Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm logistics miền Trung

Đến năm 2050, Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics, đáp ứng 50% sản lượng qua đường biển, hàng không, đường sắt… Đó là mục tiêu Nghị quyết về quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 vừa được HĐND thành phố thông qua.

Những năm qua, Đà Nẵng được kỳ vọng là trung tâm dịch vụ logistics vì là điểm đầu, đồng thời là điểm cuối trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây. Tuy nhiên, trên thực tế, ở khu vực ven biển miền Trung đã phát triển 20 cảng biển lớn, nhỏ nhưng tổng sản lượng hàng qua cụm cảng của vùng chỉ chiếm một thị phần nhỏ của cả nước.

Nguyên nhân chính được chỉ ra là do mật độ cảng biển dày đặc nên nguồn vốn đầu tư dàn trải, quy mô đầu tư dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, thiếu cầu bến cho tàu trọng tải lớn, đặc biệt là các bến cho tàu container vận hành trên tuyến biển xa. Do vậy, các cảng miền Trung chỉ mới hoạt động mang tính chất gom hàng rồi vận chuyển đến các cảng Hải Phòng hoặc Thành phố Hồ Chí Minh để xuất hàng.

Trong bối cảnh này, Đà Nẵng đang kiên trì đặt mục tiêu quy hoạch hệ thống trung tâm logistics gắn kết hợp lý với quy hoạch phát triển thương mại, công nghiệp, giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng khép kín của thành phố và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tại kỳ họp HĐND tháng 7-2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho hay, Đà Nẵng quy hoạch phát triển trung tâm logistics dựa trên huy động các nguồn lực của xã hội, bảo đảm cả nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố là 13.695 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư của thành phố và Trung ương. Tổng diện tích đất ước khoảng 312ha.

Đồng thời, thành phố quy hoạch phát triển có trọng tâm trên cơ sở xác định quy mô trung tâm logistics chính và số lượng, vị trí trung tâm logistics vệ tinh, phù hợp với từng thời kỳ. Trọng điểm phát triển dịch vụ logistics được xác định vị trí cảng Liên Chiểu.

Mục tiêu tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng ngành dịch vụ logistics là tận dụng kinh tế của địa phương để phát triển được hệ thống hạ tầng logistics đồng bộ, liên thông đủ năng lực đáp ứng nhu cầu dịch chuyển, xử lý dòng hàng hóa phát sinh của thành phố, các tỉnh lân cận và một phần lượng hàng hóa từ Hành lang kinh tế Đông-Tây.

Hạt nhân trong lĩnh vực logistics là thành phố đang có gần 800 công ty chuyên hoạt động trên lĩnh vực vận tải, kho bãi; gần 60 chi nhánh ngân hàng được kết nối giao dịch quốc tế và 30 công ty bảo hiểm trong nước và quốc tế hoạt động “phủ sóng” hầu hết trên mọi lĩnh vực.

Ngoài ra, kế hoạch đến năm 2050, trên địa bàn thành phố xây dựng một trung tâm logistics cấp vùng và cấp tỉnh với Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics Hòa Nhơn, Trung tâm logistics ga hàng hóa Kim Liên mới, Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm logistics Khu công nghệ cao cùng các trung tâm logistics nhỏ lẻ và các kho bãi khác. Với cơ sở hạ tầng như vậy, có thể nói Đà Nẵng đáp ứng được điều kiện cần và đủ cho ngành logistics phát triển, có sức lan tỏa cho toàn khu vực miền Trung.

Cùng với hạ tầng giao thông thuận lợi kết nối các vùng miền, Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm dịch vụ cảng biển lớn của khu vực trong tương lai. Đồng thời, Đà Nẵng đang chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ. Đây chính là những yếu tố thuận lợi để Đà Nẵng phát triển lĩnh vực logistics, mở ra một hướng đi mới cho các nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng, hiện tại, với năng lực có thể tiếp nhận tàu chở hàng rời lên đến 45.000 DWT/tàu và tàu container 2.000 TEUs, tàu khách trên 75.000 GRT, cảng biển Đà Nẵng có thể đáp ứng ngay các yêu cầu của khách hàng logistics.

Đặc biệt, từ năm 2016, Công ty CP Cảng Đà Nẵng đã xây dựng lộ trình trung tâm logistics với quy mô từ 20 – 30ha, cung cấp đầy đủ các dịch vụ logistics như xử lý thủ tục hải quan phi giấy tờ, vận chuyển theo dõi, giám sát hàng hóa gửi, thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa.

Đà Nẵng có Cảng hàng không quốc tế đến năm 2020 sẽ đón khoảng 13-15 triệu lượt khách, trong tương lai gần sẽ tiếp tục xây dựng nhà ga chuyên dụng phục vụ hàng hóa nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng hàng hóa hằng năm là 15%, đến năm 2020 lượng hàng hóa thông qua sân bay từ 23.000 – 30.000 tấn/năm…

Mới đây nhất, ngày 3-1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý giao UBND thành phố Đà Nẵng đảm nhận toàn bộ việc đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu; chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện đầu tư các hạng mục công trình xây dựng của dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN – Baodanang

Để lại một bình luận