Những khác biệt giúp Trump an toàn hơn Nixon

Dù rơi vào tình huống khá tương đồng, Nixon từ chức trước cả khi bị xem xét bãi nhiệm, còn Trump được đánh giá sẽ “vượt ải” an toàn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bị xem xét bãi nhiệm sau khi Hạ viện thông qua các điều khoản cáo buộc ông lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội. Cố tổng thống Mỹ Richard Nixon cũng từng bị cáo buộc lạm quyền, cản trở công lý, thêm vào đó là lợi dụng các cơ quan chính phủ, dẫn tới vi phạm quyền lập hiến của công dân.

Giống như Trump, những hành vi của Nixon bị cáo buộc nhằm mục đích chính trị, tác động bất hợp pháp tới chiến dịch tái tranh cử. Trump bị nghi ngờ gây sức ép buộc Ukraine điều tra cha con cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ chạy đua vào Nhà Trắng. Còn Nixon được cho là tiến hành chiến dịch gián điệp chính trị và phá hoại, liên quan tới vụ 5 kẻ đột nhập vào trụ sở của đảng Dân chủ trong khu phức hợp Watergate tháng 6/1972, nhằm tác động tới việc chọn ứng viên tranh cử của phe Dân chủ.

Hầu hết “cuộc chiến” với các đối thủ chính trị của Nixon đều được thực hiện sau hậu trường. Trái lại, Trump có xu hướng thể hiện bất bình một cách mạnh mẽ, sử dụng những “đòn đánh” công khai để làm suy yếu đối thủ và giữ chân các đồng minh giận dữ với ông. Tuy nhiên, tới khi rơi vào “cơn bão” xem xét bãi nhiệm, mức tín nhiệm đối với Nixon lao dốc, còn Trump vẫn vững vàng bất chấp các cáo buộc.

Cuối cùng, Nixon phải từ chức trước cả khi Hạ viện bỏ phiếu quyết định việc xem xét bãi nhiệm do bị chính đảng Cộng hòa quay lưng, trong khi Trump khả năng cao sẽ an toàn trong phiên xử tại Thượng viện nhờ sự hậu thuẫn chắc chắn từ đảng của ông.

Cố tổng thống Mỹ Richard Nixon tại Nhà Trắng hồi tháng 2/1969. Ảnh: AP.
Cố tổng thống Mỹ Richard Nixon tại Nhà Trắng hồi tháng 2/1969. Ảnh: AP.

Theo bình luận viên Emily Bazelon và Beverly Gage của NY Times, điều làm nên khác biệt giữa Trump và Nixon không nằm ở sự nghiêm trọng của các cáo buộc hay mức độ thuyết phục của bằng chứng chống lại họ, mà là tình hình nội bộ chính quyền, truyền thông và cách đối phó với rắc rối của mỗi tổng thống.

Yếu tố đầu tiên là quan hệ giữa hai tổng thống với tình báo Mỹ. Nixon nhậm chức với tâm thế sẵn sàng đối đầu với bộ máy công vụ, bao gồm các cơ quan tình báo và đối ngoại mà ông cảm thấy đang dần tách khỏi sự kiểm soát của Nhà Trắng. Tháng 5/1972, sau khi giám đốc kỳ cựu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) J. Edgar Hoover qua đời, Nixon đưa quan chức Bộ Tư pháp L. Patrick Gray lên thay thế với hy vọng FBI sẽ gắn bó hơn với các chính sách của Nhà Trắng.

Việc chỉ định giám đốc mới từ bên ngoài FBI khiến nhiều người tức giận, trong đó có W. Mark Felt, cấp phó của Hoover đang hy vọng được tiếp quản chức giám đốc, đồng thời cũng lo ngại nỗ lực chính trị hóa FBI của Nixon sẽ làm suy yếu tính độc lập của cơ quan. Năm 1972, sau khi vụ Watergate diễn ra, Felt, với bí danh “Deep Throat”, bắt đầu tiết lộ thông tin về cuộc điều tra bê bối này cho phóng viên Bob Woodward của Washington Post.

Giờ đây, cũng giống Nixon, Trump được cho là không tin tưởng cộng đồng tình báo và muốn FBI hành động theo mục tiêu chính trị của ông. Tháng 5/2017, ông sa thải giám đốc FBI James Comey giữa lúc cơ quan đang điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Không khí căng thẳng tiếp diễn khi cựu giám đốc FBI Robert Mueller được chỉ định làm công tố viên đặc biệt xem xét khả năng thông đồng giữa Moskva với chiến dịch tranh cử của Trump. Tuy nhiên, sau hai năm điều tra, đội ngũ của Mueller không có đủ bằng chứng truy tố Trump tội cản trở công lý.

Vài tháng sau, một người tố giác, được cho là thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), tiết lộ nội dung cuộc điện đàm ngày 25/7 giữa Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tạo tiền đề cho cuộc điều tra luận tội. Mặc dù vậy, bình luận viên Bazelon và Gage đánh giá bất đồng với cộng đồng tình báo ít gây nguy hiểm cho Trump hơn so với Nixon.

Trump còn sở hữu “tấm khiên” mà Nixon không có, đó là sự bảo vệ từ Bộ Tư pháp Mỹ. Tháng 5/1973, cố bộ trưởng tư pháp Elliot Richardson chỉ định Archibald Cox làm công tố viên đặc biệt để điều tra Nixon. Sau khi một cựu quan chức tiết lộ về hệ thống ghi âm bí mật của Nhà Trắng ghi được các cuộc trò chuyện của tổng thống, Cox đã gửi trát đòi giao nộp các cuộn băng, khiến Nixon tức giận yêu cầu Richardson sa thải công tố viên này. Tuy nhiên, Richardson và cấp phó William Ruckelshaus đều bác bỏ mệnh lệnh và từ chức. Robert Bork, người tiếp quản vị trí quyền bộ trưởng tư pháp sau đó, đã sa thải Cox.

Những sự việc này khiến công chúng phẫn nộ, trở thành một phần nguyên nhân dẫn tới quá trình xem xét bãi nhiệm Nixon tại Hạ viện Mỹ gần 7 tháng sau đó. Nixon buộc phải phê chuẩn quyết định bổ nhiệm Leon Jaworski, công tố viên đặc biệt mới tiếp quản những nỗ lực của Cox. Thái độ kiên quyết của Jaworski khiến bê bối Watergate được đưa lên Tòa án Tối cao, nơi các thẩm phán nhất trí Nixon phải giao nộp các băng ghi âm.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ ủng hộ Trump từ đầu đến cuối. Hồi tháng 3, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr kết luận Mueller không đủ bằng chứng buộc tội Tổng thống, đồng thời trì hoãn công bố báo cáo điều tra, tạo điều kiện cho Trump và đồng minh phản công. Các điều khoản xem xét bãi nhiệm Trump của phe Dân chủ cũng không nêu bất cứ hành vi nào được tiết lộ trong bản báo cáo.

Bộ Tư pháp Mỹ còn từ chối mở cuộc điều tra hình sự hoặc chỉ định công tố viên đặc biệt xem xét những cáo buộc của người tố giác giấu tên. Các luật sư của Bộ Tư pháp còn chỉ ra rằng quốc hội không có quyền triệu tập nhân chứng ra trước tòa để cung cấp lời khai. Bộ trưởng Barr thậm chí giúp Trump “phản đòn” của FBI bằng cách thúc đẩy cuộc điều tra hình sự về nguyên nhân khiến FBI điều tra chiến dịch tranh cử năm 2016 của Tổng thống.  

Bên cạnh đó, Trump còn được hệ thống tòa án “che chắn”, khi phe Cộng hòa chiếm đa số trong các thẩm phán của Tòa án Tối cao và Chánh án Brett Kavanaugh là người được Trump đề cử. Dường như cũng ý thức được lợi thế của Trump, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã không nhờ tới sự hỗ trợ của tòa án khi Tổng thống chống lại các trát đòi trình diện của họ.

Trong khi đó, các thẩm phán Tòa án Tối cao từng yêu cầu Nixon giao nộp số băng ghi âm tại Nhà Trắng sau những nỗ lực của công tố viên Jaworski. Đây được coi là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho tính độc lập của nền tư pháp Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một sự kiện ở  West Palm Beach, bang Florida hôm 21/12. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một sự kiện ở West Palm Beach, bang Florida hôm 21/12. Ảnh: AFP.

Vấn đề đảng phái được cho là yếu tố quan trọng có thể định đoạt việc xem xét bãi nhiệm. Xuyên suốt bê bối Watergate, thế đa số của phe Dân chủ ở cả hai viện của quốc hội giúp đảng này gây ảnh hưởng đáng kể tới cục diện. Tuy nhiên, do không đủ 2/3 ghế trong Thượng viện để phế truất Nixon, họ biết rằng phải thuyết phục khoảng một chục nghị sĩ Cộng hòa “đổi phe”.

Sự ủng hộ đối với Nixon trong đảng Cộng hòa bắt đầu suy giảm sau khi Ủy ban Watergate Thượng viện được thành lập hồi tháng 2/1973 và chạm đáy với tỷ lệ khoảng 50% vào mùa xuân năm 1974, khi công tố viên Jaworski gửi trát đòi các đoạn băng ghi âm ở Nhà Trắng.

Khoảng 1/3 nghị sĩ Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện sau đó đã bỏ phiếu thuận với các điều khoản xem xét bãi nhiệm Nixon. Ngày 7/8/1974, các lãnh đạo phe Cộng hòa tại quốc hội đã gặp Nixon để thông báo rằng ông khó có thể vượt qua phiên xử tại Thượng viện. Hai ngày sau, Nixon từ chức.

Hiện nay, đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện, phe Cộng hòa chiếm đa số Thượng viện và hệ tư tưởng trong quốc hội cũng phân cực hơn nhiều so với thời Nixon. “Tính bè phái” trong chính trị đã giúp Trump nhận được sự ủng hộ vững chắc từ đảng của ông. Các nghị sĩ Cộng hòa hầu như không suy chuyển từ khi cuộc điều tra xem xét bãi nhiệm bắt đầu. Không một hạ nghị sĩ Cộng hòa nào bỏ phiếu cho một trong hai cáo buộc với Trump, trong khi hầu hết hạ nghị sĩ Dân chủ đều chống lại Tổng thống.

Truyền thông cũng ảnh hưởng đáng kể tới tình thế của Nixon và Trump. Trong những năm 1970, những người Mỹ tìm hiểu về vụ Watergate đọc được các bài báo hầu như giống nhau, tốc độ tin tức cũng chậm hơn hiện nay. Một tháng sau khi các phiên điều trần bắt đầu, 97% người Mỹ biết về bê bối và 67% trong số đó tin rằng Nixon tham gia che giấu sự việc. Cố tổng thống không có nhiều công cụ để đẩy lùi “cơn bão truyền thông” chống lại ông, cũng không có cách nào lan truyền thông điệp cá nhân.

Tuy nhiên, truyền thông giờ đây trở nên phân cực với những hãng tin ủng hộ cánh hữu thường xuyên đăng các bài viết bênh vực Trump, cũng như những câu chuyện đánh lạc hướng dư luận. Theo khảo sát của Gallup vào năm 1974, 69% người Mỹ tin truyền thông đại chúng đưa tin “đầy đủ, chính xác và công bằng”, nhưng tỷ lệ này hiện nay là 41%, trong đó chỉ có 15% là đảng Cộng hòa.

Cựu luật sư Nhà Trắng John Dean cho rằng Nixon “sẽ có nhiều khả năng vượt qua bê bối nếu có Fox News”, kênh tin tức duy nhất mà đa số phe Cộng hòa tin tưởng. Trump còn sử dụng mạng xã hội Twitter để phản bác lại những bài báo mà ông cho là “tin tức giả”.

Cuối cùng, chiến thuật đối phó với các cáo buộc được cho là yếu tố quan trọng quyết định sự nghiệp chính trị của hai tổng thống. Nixon ban đầu khẳng định không hay biết về vụ đột nhập hoặc che giấu sự thật, đồng thời hoan nghênh những nỗ lực đi đến tận cùng vấn đề.

Tuy nhiên, tuyên bố này đã phản lại Nixon vào mùa hè năm 1974, khi đoạn băng ghi âm tại Nhà Trắng cho thấy ông đóng vai trò lớn trong việc che đậy vụ đột nhập, đồng thời sớm nhận ra bê bối này là mối đe dọa đáng kể cho chức tổng thống của ông. Cuốn băng biến ông thành kẻ dối trá và phải rời nhiệm sở.

Trái lại, sau khi rắc rối về vấn đề Ukraine nổ ra, Nhà Trắng đã ngay lập tức công bố bản tóm tắt nội dung cuộc điện đàm giữa Trump và Zelensky. Tổng thống Mỹ cũng không ngần ngại kêu gọi công bố chi tiết cuộc gọi, khiến ông để lại ấn tượng là người thẳng thắn. Những người bảo vệ Trump cũng lập luận rằng mục đích thực sự của ông là ngăn chặn tham nhũng ở một nước nhận được viện trợ đáng kể của Mỹ.

Vào thời điểm Nixon từ chức, một số người đánh giá đảng Cộng hòa khó có thể giành lại ưu thế trong một thế hệ, ít nhất là ở chức vụ tổng thống. Tuy nhiên, hậu quả về đảng phái không nghiêm trọng như dự đoán, khi Ronald Reagan, một thành viên phe Cộng hòa, tiếp quản Nhà Trắng vào năm 1980 và lãnh đạo một liên minh bảo thủ hùng mạnh.

Việc Trump bị xem xét bãi nhiệm một lần nữa đặt ra câu hỏi về ý nghĩa của sự việc với chính trị đảng phái, đặc biệt khi cuộc bầu cử tổng thống 2020 đang tới gần. Bình luận viên Bazelon và Gage cho rằng về lâu dài, số phận của lưỡng đảng và cả đất nước không phụ thuộc nhiều vào kết quả xem xét bãi nhiệm, mà là xu hướng văn hóa và chính trị dẫn tới tình huống bế tắc này.

 Ánh Ngọc (Theo NY Times) – Vnexpress