Vụ cướp ngân hàng không dấu vết

Với hầm tiền có hai lớp cửa an ninh, giám đốc ngân hàng tự tin nơi đây sẽ không bị cướp nhưng điều đó đã xảy ra.

Sáng sớm ngày 21/9/1991, khi đặc vụ FBI có mặt tại chi nhánh ngân hàng thành phố San Antonio, bang Texas, tên cướp đã cao chạy xa bay. Cuộc tẩu thoát của tên cướp nhanh tới mức khách hàng chờ bên ngoài ngân hàng không hay biết có chuyện đã xảy ra cho tới khi còi xe cảnh sát hú vang xung quanh.

FBI tỏa ra khắp nơi tìm nhân chứng và lục thùng rác để tìm súng hoặc mặt nạ kẻ cướp có thể đã vứt đi nhưng không thấy gì. Trong ngân hàng, lực lượng chức năng cũng không tìm được dấu vết của tên cướp vì nơi đây không có bảo vệ hay camera giám sát.

Với số tiền bị mất 250.000 USD, sự việc trở thành một trong những vụ cướp lớn nhất trong lịch sử thành phố San Antonio. Thông thường, kẻ cướp chỉ lấy được không quá 2.000 USD.

Đặc vụ FBI thấy lạ khi kẻ cướp nhắm vào nơi đây do chi nhánh ngân hàng được thiết kế theo kiểu “drive-thru”: hầm tiền được đặt ngầm dưới đất, trên bề mặt là quầy phục vụ với kính chống đạn đặt bên cạnh lối xe chạy để khách hàng có thể thực hiện giao dịch mà không phải xuống ôtô.

Mô hình thiết kế drive-thru năm 1959 của ngân hàng Wells Fargo. Ảnh: Wells Fargo Corporate Archives.
Mô hình thiết kế “drive-thru”. Ảnh: Wells Fargo Corporate Archives.

Để tiếp cận hầm tiền, nghi phạm sẽ phải vượt qua hai lớp cửa chỉ nhân viên mới có chìa khóa. Ngoài ra, cánh cửa thứ hai sẽ không mở ra nếu cửa thứ nhất không đóng lại. Như vậy, kẻ cướp sẽ không thể đơn thuần chạy vào ngân hàng để cướp như ở những chi nhánh khác.

Cũng vì lý do này, giám đốc chi nhánh đã không chịu thuê bảo vệ hoặc lắp đặt camera giám sát vì cho rằng khả năng bị cướp là rất nhỏ. Thậm chí, chi nhánh này cũng không trang bị cho giao dịch viên cọc tiền có thuốc nhuộm, vốn là thiết bị chống cướp phổ biến.

Nhân chứng duy nhất của vụ cướp là hai nữ giao dịch viên làm việc sáng hôm đó: Kelly McGinnis (21 tuổi) và Lisa Silvas (19 tuổi). Kelly kể mở cánh cửa thứ nhất, rồi đi bộ khoảng 4,5 m qua hành lang an ninh để tới cửa thứ hai. Cửa thứ hai vừa mở, Kelly ngoái đầu nhìn thì thấy một gã đứng ngay sau Lisa.

Kẻ này chĩa súng vào đầu Kelly, quát và ra hiệu cho cô tắt chuông báo động đằng sau cánh cửa phía trước. Giọng hắn khàn khàn và có vẻ đã được ngụy trang.

Thấy đồng nghiệp co cứng người vì sợ hãi, Lisa sợ bị bắn nên lấy chùm chìa khóa từ tay Kelly và chạy tới chỗ công tắc vì chuông báo động sẽ kêu nếu công tắc không được gạt trong vòng 45 giây kể từ khi lớp cửa thứ nhất được mở.

Tên cướp sau đó dùng còng trói tay Kelly, sau đó lệnh cho Lisa mở hầm tiền. Hắn chỉ vào vật cộm lên sau lớp áo và dọa đây là máy nghe trộm radio cảnh sát, nếu người nào gạt công tắc bí mật và hắn nghe được bất cứ tin gì về ngân hàng này, cả hai sẽ chết.

Giữa hầm có hai chiếc két lớn cao khoảng 1m2, được khóa bằng chìa khóa và núm số quay. Tên cướp yêu cầu mở két bên trái rồi vứt cho Lisa chiếc túi rác để đựng tiền vào nhưng bỏ qua chiếc két thứ hai vì nghe nhân viên nói trong đó đựng tiền xu.

Tên cướp sau đó ra lệnh mở những ngăn đựng tiền cá nhân mà giao dịch viên dùng trong ngày. Lấy được tiền, hắn ra lệnh cho hai nữ nhân viên ở trong hầm tiền, không được rời hiện trường. Toàn bộ vụ cướp kết thúc trong chưa đầy 5 phút. Chờ tên cướp đi khỏi, Kelly mới bấm nút báo động còn Lisa quay số 911. Cả hai sau đó cùng gọi điện cho bạn trai.

Theo hai nhân chứng, kẻ này mặc đồng phục và đeo găng tay của nhân viên bảo trì, đeo mặt nạ hình mặt người và đội chiếc mũ len che kín đầu, tay cầm khẩu súng nòng bạc. Hai cô cho rằng hắn có thể đã kịp lẻn nhanh qua trước khi cánh cửa thứ nhất đóng lại.

Dựa vào lời khai nhân chứng, FBI nhận định có nhiều dấu hiệu cho thấy kẻ cướp có tay trong. Hắn biết nhiều về quy trình làm việc của giao dịch viên, hệ thống báo động, và sơ đồ ngân hàng. Tên cướp thậm chí không đoái hoài tới chiếc két thứ ba trong hầm vì dường như biết nhân viên làm thứ bảy không có chìa khóa mở. 

Vài ngày sau, FBI phát hiện nhân viên chi nhánh cần thẻ từ để mở cổng vào bãi đỗ xe của ngân hàng, mỗi lượt ra vào đều được ghi lại trên máy tính. Họ thấy rằng thẻ của Lisa đã được sử dụng vào 8h20 sáng hôm đó, 30 phút trước vụ cướp.

Lisa Silvas. Ảnh: Texas Monthly.
Lisa Silvas. Ảnh: Texas Monthly.

Tuy nhiên, Lisa khai rằng sáng hôm đó không đỗ xe trong bãi dành cho nhân viên mà đỗ tại nơi của khách hàng. Điều tra viên đặt nghi vấn có thể có người đã dùng thẻ của Lisa để đỗ xe đào tẩu, vòng qua tòa nhà cướp rồi chạy trốn qua cửa sau của bãi đỗ xe để không bị nhìn thấy.

Rà soát diễn biến sau vụ cướp, FBI thấy rằng khi được gọi, bạn trai của Kelly tới hiện trường ngay, còn bạn trai của Lisa không thể liên lạc được vì “vừa làm xong ca tối và đang ngủ”, theo lời khai của Lisa. Phải tới trưa, anh ta mới tới ngân hàng gặp bạn gái. FBI cho rằng đây là điểm đáng ngờ vì nếu thật sự lo lắng cho Lisa, bạn trai sẽ tới ngay.

Bạn trai của Lisa tên Jack Nealy (28 tuổi), là cảnh sát thành phố San Antonio. Trùng hợp, loại còng mà tên cướp sử dụng cũng là loại cảnh sát thành phố thường dùng. Mỗi cảnh sát viên cũng được phát thiết bị dò sóng radio.

Điều tra theo hướng này, FBI càng thấy nhiều điểm đáng ngờ vì tại sao tên cướp phải ngụy trang giọng nói nếu không phải sợ bị người quen nhận ra. Theo mô tả của hai nhân chứng, tên cướp có chiều cao và cân nặng tương đương Jack. Lisa cũng có vẻ rất chủ động khi lấy chùm chìa khóa của Kelly để tắt chuông báo và nhắc đồng nghiệp mở đúng ngăn kéo. Chỉ có Lisa mới không bị còng tay như Kelly.

Tập trung vào Lisa và Jack, FBI được biết 9 ngày sau vụ cướp, hai người đã bí mật tới tòa án đăng ký kết hôn với lý do để Lisa được hưởng chế độ bảo hiểm sức khỏe cho người thân của cảnh sát, cũng như không muốn ai biết về kế hoạch tổ chức đám cưới linh đình. FBI nghi ngờ việc này có uẩn khúc vì theo pháp luật, vợ chồng không thể bị ép buộc làm chứng chống lại nhau trong trường hợp một trong hai người phạm tội.

Trong khi cuộc điều tra diễn ra, Jack và Lisa bảo bạn bè sẽ đi tới bang Florida chơi vài ngày, nhưng chứng cứ cho thấy hai người thực tế đi tới Quần đảo Cayman (quốc đảo nằm ở phía Tây vùng biển Caribê) – nơi nổi tiếng với quy định bảo mật thông tin cho chủ tài khoản ngân hàng.

Với hai nghi phạm chính, FBI cho rằng cần xoáy sâu vào mắt xích yếu hơn là Lisa. Ngoài ra, họ cũng cần tìm được số tiền mồi nhử – những tờ 100 USD có số sê-ri bị ghi lại để truy tìm trong trường hợp bị cướp. Ngăn kéo cá nhân của mỗi nhân viên đều có 20 tờ tiền mồi nhử. Tuy vậy, hy vọng này không cao vì Lisa biết rõ tờ nào bị đánh dấu và có thể đã tiêu hủy.

Khi bị thẩm vấn, Lisa tỏ ra bình tĩnh, không để lộ dấu hiệu gian dối. Kết quả thẩm vấn Jack cũng không khá hơn nhưng FBI đã có thể chắc chắn người này là cướp. Theo FBI, khi bị cáo buộc, Jack không tỏ vẻ ngạc nhiên và nói “nếu tôi làm gì sai, các ông có nghĩa vụ chứng minh”. Nghi phạm còn từ chối cho điều tra viên khám xe và nhà riêng.

Dù đã chắc chắn, FBI không có cách nào để chứng minh danh tính của kẻ cướp. Họ đổi hướng sang khai thác họ hàng và người thân của hai nghi phạm, trong đó có mẹ của Jack. Người mẹ nói gần đây con trai có tới thăm mình vào khoảng bốn ngày trước, nhưng không có hành vi cư xử khác thường.

FBI nghi ngờ số tiền chôn giấu trên mảnh đất của nhà người mẹ, nhưng không thể xin được lệnh khám vì không có căn cứ hợp lý. Đặc vụ FBI quyết định đánh bạc một phen và nói với mẹ Jack rằng biết rõ có tiền chôn tại đây, đừng hòng giấu giếm. Dù vậy, người mẹ vẫn khẳng định không có.

Tưởng thất bại, nhưng đòn tâm lý của FBI đã thành công. Ba ngày sau, ngày 12/10/1991, bố dượng của Jack liên lạc với cảnh sát để báo tìm thấy túi tiền trên đất nhà mình. Ông ta nói đi bộ loanh quanh thì thấy một chỗ có dấu hiệu mới bị đào xới, sau khi đào thì thấy chiếc túi vải màu xanh chứa gần 150.000 USD.

Lẫn trong túi tiền, cảnh sát tìm thấy xấp tiền mồi nhử được bọc ngoài bằng tờ giấy có ghi chữ “Tiền đi Mexico”. Sau khi gửi đi giám định, chuyên gia kết luận đây rất có thể là chữ viết tay của Lisa. FBI cho rằng Lisa và Jack đã nổi lòng tham và không đốt tiền mồi nhử, chờ tới được Mexico sẽ tiêu.

Bên cạnh số tiền, FBI cũng thấy nhiều miếng dán hình ngôi sao và chiếc móc khóa với dòng chữ “Ước nguyện dưới sao”. Những món đồ này có vân tay của Lisa và được xác định là kỷ vật từ dạ hội tốt nghiệp của trường cấp III nơi Lisa theo học. Như vậy, FBI nhận định đây là chứng cứ liên kết Lisa và Jack với vụ cướp. Cả hai lập tức bị bắt.

Jack Nealy trả lời phỏng vấn sau song sắt. Ảnh: Texas Monthly.
Jack Nealy trả lời phỏng vấn sau song sắt. Ảnh: Texas Monthly.

Tại tòa, luật sư của Lisa lập luận cô ta bị gài bẫy, trong khi luật sư của Jack cho rằng chính Kelly cùng bạn trai đã thực hiện vụ cướp. Dù vậy, Lisa và Jack vẫn bị kết án phạm tội và lần lượt bị phạt 12 năm 8 tháng tù và hơn 15 năm tù. Ngày hai người lãnh án cũng là ngày 14/2/1992 – ngày lễ Tình nhân.

Dù hai bị cáo đã bị kết án, nhà chức trách không có câu trả lời cho động cơ gây án. Dựa vào lịch sử tình ái của hai người, một điều tra viên đặt giả thuyết Lisa đã bỏ bạn trai do vấn đề tài chính, có thể Jack sợ lịch sử lặp lại nên đã thuyết phục Lisa cùng cướp tài sản để chu cấp cho gia đình và buộc giám đốc ngân hàng thuê Jack làm bảo vệ bán thời gian.

Một số chứng cứ ủng hộ giả thuyết này như Jack có lịch sử tín dụng không tốt nên không thể vay ngân hàng. Khi gặp Lisa, anh ta vừa ly hôn và phải trả tiền cấp dưỡng cho vợ cũ. Đồng nghiệp của Jack cho biết Jack luôn lo lắng vì tiền bạc, trong khi Lisa thích quần áo đẹp và đắt tiền.

Quốc Đạt (Theo Texas Monthly, US Court) – Vnexpress