Kỳ nghỉ lễ kéo dài chính là thời cơ thuận lợi cho những cơn đau dạ dày khởi phát hoặc tái phát với các triệu chứng như ợ chua, chướng bụng, buồn nôn. Với chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, mọi người nên có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Viêm loét dạ dày là bệnh lý phổ biến thường gặp ở hầu hết mọi lứa tuổi và đang có xu hướng ngày càng tăng. Mặc dù bệnh không đe dọa đến tính mạng nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Nguy hiểm hơn, viêm loét dạ dày nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác.
Kỳ nghỉ lễ kéo dài, mọi người thường có xu hướng đi chơi xa, liên hoan, họp mặt. Trong những bữa tiệc sum họp gia đình thường có đồ ăn chứa nhiều chất béo, bột đường cùng những ly rượu, ly bia đều tạo điều kiện cho những cơn đau dạ dày xuất hiện. Nhất là những người đã có tiền sử đau dạ dày.
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Nhôm, Phó Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quốc tế City, việc ăn uống thất thường và liên tục nạp vào cơ thể những thứ khó tiêu khiến dạ dày phải liên tục làm việc để tiêu hóa. Từ đó kích thích dạ dày tiết ra nhiều axit hơn bình thường, gây tác động đến lớp niêm mạc dạ dày, viêm loét, ợ chua, đau bụng và buồn nôn.
Bên cạnh chế độ ăn uống không khoa học, việc sinh hoạt thất thường như thức khuya, ngủ không đủ giấc, sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá… cũng khiến dạ dày tiết ra nhiều axit dịch vị, tăng nguy cơ tổn thương dạ dày. Theo thống kê của Hội Khoa học Tiêu hóa, trong những năm gần đây, Việt Nam có đến hơn 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng và 70% dân số đang có nguy cơ mắc bệnh đau dạ dày, viêm loét dạ dày. Tỷ lệ này ở nam giới cao hơn gấp 4 lần so với nữ giới.
Phòng tránh như thế nào?
Để phòng tránh viêm loét dạ dày, cách tốt nhất khi có dấu hiệu viêm loét dạ dày là nên khám bệnh tại các cơ sở y tế để được khám và điều trị càng sớm càng tốt. Để hạn chế những cơn đau dạ dày cấp và viêm loét dạ dày trong dịp Lễ, các chuyên gia khuyên bạn nên thực hiện chế độ ăn uống khoa học như sau:
– Ăn uống vừa phải, không sử dụng thức ăn để lâu và các thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh.
– Hạn chế ăn quá nhiều các loại thực phẩm làm tăng tiết dịch vị như chua, cay… rất có hại cho dạ dày.
– Hạn chế các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, trà đặc, tuyệt đối không uống rượu bia trong lúc đói hay liên tục suốt đêm. Rượu không chỉ tác động lên lớp niêm mạc dạ dày, gây viêm loét mà còn gây xơ gan, viêm tuyến tụy…