xuất trong tập cuối.

Quỳnh Búp Bê còn phản ánh một số vấn đề xã hội như việc quan chức nhận hối lộ để duy trì các tụ điểm đen, không khí ngột ngạt ở làng quê. Ở giai đoạn đầu series, một mạch truyện phụ kể về việc ông Cấn – chủ tụ điểm ăn chơi – phải bỏ ra nhiều tiền để được thế lực ngầm chống lưng. Còn nhiều cảnh ở nửa sau khắc họa số phận bi thảm của Lan khi về quê. Cô muốn làm lại cuộc đời nhưng bị người thân, dân làng sỉ nhục vì quá khứ làm gái điếm. Thay vì bảo vệ con gái, cha mẹ Lan ruồng bỏ cô do sợ mất mặt. Những gã trai làng thản nhiên coi việc ép cô quan hệ tình dục là bình thường. Góc nhìn của phim về làng quê Việt Nam khá sâu cay, giúp đẩy bi kịch nhân vật đến cao trào.

Điểm nhấn về diễn xuất của series là Thu Quỳnh, Thanh Hương và Doãn Quốc Đam. Biến hóa biểu cảm lẳng lơ, tàn độc của Thu Quỳnh giúp lột tả cá tính nhân vật phản diện. Nữ diễn viên được khán giả khen nhiều nhất trong series. Thanh Hương đóng tốt các cảnh Lan đau khổ, hóa điên, còn Doãn Quốc Đam thu hút với vẻ điển trai, phong trần. Trong vai chính, Phương Oanh có nhan sắc, ánh mắt buồn hợp vai nhưng ở vài đoạn, sao nữ sinh năm 1989 diễn còn cứng.

Tuy nhiên, Quỳnh Búp Bê lộ nhiều khuyết điểm trong xây dựng kịch bản. Nội dung phim ở nửa sau series nặng tính sắp đặt, để các nhân vật ngẫu nhiên gặp gỡ quá nhiều lần. Trong tập 18, Quỳnh vừa gặp Thịnh ở ngôi nhà của gia đình nhận nuôi con cô, sau đó lại chạm trán anh ở cửa hàng quần áo. Đào lên thành phố xin việc cùng lúc với Quỳnh cũng ở cửa hàng này. Kiên lái xe đụng phải Đào, không lâu sau thì gặp cô ở trung tâm dạy thêm rồi lại đụng mặt ở quán nước. My cũng vô tình thấy Quỳnh trên đường. Ở một số tập khác, nhân vật Thịnh liên tiếp xuất hiện đúng lúc tình thế nghiêm trọng. Trên fanpage, nhiều khán giả cho biết buồn cười với các tình tiết này.

Các nhân vật trong nửa sau phim kém thu hút so với trước đó, tiêu biểu là vai Thịnh. Anh là ông chủ cửa hàng thời trang, có tình yêu với Quỳnh nhưng chưa được cô chấp nhận. Vai này được khắc họa một chiều theo kiểu người đàn ông giàu có, tốt bụng, ít có điểm nhấn. Diễn viên Hải Anh đơ cứng và là điểm trừ về diễn xuất của phim. Ngay cả ở các phân đoạn quan trọng như khi Thịnh cứu Quỳnh, biểu cảm của anh vẫn đều đều.

 

Series về gái làng chơi rơi vào tình trạng giống nhiều phim truyền hình Việt khác là “đầu voi đuôi chuột”. Phim kết thúc có hậu, đề cao tính nhân văn khi các nhân vật tốt được hạnh phúc nhưng cách thể hiện quá gượng gạo. Bố dượng Quỳnh – nhân vật phản diện – bỗng bị tai nạn chết, khiến phim đánh mất kịch tính. Còn My Sói nhanh chóng bị công an bắt dù trước đó tỏ ra là bà trùm nguy hiểm. Lan đột ngột hồi tỉnh sau cơn điên, còn Vũ dễ dàng trả lại con cho Quỳnh dù từng nhiều lần cự tuyệt. Trên fanpage, người dùng có tên Mi Nhon cho rằng biên kịch nhồi nhét quá nhiều vào tập cuối. Khán giả Vũ Tiến Dũng nói hài hước rằng diễn biến tập cuối còn nhanh hơn 15 tập trước. Nhiều người tán đồng các ý kiến này.

Ngoài bàn tán về chất lượng, Quỳnh Búp Bê còn để lại câu hỏi về việc kiểm duyệt phim truyền hình, cũng như giới hạn của cảnh nhạy cảm trên màn ảnh nhỏ. Đây là phim đầu tiên dán nhãn 18+ sau thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng 10/2017 – yêu cầu báo chí, đài phát thanh, truyền hình phải cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em. Tuy nhiên, động thái dán nhãn và đổi giờ chiếu của hãng phim mang tính đơn lẻ, phản ứng với tình hình.

Về mặt quản lý, việc kiểm duyệt phim truyền hình hiện nay chủ yếu do các đài tự thực hiện và chưa có các mức nhãn cụ thể. Chuyện xây dựng hệ thống đánh giá rõ ràng là cần thiết trong hoàn cảnh các phim truyền hình dần mạnh dạn hơn với đề tài nhạy cảm. Anh Phong Việt – người nhiều năm theo dõi phim Việt – nhận định: “Nên nhanh chóng ra quy định dán nhãn phim truyền hình và áp khung giờ chiếu phù hợp. Cơ chế rõ ràng sẽ tốt hơn là để mọi thứ phụ thuộc vào dư luận như hiện tại”. Ở tầm cao hơn, Quỳnh Búp Bê có thể trở thành bài học kinh nghiệm cho các nhà quản lý và hãng phim trong việc phát triển hệ thống kiểm duyệt phim truyền hình trong tương lai.

Ân Nguyễn

Để lại một bình luận