Quá trình Hong Kong đi đến rút dự luật dẫn độ

HONG KONG Rút hay không rút dự luật, đó là câu hỏi chính quyền Hong Kong mất gần ba tháng để trả lời.

6 ngày sau khi ước tính một triệu người xuống đường vào ngày 9/6 để phản đối dự luật dẫn độ, trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam hoãn thảo luận dự luật dẫn độ nhưng từ chối rút nó. 

Kể từ đó, các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra. Lam vẫn giữ nguyên lập trường, gây liên tưởng đến cố thủ tướng Anh Margaret Thatcher, “bà đầm thép” đã đứng vững trước các chướng ngại vật tưởng chừng không thể vượt qua.

Dự luật cho phép đưa nghi phạm tới những khu vực mà thành phố chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục. Ngoài yêu cầu rút dự luật, người biểu tình còn đòi mở một cuộc điều tra độc lập về việc sử dụng vũ lực của cảnh sát, ân xá cho người biểu tình bị bắt, dừng việc coi các cuộc biểu tình là bạo loạn và phổ thông đầu phiếu.

Ngày 9/7, bà Lam tuyên bố dự luật “đã chết”, nhấn mạnh rằng nó sẽ không được mang ra thảo luận. Tuy nhiên, động thái này không xoa dịu được người biểu tình. Họ cho rằng nếu dự luật còn nằm trong chương trình nghị sự lập pháp, nó sẽ có cơ hội được “hồi sinh”.

Trong khi đó, bà Lam khẳng định việc đình chỉ chứ không rút hẳn dự luật nhằm thể hiện ý chí của chính phủ trong việc thu hẹp các lỗ hổng lập pháp đã khiến Hong Kong trở thành nơi trú ẩn cho tội phạm.

Trưởng đặc khu Carrie Lam trong cuộc họp báo tại Hong Kong ngày 5/9. Ảnh: Reuters.
Trưởng đặc khu Carrie Lam trong cuộc họp báo tại Hong Kong ngày 5/9. Ảnh: Reuters.

Nhưng trong ba tuần qua, lãnh đạo Hong Kong bắt đầu thay đổi quan điểm sau khi nghe những lời kêu gọi rút dự luật từ nhiều nhóm, bao gồm các lãnh đạo chính trị và cộng đồng, một nguồn tin giấu tên trong chính quyền Hong Kong cho biết.

Lam tổ chức cuộc họp với 19 lãnh đạo cấp cao và các chính trị gia tại nơi ở của bà vào ngày 24/8 để tìm cách sắp xếp cuộc đối thoại với những người đứng sau các cuộc biểu tình. Hầu hết nói rằng bà nên giải quyết hai yêu cầu của người biểu tình – rút dự luật dẫn độ và khởi động một cuộc điều tra độc lập về các cuộc biểu tình, bao gồm việc sử dụng vũ lực của cảnh sát.

Hai ngày sau, Lam tổ chức cuộc họp kín với khoảng 20 người, hầu hết ngoài 20, 30 tuổi. “Tiếng nói của những người trẻ mà trưởng đặc khu tham khảo ý kiến khá có sức nặng”, nguồn tin cho biết.

“Trưởng đặc khu đã chú ý đến quan điểm của họ về việc rút dự luật. Chúng tôi không tin rằng có sự khác biệt lớn giữa việc rút dự luật và không làm vậy. Tuy nhiên, rút dự luật là cách dễ nhất để giảm bớt căng thẳng đang diễn ra trong thành phố”, nguồn tin nói thêm.

“Đây cũng là điều duy nhất trong số 5 yêu sách mà chúng tôi có thể đồng ý. Chúng tôi không thể chấp nhận thêm 4 yêu sách khác vì chúng liên quan đến vấn đề nguyên tắc”, người này nói. Chính quyền đặc khu không thể đáp ứng yêu cầu mở một cuộc điều tra độc lập vì vấn đề này cần được xử lý bởi Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (IPCC).

Ngày 4/9, bà Carrie Lam thông báo rút dự luật dẫn độ trong bài phát biểu trên truyền hình nhưng không đáp ứng 4 yêu cầu còn lại. Chính quyền đặc khu không xin sự đồng ý của Bắc Kinh trước khi rút dự luật nhưng đã thông báo vấn đề này tới chính quyền trung ương.

Nguồn tin giấu tên cho rằng quyết định cho thấy sự chân thành của bà Lam khi cố gắng tạo ra nền tảng đối thoại với nhiều thành phần xã hội để tìm cách phát triển thành phố. “Chúng tôi hoàn tất thủ tục rút dự luật nhằm thoát ra khỏi ‘mớ bòng bong’ xung quanh vấn đề này. Chúng tôi thực sự muốn cho thấy chính quyền thành phố đang lắng nghe quan điểm của công chúng”, người này nói.

Phương Vũ (Theo SCMP) – Vnexpress

Để lại một bình luận