Vua phá lưới, sản phẩm của lò đào tạo uy tín, từng đá cùng siêu sao… những điều đó chẳng thể đảm bảo thành công cho một cầu thủ Việt kiều.
Câu chuyện những cầu thủ Việt kiều muốn về nước để khoác áo ĐT Việt Nam đang là chủ đề “hot” trong khoảng thời gian gần đây, nhất là sau những thành công của Đặng Văn Lâm.
Tuy nhiên, liệu phương án sử dụng các cầu thủ Việt Nam bên trời Tây có thực sự khả thi? Goal.com Việt Nam đã có cuộc trao đổi một nhân vật từng giới thiệu nhiều cầu thủ Việt kiều về nước (nhân vật xin được giấu tên) để trả lời cho câu hỏi này.
PV: Sau thành công của Đặng Văn Lâm, nhiều cầu thủ Việt kiều với những bản CV (hồ sơ) ấn tượng đã bày tỏ mong muốn được thi đấu cho ĐT Việt Nam. Anh có nghĩ LĐBĐ Việt Nam (VFF) nên tạo cơ hội cho những cầu thủ này?
Tất nhiên LĐBĐ Việt Nam vẫn luôn muốn có được những cầu thủ xuất sắc nhất để phục vụ ĐTQG, những cầu thủ gốc Việt không phải là ngoại lệ. Trong 15 năm trở lại đây, VFF đã “mở cửa” cho khá nhiều cầu thủ Việt kiều có cơ hội về nước thử việc.
Tuy nhiên, để chọn được những cầu thủ đẳng cấp thực sự là rất khó. Tôi cũng đã giới thiệu về nhiều cầu thủ có bản CV đẹp, được đào tạo trong những lò danh tiếng. Song, các bạn ấy lại không đáp ứng được yêu cầu của Ban Huấn luyện.
Đó là lý do mà mặc dù đã có nhiều cầu thủ Việt kiều về Việt Nam thử sức, nhưng tính đến nay thì mới chỉ có Đặng Văn Lâm, hay phần nào là Mạc Hồng Quân đã đạt được những thành công ở quê nhà.
PV: Anh có thể kể ra một trường hợp anh đã giới thiệu về Việt Nam được không?
Tôi từng giới thiệu một cầu thủ sinh sống ở CH Czech cho ĐT U19 Việt Nam cách đây vài năm. Tuy nhiên sau một thời gian tập luyện, cầu thủ này không thể cạnh tranh được vị trí với các đồng nghiệp đào tạo trong nước.
Đó chỉ là một trường hợp. Còn rất nhiều những cái tên khác tôi đã cố gắng tạo điều kiện mà không đạt yêu cầu của Ban Huấn luyện.
PV: Vậy theo anh thì vì đâu mà các cầu thủ Việt Kiều không thể trụ lại ở V.League, dù được đào tạo ở những trung tâm bóng đá danh tiếng?
Theo kinh nghiệm của tôi thì có 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, cầu thủ ở nước ngoài khi chưa có hợp đồng chuyên nghiệp thì kể cả U23 vẫn chỉ là bán chuyên.
Thứ hai, về bóng đá Việt Nam, tuy chúng ta vẫn thường nói là không chuyên nghiệp, nhưng mặt nào đó thì lại quá chuyên. Các em ăn ở, tập với nhau trong những trung tâm như HAGL, PVF, Viettel… từ khi còn rất nhỏ. Vậy nên các cầu thủ Việt kiều để giành được vị trí thì phải thực sự xuất sắc hơn rất nhiều.
Thứ ba, nhiều cầu thủ khi được đá ở nước ngoài chưa hiểu bóng đá Việt Nam. Họ nghĩ chuyến về nước thử việc giống như một cuộc dạo chơi. Trong khi điều kiện ở Việt Nam không bằng châu Âu: khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng xấu… Nếu họ không thích nghi được thì không bao giờ có cơ hội.
PV: Nếu mà nói về độ chuyên nghiệp thì có nhiều cầu thủ Việt kiều được tập luyện trong các trung tâm danh tiếng, được chơi bóng cùng các ngôi sao sau này đạt đẳng cấp thế giới. Rõ ràng xuất phát điểm của họ khá tốt đấy chứ?
Như tôi đã nói ở trên, cầu thủ chưa có được hợp đồng chuyên nghiệp thì vẫn chỉ là nghiệp dư. Khác với Việt Nam, các bạn cầu thủ trẻ ở bên nước ngoài chỉ tập 3-4 buổi/tuần, mỗi buổi 1-2 tiếng, thời gian khác các bạn ấy sẽ đi học.
Nếu so sánh thì khoảng thời gian tập luyện này không thể bằng được những đứa trẻ ở Việt Nam tập luyện trong những trung tâm từ năm 9-10 tuổi, ăn ở với nhau như môi trường quân ngũ.
PV: Còn với những bản CV đẹp của rất nhiều cầu thủ Việt Kiều. Những người làm bóng đá ở Việt Nam kiểm chứng chúng như thế nào?
Thực ra thì CV chẳng giải quyết vấn đề gì cả. Bởi trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay có rất nhiều cách để thẩm định. Chúng tôi có những phần mềm mà khi vào đó có tất cả những dữ liệu, video có thể đánh giá được. Nhưng dữ liệu đó lại chỉ có nhiều ở những cầu thủ đã có chút tên tuổi.
Ở Việt Nam hiện tại đang thiếu một đội ngũ tuyển dụng từ xa. Đối với một CLB châu Âu, ngoài đội ngũ tuyển dụng ăn lương từ CLB, họ còn một số lượng lớn CTV dàn trải khắp thế giới. Ví dụ năm nay họ cần một trung vệ, thì các CTV đó sẽ gửi hàng trăm hồ sơ ở vị trí này cho ban huấn luyện lựa chọn.
Còn CV thì thực sự chẳng giải quyết vấn đề gì, ra sân luôn là một câu chuyện khác.
PV: Trong quá trình đưa cầu thủ Việt kiều về Việt Nam giới thiệu, anh có gặp phải vướng mắc nào về thủ tục không?
Có chứ! Đó là sự vướng mắc về thủ tục khi làm quốc tịch. Các cầu thủ Việt kiều mang quốc tịch nước ngoài. Để thi đấu cho ĐTQG Việt Nam thì các bạn ấy cần phải từ bỏ quốc tịch hiện tại, và sau này để lấy lại quốc tịch ấy sẽ rất khó.
Đó là một vấn đề rất phức tạp. Cầu thủ Việt kiều đó có sẵn sàng từ bỏ quốc tịch hiện tại để trở thành người Việt Nam hay không? Hay chỉ muốn lấy quốc tịch Việt Nam để đá cho ĐTQG?
PV: Vậy thì sau những thất bại của đa số các cầu thủ Việt kiều, anh có nghĩ rằng VFF vẫn nên tiếp tục “mở cửa” cho những cầu thủ này?
Theo quan điểm của tôi thì tại sao lại không!? Nếu cầu thủ đó thực sự giỏi thì sẽ tăng sức mạnh cho ĐT Việt Nam mà.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, một cầu thủ nếu ở nước ngoài không thành danh thì về Việt Nam cũng khó mà thành công. Ngược lại nếu cầu thủ đó mà thành danh ở nước ngoài thì họ sẽ quyết định chơi bóng ở nước ngoài chứ không về Việt Nam.
LĐBĐ Việt Nam thì luôn tạo điều kiện cho những cầu thủ mang trong mình dòng máu Việt!
PV: Ở thời điểm hiện tại, Alexander Đặng – một cầu thủ đang thi đấu tại giải Hạng nhất Na Uy, hay Jason Quang Vinh Pendant ở Ligue 2 (Pháp) đều là những cái tên hot trên các mặt báo Việt Nam. Hai cầu thủ này cũng đều “để ngỏ” khả năng khoác áo ĐT Việt Nam nếu được VFF mời. Anh đánh giá như thế nào về tiềm năng của những cầu thủ này?
Tôi không đánh giá cao Alexander Đặng. Alex ghi nhiều bàn thắng ở giải hạng Nhất Na Uy, vậy tại sao cậu ấy lại không được một CLB ở hạng đấu cao nhất chiêu mộ, hoặc không được gọi lên ĐT Na Uy.
Cầu thủ này sinh năm 1990, tức là giờ đã 29 tuổi rồi. Tôi nghĩ anh bạn này sẽ chẳng có cơ hội nếu về Việt Nam. Chính bản thân Alex phải xác định xem bạn ý có bao nhiêu cơ hội khi về Việt Nam. Về đây chẳng giải quyết được việc gì thì thực sự sẽ làm mất thời gian cho tất cả các bên.
Còn đối với Jason Pendant, tôi nghĩ đây là cầu thủ tốt bởi bạn ấy đã cạnh tranh được một vị trí ở Sochaux – một CLB danh tiếng của Pháp. Nhưng nếu một ngày đẹp trời được gọi lên ĐT Pháp, chắc chắn cậu ấy sẽ không về Việt Nam làm gì.
Ngoài ra, nếu Pendant thi đấu ở châu Âu thì cầu thủ này cũng sẽ không được tham dự nhiều giải đấu của U23 hay ĐTQG Việt Nam như SEA Games, U23 châu Á hay AFF Cup. Pendant sẽ chỉ có thể thi đấu cho Việt Nam trong các trận đấu thuộc lịch của FIFA, hay cùng lắm là Asian Cup.
Còn một điều nữa là Pendant sẽ không thể tập trung trước đến hẳn một tháng cùng ĐTQG như các cầu thủ trong nước. Ở tất cả các nước tiên tiến thì thường sẽ chỉ tập trung ĐTQG khoảng 3-7 ngày.
Đây sẽ là một bất lợi đối với cầu thủ sinh năm 1997 nếu cậu quyết định thi đấu cho ĐT Việt Nam. Nhưng dù sao tôi cũng đánh giá cao hậu vệ trái này.