“Black Friday ở Việt Nam chỉ là cú lừa” – nhiều khách hàng đã phải ngao ngán thốt lên như vậy khi săn “sale” hay dạo một vòng thị trường quần áo, giày dép và mỹ phẩm dịp Black Friday năm nay.
Black Friday (Ngày thứ Sáu đen tối) là một thuật ngữ không còn quá lạ lẫm với người Việt Nam, đặc biệt là các tín đồ thời trang ở các thành phố lớn. Nhân dịp này, nhiều doanh nghiệp sẽ tung ra những chương trình khuyến mãi, giảm giá “cực sâu” để thu hút khách hàng. Chính vì thế, đây cũng là cơ hội để người tiêu dùng có thể “săn” được những món đồ gia dụng, đồ điện tử hay đồ thời trang với mức giá được cho là siêu hời.
Không chỉ giới thiệu các gói quà tặng hấp dẫn, hay những voucher mua hàng giảm giá cho lần sau, không ít cửa hàng đã tung ra chương trình giảm giá sâu từ 30 – 50%, thậm chí có những cửa hàng còn treo biển tuyên bố bán hàng “phi lợi nhuận” với mức giảm giá sâu lên tới 70 – 90%.
Những dòng chữ khổ lớn in trên các tấm băng rôn, “bão sale”, “giảm giá sốc”, “siêu giảm giá”… được treo ngay trước cửa vô cùng bắt mắt đã thu hút không ít khách hàng dịp Black Friday năm nay. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng được giảm giá thực, không ít “thượng đế” đã phải thốt lên “Black Friday ở Việt Nam chỉ là cú lừa” khi quyết tâm săn “sale” hay dạo một vòng thị trường nhân ngày giảm giá mạnh nhất năm này.
Tăng giá thật cao để thông báo giảm thật nhiều
Và câu chuyện dường như không hề mới khi nhiều cửa hàng đã sử dụng chiêu trò lén tăng giá sản phẩm lên gấp đôi, gấp ba rồi thông báo giảm giá sốc lên tới 50 – 70%.
“Giận tím người! Chiếc áo khoác mình thích ngày thường giá 800k, nay Black Friday thấy tin nhắn giảm 50% liền chạy qua mua thì nó tăng lên 1.800.000, giảm 50% còn 900k…”, chia sẻ của bạn N.D sau khi “săn” chiếc áo yêu thích của 1 nhãn hàng thời trang yêu thích nhưng không thành.
Chỉ bấy nhiêu thôi thì đã biết anh chàng khó chịu đến mức nào. Cả năm mới có đợt giảm giá siêu “khủng”, vậy mà chỉ cần thiếu tinh ý một chút thôi là anh chàng có thể đã phải mua hàng với mức giá còn đắt hơn cả giá niêm yết ngày thường. Bên dưới chia sẻ của tài khoản N.D, nhiều người đã để lại bình luận đồng tình, cũng như ngỏ ý muốn được biết tên thương hiệu thời trang để còn biết đường “né”.
Không chỉ có các cửa hàng thời trang, nhiều cửa hàng bán đồ ăn cũng nhân dịp Black Friday để kích cầu mua sắm. Tuy nhiên, cũng nhiều câu chuyện dở khóc dở cười đã được ghi nhận. Theo chia sẻ của một người dùng mạng, 1 shop đồ ăn đã chạy trương trình “flash sale” giảm giá sốc trong “khung giờ vàng”. Theo đó, combo 5 gói mì cay tại một shop có giá niêm yết là 170.000 đồng, tuy nhiên, khi có chương trình giảm giá 63% xuống chỉ còn 79.000 đồng.
Trong khi đó, cũng với 5 gói mì gà cay, tại một shop online khác giá niêm yết chưa hề giảm lại chỉ có 78.000 đồng; như vậy là còn rẻ hơn 1.000 đồng so với shop đang chạy chương trình giảm giá.
Nhiều khách hàng: “Phải thật tỉnh táo trước những chiêu khuyến mại khủng”
Sau những lần sập bẫy “giảm giá ảo”, nhiều khách hàng cũng đã tự rút ra kinh nghiệm để có thể trở thành người mua hàng thông thái. Tài khoản S.K khẳng định, “Nguyên tắc bất di bất dịch khi mua hàng giảm giá trên mạng bây giờ là: lên coi giá xong copy model, lên mạng tìm kiếm giá để tham khảo, so sánh… để biết chắc chắn là đã được giảm giá. Đặc biệt, khuyên mọi người không nên ham hố giảm giá sâu 90 – 95%. Bởi chỉ cần làm phép tính đơn giản thôi cũng đủ biết bán vậy là lỗ nặng rồi”.
“Nhân dịp này, các cửa hàng thường sẽ xả hàng tồn kho và các mẫu không bán chạy. Hoặc một số khác thì “treo đầu dê bán thịt chó”, treo biển giảm tới 50 – 70% nhưng khi khách hàng tới thì toàn giảm các sản phẩm lỗi mốt, không mặc được, còn những mặt hàng mới chỉ giảm 5% và thậm chí còn không giảm. Vậy nên, với những sản phẩm giảm giá quá nhiều, các bạn nên kiểm tra thật cẩn thận. Đừng vì tâm lý đám đông mà lao vào mua, để rồi về nhà mới ngỡ ngàng vì thực ra mình cũng không được giảm giá quá nhiều như tưởng tượng, hay đen đủi hơn là không dùng được chính món hàng vừa mua.”, tài khoản Đ.T cũng chia sẻ.
Có thể thấy rằng, vẫn còn nhiều cửa hàng ở Việt Nam chỉ tung chiêu giảm giá ảo, ăn theo chương trình Black Friday để kích cầu tiêu dùng mà vẫn đảm bảo được lợi nhuận. Nếu không kiểm tra, so sánh giá kĩ càng trước khi quyết định mua thì người tiêu dùng có thể dễ dàng “sập bẫy” giảm giá và mua về sản phẩm kém chất lượng hoặc có giá còn đắt hơn cả bình thường.
Theo Kênh14