Vụ việc “Đất rừng bị ‘xẻ thịt’ làm khu du lịch sinh thái và trải nghiệm” ở Hà Tĩnh: Ai đã ‘tạo điều kiện’ để sai phạm diễn ra?

Khu vực hồ nguy hiểm nhưng không được trang bị các biển pháp an toàn.

Dự án Khu du lịch sinh thái và trải nghiệm giáo dục Hoa Hồng của hộ ông Hà Huy Thành chưa hoàn thiện mọi hồ sơ thủ tục đã tự ý cho Công ty Cổ phần đầu tư Clarion Global kinh doanh và hoạt động trải nghiệm giáo dục…

Sau khi UBND huyện Thạch Hà chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án khu sinh thái và trải nghiệm cho ông Hà Huy Thành, yêu cầu trong vòng 3 tháng ông Thành phải hoàn thiện thủ tục, hồ sơ. Tuy nhiên đến ngày 14/01/2019, tức sau 20 ngày, ông Thành lại cho Công ty Cổ phần đầu tư Clarion Global (địa chỉ số 281, đường Huy Cận, phường Nguyễn Du, TP. Hà Tĩnh) thuê lại để đầu tư khai thác du lịch, hoạt động trải nghiệm và giáo dục kỹ năng sống.

Trong hợp đồng số 01/HĐKT mà người đại diện là ông Lê Quang Tăng – Tổng Giám đốc, nêu rõ thuê lại toàn bộ Nông trại hoa hồng và phần diện tích gồm đảo hồng, hồ và lối đi quanh hồ để tổ chức du lịch sinh thái hoạt động trải nghiệm và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, với thời gian thuê là 2 năm.

Khu vực hồ nguy hiểm nhưng không được trang bị các biển pháp an toàn.
Khu vực hồ nguy hiểm nhưng không được trang bị các biển pháp an toàn.

Tuy nhiên, kể từ ngày ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đến nay đã quá 3 tháng nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình chưa hoàn thiện hồ sơ mà đã triển khai và tự ý cho doanh nghiệp thuê để tổ chức các hoạt động trải nghiệm và giáo dục kỹ năng khác khiến dư luận quan tâm và đặt câu hỏi lớn về hướng xử lý của cơ quan chức năng về sự việc trên. Phải chăng có sự bao che phía sau cho sai phạm tồn tại?

Trước đó, ngày 6/12/2018, Hạt kiểm lâm Thạch Hà đã phối hợp với Phòng TNMT, UBND xã Nam Hương kiểm tra sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của hộ ông Hà Huy Thành (được biết ông Thành hiện nay đang công tác tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh) với diện tích 17,11 ha tại khoảnh 4b, khoảnh 6 tiểu khu 298A, thuộc đối tượng quy hoạch rừng sản xuất trên diện tích này có 5,9 ha sử dụng cho mục đích lâm nghiệp, còn 11,21 ha sử dụng cho mục đích khác bao gồm vườn hoa nhà tranh tạm, ao hồ, nhà chăn nuôi, đất trồng cây ăn quả, cây nông nghiệp lâu năm, đường mòn. Như vậy, ông Hà Huy Thành sử dụng diện tích đất lâm nghiệp chưa đúng theo quy chế quản lý rừng và vị trí thực hiện nằm trong khu vực bảo vệ, vệ sinh hồ Bộc Nguyên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Hải, Hạt trưởng Hạt kiểm Lâm Thạch Hà, chia sẻ: “Chúng tôi đã đi kiểm tra, nhiều lần lập biên bản cũng như có văn bản đề nghị UBND huyện Thạch Hà chỉ đạo các phòng, ngành, UBND xã Nam Hương có biện pháp và hướng xử lý kịp thời đối với hộ gia đình trong việc thực hiện dự án và sử dụng đất theo đúng quy định của nhà nước.”

Sở GD&ĐT Hà Tĩnh có nên cấp phép vào địa điểm chưa đủ điều kiện hoạt động?

Cũng trong biên bản ngày 6/12/2018, Hạt kiểm lâm Thạch Hà phối hợp với UBND xã Nam Hương và Phòng TNMT huyện Thạch Hà đề nghị chủ hộ rừng dừng tất cả các hoạt động triển khai xây dựng, làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất trước khi có quyết định chấp thuận chủ trương dự án. Đồng thời phối hợp các phòng, ngành, đơn vị có thẩm quyền hoàn thiện hồ sơ chủ trương làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định.

Thế nhưng, ngày 20/2/2019 Sở GD&ĐT Hà Tĩnh vẫn ra Quyết định số 59/QĐ-SGDĐT về việc cấp phép hoạt động trải nghiệm giáo dục kỹ năng sống đối với công ty cổ phần đầu tư Clarion Global với nội dung: Giáo dục một số kỹ năng sống cơ bản; trau dồi kỹ năng sống qua hoạt động trải nghiệm một số nghề truyền thống; rèn luyện kỹ năng sống qua một số trò chơi dân gian; giáo dục kỹ năng sống qua hoạt động trải nghiệm tham quan thực địa, địa điểm tại Nông trại hoa hồng và có hiệu lực kể từ ngày ký với thời hạn hai năm.

Vé vào cổng khu sinh thái.
Vé vào cổng khu sinh thái.

Để tường minh sự việc trên, PV đã về địa phương “mục sở thị”, thời điểm trên ghi nhận được, khu du lịch sinh thái và trải nghiệm giáo dục Hoa Hồng rộng hàng nghìn m2 mới được chấp thuận chủ trương đầu tư đã hoàn thành các hạng mục như san lấp, trồng cây ăn quả, cây hoa hồng, làm đảo nhân tạo, khu nhà hàng… thu hút nhiều khách du lịch và đặc biệt là hàng trăm học sinh ở các trường trên địa bàn Hà Tĩnh, kể cả mầm non với giá được niêm yết trên vé vào cổng là 60 nghìn đồng chưa bao gồm các dịch vụ sử dụng.

Mặc dù nơi đây có địa hình đồi núi, khe suối, ao hồ nhưng Chủ đầu tư và Công ty Clarion Global không hề có biện pháp bảo vệ học sinh như biển cảnh báo, áo phao, rào chắn và các biện pháp bảo vệ và cứu hộ.

Một phụ huynh có con học ở trường mầm non Hoa Sen lo lắng: “Mặc dù hoạt động trải nghiệm rất bổ ích tuy nhiên tôi rất lo lắng vì con tôi bản tính hiếu động đi các chỗ khu vực ao hồ và đảo hồng không biết các cô có quản lý được không khi không thấy có rào chắn gì? Và nếu xảy ra việc ngoài ý muốn thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”

Việc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh ra quyết định cấp phép hoạt động trải nghiệm giáo dục kỹ năng sống vào một địa điểm chưa hoàn thiện thủ tục hồ sơ, cũng như một số điểm nằm cạnh khuôn viên được cấp phép rất nguy hiểm trong khi Chủ đầu tư chưa có một biện pháp an toàn bảo vệ học sinh cũng như các du khách thì có nên hay không?

Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, cho hay: “Việc sở cấp phép như thế là một chủ trương đúng, ngoài quá trình cấp phép thì sở đã thành lập các đoàn đến tại địa điểm được cấp phép để kiểm tra…”

Sau khi có chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, chủ đầu tư đã “nóng vội” hoàn thiện tất cả các hạng mục và đưa vào hoạt động khi chưa hoàn thiện hồ sơ đúng quy định, mặt khác tự cho doanh nghiệp thuê lại với mục đích kinh doanh và mục đích tham quan trải nghiệm giáo dục kỹ năng sống do Sở GDĐT Hà Tĩnh cấp phép.

Sự việc trên kéo theo nhiều hệ lụy, cũng như diễn biến khó lường về sinh thái môi trường và an toàn cần được cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, xử lý dứt điểm.

Nhóm PV

Để lại một bình luận