Vừa xin ‘giải cứu’ lại đề xuất ưu tiên đầu tư 9.900 tỉ đồng: Vietnam Airlines muốn ưu tiên gì?

Trước nhiều ý kiến băn khoăn việc vừa xin Chính phủ “giải cứu” giờ lại xin cơ chế ưu tiên khi đề xuất đầu tư tới 9.900 tỉ đồng vào Cảng HKQT Long Thành, lãnh đạo Vietnam Airlines nói gì?
Vừa xin giải cứu lại đề xuất ưu tiên đầu tư 9.900 tỉ đồng: Vietnam Airlines muốn ưu tiên gì? - Ảnh 1.
Máy bay của Vietnam Airlines đáp và chờ cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vietnam Airlines lỗ sau thuế gần 12.000 tỉ đồng trong năm 2020 và vừa có văn bản đề xuất cơ quan chức năng xem xét, chấp thuận cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên để hãng có đủ cơ sở hạ tầng và mặt bằng để khai thác tại nhà ga hành khách, bố trí ngay vị trí mặt đất để đầu tư sớm hạng mục xây dựng hangar bảo dưỡng, sửa chữa máy bay tại sân bay Long Thành…

Đầu tư lớn dù lỗ nặng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng việc xin đầu tư vào sân bay Long Thành là kế hoạch kinh doanh bình thường của một doanh nghiệp. Dù trong khó khăn nhưng doanh nghiệp phải chuẩn bị cho tương lai, kế hoạch dài hạn.

“Cũng sẽ có luồng ý kiến khi đang khó khăn như thế, sống chưa xong mà đã nghĩ tương lai. Nếu cứ suy nghĩ ngắn như vậy doanh nghiệp hoạt động như thế nào được” – vị này nói.

Vậy nguồn vốn 9.900 tỉ đồng ở đâu sau một thời gian ngắn hãng kêu quá khó khăn, phải “giải cứu”? Lãnh đạo hãng này cho biết có nhiều nguồn để hãng huy động tiền, trong đó dự kiến 30% là nguồn vốn chủ sở hữu và 70% còn lại từ vốn vay. Hãng sẽ cân đối nguồn tiền từ việc điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng vốn cổ đông… để đảm bảo vốn đầu tư.

Về cơ chế ưu tiên mà Vietnam Airlines đề xuất cụ thể là gì, lãnh đạo Vietnam Airlines từ chối thông tin cụ thể vì “nhạy cảm”. Tuy nhiên, vị này cho rằng “một sân bay lớn, tầm quốc tế như Long Thành, thử nghĩ nếu không có cơ sở hạ tầng, dịch vụ của hãng bay như Vietnam Airlines thì sân bay này sẽ như thế nào?” và cho rằng việc đầu tư vào hạ tầng, hãng sẽ đồng bộ các dịch vụ để phát triển trong tương lai cũng là chuyện hợp lý. 

Chẳng hạn như sân bay Bắc Kinh (Trung Quốc) có hai hãng hàng không tham gia đầu tư một phần cơ sở hạ tầng. Sau đó, họ đồng bộ thu hút các hãng, đối tác trong liên minh Skyteam, cung cấp dịch vụ…

Vẫn phải đấu thầu

Cục Hàng không VN cho biết đề xuất đầu tư của Vietnam Airlines về các hạng mục là hợp lý để đồng bộ với dịch vụ vận tải nhưng Vietnam Airlines sẽ phải tham gia đấu thầu.

Theo TS Trần Quang Châu – chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không VN, Vietnam Airlines xin đầu tư vào hạ tầng sân bay Long Thành là điều tốt. Chẳng qua hãng này vừa kêu khó, khi vừa được hỗ trợ tiền thì xin đầu tư lớn khiến dư luận sẽ xôn xao.

“Hiệp hội chúng tôi đang kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật đầu tư. Đầu tư vào các cảng hàng không, Nhà nước phải công bằng, công khai. Với hãng bay quốc gia có nhiệm vụ chính trị, ưu tiên về cơ chế đầu tư có thể xem xét. Song việc đầu tư vẫn phải đấu thầu công khai” – ông Châu nói.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành – cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) – cho rằng Vietnam Airlines vừa rồi kêu gặp khó khăn thiếu tiền cần được “giải cứu”, vấn đề họ thiếu thật hay không chưa thể biết hết được.

Theo ông Thành, về nguyên tắc đầu tư, cơ quan nào có đủ năng lực đầu tư thì cạnh tranh đấu thầu công khai, minh bạch. Nhưng cần lưu ý, tránh hiện tượng tận dụng lợi thế độc quyền để tiếp cận chính sách để xin có cơ chế riêng. “Trong cơ chế thị trường, không nên để hiện tượng đặc biệt này xảy ra. Không phải khư khư doanh nghiệp nhà nước thì cần được ưu tiên” – ông Thành nói.

Theo C.TRUNG – Tuổi Trẻ