Liên quan đến dự án Lavenue Crown tại số 8 – 12 Lê Duẩn, ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM vừa bị khởi tố và bắt giam trong khi dự án nhiều khả năng sẽ bị thu hồi theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Với doanh nghiệp như Tập đoàn KIDO của ông Trần Kim Thành khi đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào dự án này, quyền lợi có được đảm bảo?
Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 8.12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhiệm kỳ 2011 – 2015 về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại TP.HCM.
Cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài bị khởi tố để điều tra về sai phạm trong việc giao, cho thuê gần 5.000m2 “đất vàng” tại địa chỉ số 8 – 12 Lê Duẩn, Q1, TP.HCM.
Đây cũng là nội dung được nêu rõ trong kết luận thanh tra hồi tháng 5 liên quan đến ông Tài trong việc chuyển nhượng lô đất trên.
Kiến nghị thu hồi đất
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM thì khu đất trên có diện tích gần 5.000 m2 thuộc sở hữu Nhà nước. Trước khi vào tay công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue khu đất này thuộc Bộ Công Thương thuê sử dụng làm trụ sở làm việc.
Theo đó các công ty Cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty Cổ phần Kim khí thành phố, Công ty Cổ phần hóa chất vật liệu điện thành phố và Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu (tất cả các công ty này trực thuộc bộ Công Thương) sử dụng. Đến năm 2010, cả 4 công ty trên đồng ý chuyển nhượng phần góp vốn tại Lavenue cho Công ty TNHH Đầu tư KIDO.
Sau khi chuyển nhượng, công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue có vốn 2.100 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông là Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm và Công ty TNHH Đầu tư KIDO
Năm 2011, UBND TP.HCM quyết định chấp thuận cho Công ty Lavenue sử dụng mảnh đất này để đầu tư khách sạn cao cấp, thương mại – dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm.
Việc làm này theo Thanh tra Chính phủ là sai nguyên tắc khi UBND TP.HCM không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất tại khu đất này.
Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc UBND TP không tham khảo ý kiến tham mưu cơ quan chuyên môn, chưa nhận được sự phản hồi từ các cơ quan chuyên môn đã chấp thuận cho các nhà đầu tư không đủ năng lực tham gia dự án, dẫn đến 4 công ty chuyển nhượng kiếm lời gây giảm nguồn thu cho ngân sách; giảm tỷ lệ cổ phần góp vốn của nhà nước từ 50% xuống còn 20%.
Thanh tra Chính phủ khẳng định những sai phạm của UBND TP.HCM và các sở, ngành và các doanh nghiệp liên quan như đã nêu ở trên là có dấu hiệu của việc cố ý làm trái quy định của nhà nước cần phải được xử lý trách nhiệm một cách nghiêm túc…
Cơ quan Thanh tra kiến nghị thu hồi lại toàn bộ khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn để thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định nhằm giữ kỷ cương pháp luật và tăng thu cho ngân sách.
Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue từng có gửi công văn đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất được tiếp tục triển khai dự án xây khách sạn năm sao và trung tâm thương mại trên khu đất vàng 5.000 mét vuông tại 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TP HCM).
Doanh nghiệp này ước tính đến nay đã chi xấp xỉ 1.500 tỷ đồng để thực hiện dự án, bao gồm 624 tỷ nộp tiền sử dụng đất cho TP HCM, 23 tỷ nộp tiền thuê đất cho ngân sách nhà nước, 148 tỷ thuê tư vấn nước ngoài và 687 tỷ tiền lãi vay. Chính vì vậy, nếu dự án bị thu hồi, công ty sẽ phá sản, cán bộ nhân viên sẽ không có việc làm
Nắm giữ 50% vốn lại Lavenue, Tập đoàn KIDO của ông Trần Kim Thành đã rót hơn 1.087 tỷ đồng vào liên doanh đầu tư khu đất vàng này, gấp trên 250 lần so với mức lãi ròng KIDO đạt được trong 9 tháng 2018.
Bài toán quyền lợi cho Lavenue và KIDO của ông Trần Kim Thành
Đồng tình với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, giới luật sư cho rằng, dù có gây thiệt hại cho doanh nghiệp song trong trường hợp này bắt buộc phải hủy toàn bộ các thủ tục pháp lý mà TP.HCM đã giao đất cho doanh nghiệp không thông qua đấu giá.
“Theo luật thì đó là 1 giao dịch trái luật nên sẽ phải thu hồi về hiện trạng ban đầu. Trong trường họp này doanh nghiệp sẽ phải chịu phải thiệt thòi.
Tất nhiên, sau khi thu hồi đất vàng, Nhà nước có thể tiến hành tổ chức đấu giá công khai, chọn ra nhà đầu tư trả giá cao nhất cho dự án và thành phố có thể trích một phần số tiền đấu giá để bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp. Nếu làm được việc này, đảm bảo lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp cũng không bị thiệt hại quá nhiều” một luật sư cho hay.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp đã từng có tiền lệ. Tuy nhiên, với số tiền lên tới xấp xỉ 1.500 tỷ đồng theo như con số mà doanh nghiệp tính toán, thì việc ngân sách thành phố, ngân sách nhà nước có đủ nguồn lực để bồi thường cho doanh nghiệp hay không vẫn còn bỏ ngỏ?
Một quan điểm khác thì cho rằng, việc chấp thuận cho doanh nghiệp sử dụng đất không qua đấu giá cho thấy lợi ích của cá nhân hay 1 nhóm lợi ích trong sự việc này. Thực tế trong thời gian qua của Việt Nam có không ít những sai phạm liên quan đến lĩnh vực này đều là do cố tình làm trái quy định pháp luật của 1 nhóm lợi ích nào đó. Đây cũng có thể không phải là 1 ngoại lệ
Chính vì vậy, theo 1 chuyên gia kinh tế, những cá nhân, tổ chức gây ra sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm bồi hoàn số tiền này cho Lavenue và KIDO thay vì sử dụng tiền ngân sách.
Dù chưa rõ phương án đền bù cho KIDO như thế nào nếu dự án bị thu hồi, song việc doanh nghiệp chịu thiệt thòi là 1 thực tế khó tránh.
(Theo danviet.vn)