Con ‘quan’ được nâng điểm: Ủy ban Kiểm tra nên vào cuộc

Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình Ảnh: TP

Đối với những cán bộ chủ chốt ở địa phương mà có con cái thuộc diện được nâng điểm thì Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nên chủ động vào cuộc, xác minh, nếu phát hiện có sai phạm thì xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo các quy định của Đảng. Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng ở địa phương cũng cần chủ động yêu cầu các cá nhân, đảng viên liên quan báo cáo, giải trình.

Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình Ảnh: TP
Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình Ảnh: TP
Cần yêu cầu cán bộ giải trình
Trao đổi với Tiền Phong về việc nhiều con em cán bộ chủ chốt ở địa phương nằm trong danh sách được nâng điểm khống, gây bức xúc dư luận, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng “đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, làm mất niềm tin của người dân”.
Đề cập các quy định của Đảng, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ, nếu các phụ huynh là đảng viên đã có hành vi tác động để con em mình được nâng điểm thì họ đã vi phạm những điều đảng viên không được làm.
“Lợi dụng chức quyền để tác động hoặc chạy chọt, mua điểm cho con em là không thể chấp nhận được. Do đó các cấp ủy, tổ chức Đảng ở địa phương, cơ quan đơn vị cần chủ động yêu cầu các cá nhân, đảng viên có liên quan báo cáo, giải trình. Sau đó căn cứ vào vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định của Đảng và của pháp luật”, ông Hùng nói.
Đối với trường hợp là các cán bộ chủ chốt ở địa phương có con em được nâng điểm, ông Hùng cho rằng, UBKT T.Ư nên chủ động vào cuộc. Bước đầu có thể yêu cầu các cán bộ trên báo cáo, giải trình. Sau đó có thể phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra xác minh làm rõ xem mức độ vi phạm ra sao?
Thậm chí theo ông Hùng, các cơ quan của Đảng theo thẩm quyền cũng có thể yêu cầu “tạm đình chỉ công tác đối với các cán bộ có con em nằm trong danh sách được nâng điểm để phục vụ cho quá trình điều tra xác minh vụ việc”.
Trong khi đó, một cán bộ nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư khác đưa ra quan điểm, những người chạy điểm, hoặc tìm cách can thiệp để nâng điểm cho con ở góc độ nào đó còn xấu hơn cả những kẻ cướp giật ngoài đường, vì thực chất là đã ăn cướp vị trí, cơ hội của người khác xứng đáng hơn, giỏi hơn mình.
“Những người thực hiện sửa điểm và những người có con, cháu và những học sinh được sửa điểm đã có những hành động xấu xa về mặt đạo đức không khác gì những kẻ cướp giật ngoài đường”, vị cựu cán bộ này nói và cho rằng cần phải xử lý nghiêm minh vụ việc.

Lì lợm, cố thủ giữ chức vụ

Cùng trao đổi với Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, liên quan đến vụ gian lận điểm thi này, phải phân hóa ra thành nhiều đối tượng khác nhau để xử lý. Theo ông, đây là một vết nhơ của ngành giáo dục khiến dư luận bức xúc. Người ta đang nghi vấn có việc sử dụng quyền lực, hay tiền bạc để tác động hay không?
“Việc này phải có căn cứ và các cơ quan chức năng phải làm rõ thông qua việc điều tra, xem những vị đó tác động bằng cách nào. Để từ đó xem xét, nếu là cán bộ do các cơ quan Đảng quản lý, hoặc nhân sự do các cơ quan Đảng giới thiệu, thì lúc đó cơ quan kiểm tra các cấp mới vào cuộc. Tuy nhiên, trong khi các cơ quan chức năng của nhà nước đang làm, nếu phát hiện ra những dấu hiệu vi phạm của những cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của mình, thì Ủy ban kiểm tra các cấp có quyền vào cuộc xem xét”, ông Vân nói.
Đáng lưu ý, hiện nay đã có nhiều quy định liên quan đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên. Mục đích ban hành các quy định nêu gương để chỉnh đốn, hướng tới sự tự giác tuân thủ của cán bộ đảng viên. Nhưng theo ông Vân, cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào tự giác xin từ chức. Thậm chí khi có bằng chứng rõ ràng, buộc phải nhận một hình thức kỷ luật họ vẫn không từ chức.
Đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá, ở đây có sự lì lợm của một số cán bộ quan chức. Họ cố thủ giữ bằng được chức vụ của mình. Tính tự giác gần như không có, nên chỉ có cách dùng biện pháp cưỡng chế, bắt buộc, xử lý về mặt pháp luật. Các quy định hiện nay chưa đủ sức răn đe, cảnh tỉnh, đánh thức liêm sỉ của những vị có vi phạm, chứ đừng nói đến việc họ thấy vợ con mình vi phạm thì xin từ chức.
“Có những trường hợp rõ ràng con em mình được nâng điểm một cách trắng trợn, nhưng họ lại đứng ngoài cuộc, như thể vô can, nói rằng tôi không biết, rồi đi ca ngợi con mình học giỏi. Đó là những dấu hiệu thoái thác sự liên quan của mình. Đó cũng là một dấu hiệu mà Uỷ ban kiểm tra có thể vào cuộc được, vì rõ ràng liên quan đến Quy định 08 về tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên”, ông Vân cho hay.
“Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng cần phải được xử lý nghiêm minh theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương 
Tiền Phong

Để lại một bình luận