Nếu như vào đầu năm 2019, tổng giá trị thị trường chứng khoán toàn cầu đạt dưới 70.000 tỷ USD thì nay đã vượt mốc 85.000 tỷ USD, theo biểu đồ tính toán của Torsten Slok, thuộc Deutsche Bank.
Năm phát đạt của ngành chứng khoán được cho là nhờ vào các chính sách tiền tệ thuận lợi và sự phát triển của nền chính trị trên toàn cầu.
Theo đó, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã có một cách tiếp cận ôn hòa hơn, nhờ vậy nên thúc đẩy thị trường. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã cắt giảm lãi suất cơ bản ba lần trong năm nay. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã cắt giảm thêm lãi suất âm.
Năm 2019, triển vọng thương mại toàn cầu cũng đã trở nên rõ ràng hơn, sau khi thế giới “hỗn loạn” kể từ cuộc bầu cử của ông Donald Trump và cuộc bỏ phiếu Brexit tại Anh.
Trên các mặt trận thương mại của Mỹ, Hạ viện đã thông qua thỏa thuận thương mại mới ở Bắc Mỹ của chính quyền Trump. Mỹ cũng vừa đạt được thỏa thuận rõ ràng với Trung Quốc trong giai đoạn một của tiến trình đàm phán thương mại.
Ở châu Âu, phe bảo thủ của đương kim Thủ tướng Anh Boris Johnson chiến thắng bầu cử vang dội đã giúp ông có quyền đàm phán tiến trình rời khỏi EU của Anh.
Tuy nhiên, vốn hóa thị trường chứng khoán thế giới tăng mạnh phần lớn nhờ vào thị trường Mỹ. Các chỉ số lớn của nước này như S&P 500, Dow Jones và Russell 2000 đều tăng hơn 20% trong năm nay. Năm nay cũng là năm bội thu của nhiều gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Trong đó, vốn hóa Apple và Facebook tăng lần lượt 80% và 57%, góp phần vào sự tăng trưởng chung.
Phiên An (theo CNBC) – Vnexpress