Infocus Mekong Research vừa phát hành Báo cáo thường niên về Mức độ triển vọng của các doanh nghiệp Việt Nam, được tổ chức hàng năm bởi Hiệp hội Doanh nghiệp Canada Việt Nam tại TP HCM. Khảo sát được thực hiện bởi 242 CEO, Giám đốc điều hành, chủ doanh nghiệp… cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng về triển vọng của doanh nghiệp trong năm 2020 so với năm trước, chủ yếu do dịch Covid-19.
Ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành Infocus Mekong Research, đồng thời chủ trì của khảo sát này thừa nhận, dù đã sống ở Việt Nam 20 năm, chưa bao giờ ông chứng kiến triển vọng về kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề như vậy. Thậm chí sức ảnh hưởng mạnh hơn giai đoạn 2010-2011 khi bong bóng bất động sản vỡ.
2019 là một năm tích cực đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam với mức tăng trưởng GDP 6,5%, ngành xuất khẩu, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng kỷ lục và duy trì được tỉ lệ lạm phát ở 3,5%. Từ chỉ số niềm tin người tiêu dùng vào tháng 12/2019 đạt mức cao, với hơn 70% người được hỏi cho rằng kinh tế sẽ phát triển tốt hơn nữa trong năm 2020, giả thiết đặt ra các doanh nghiệp cũng sẽ có niềm tin tương tự. Tuy nhiên, 84% các doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định dịch nCoV ảnh hưởng khá tiêu cực đến tình hình của họ năm nay.
Ông Chris Hunt, Giám đốc điều hành HSC Vietnam đánh giá, những ngày sống chung với nỗi sợ virus corona kéo dài chưa đầy 2 tháng, nhưng ở góc nhìn vĩ mô, vài trục trặc nhỏ trên diện rộng bắt đầu lộ diện và rất có thể chuẩn bị bước vào chuỗi suy giảm kéo dài. nCoV là loại virus mới, rất khó để dự đoán chính xác mức độ nghiêm trọng, nhưng dựa trên những kinh nghiệm từ trước của dịch SARS, có thể dự đoánhoạt động kinh tế sẽ chỉ trở lại bình thường vào cuối năm 2020.
Các dấu hiệu ban đầu cho thấy các lĩnh vực khách sạn, du lịch, bán lẻ, dịch vụ ăn uống và sản xuất, hậu cần bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho rằng các nhà phát triển bất động sản có thể sẽ phải tìm nguồn vốn bổ sung, xem xét liên doanh hoặc thanh lý bớt tài sản.
Ông Frederick Burke, Quản lý điều hành cấp cao của Baker Mckenzie nhận định, doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc chắc chắn sẽ cảm nhận được ảnh hưởng rõ ràng và nặng nề nhất. Ông Frederick Burke giải thích, chiến lược phát triển kinh tế chung tại Việt Nam, là duy trì sự ổn định để hòa nhập vào kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại song và đa phương. Đây là nền tảng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho thương mại và đầu tư trong thời gian tới.
Trong ngắn hạn, năm 2020 sẽ chứng kiến nhiều thử thách cho các doanh nghiệp còn non trẻ, chưa đủ sức đứng vững trước cú sốc về chuỗi cung ứng cũng như nguồn vốn như hiện nay. Ngành du lịch đã và đang hứng chịu điều này, nhưng ngay cả các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ chịu thiệt hại khi nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế.
Mảng dịch vụ trong nước, từ ngành quảng cáo cho đến hoạt động vui chơi, kinh tế nội địa Việt Nam chịu ảnh hưởng rõ nhất. Với việc thông báo có thể đóng cửa trường học kéo dài, năng suất làm việc cũng như áp lực trên vai của các bậc phụ huynh sẽ chịu tác động nặng nề.
Thêm vào đó, với cảnh báo thường xuyên của Bộ Y tế về dịch bệnh, người tiêu dùng sẽ cẩn trọng hơn, làm giảm thiểu lưu lượng giao thông cũng như nhu cầu tiêu dùng khác. Khi được hỏi dịch Covid-19 sẽ tác động như thế nào đến doanh thu trong nước của doanh nghiệp vào năm 2020, khảo sát lấy ý kiến các nhà điều hành doanh nghiệp cho thấy mức doanh thu được ghi nhận giảm 13,48% so với ngân sách ban đầu
Dù vậy, vẫn có một số ngành nghề hưởng lợi trong năm 2020 khi xuất hiện nCoV như: mua sắm trực tuyến, dịch vụ giao hàng, sản xuất ôtô, thực phẩm đóng hộp. Tiềm năng hơn là lĩnh vực chăm sóc nhà cửa khi người tiêu dùng dành nhiều thời gian ở nhà hơn ở nơi công cộng.
Tuy thương mại điện tử hiện chỉ chiếm 5% giá trị bán lẻ trong 2019, đến nay 76% người tiêu dùng mua sắm ít nhất một lần trong vòng 3 tháng qua và đạt mức tăng trưởng hơn 20% hàng năm. Với việc virus corona ảnh hưởng đến hành vi mua sắm làm người tiêu dùng muốn tránh xa đám đông nhiều hơn, các dịch vụ trực tuyến sẽ ngày càng phát triển và thu hút thêm nhiều khách hàng mới đến dịch vụ của họ.
47% người tiêu dùng nói rằng sẽ chi tiêu nhiều hơn năm 2019 cho việc đi lại. Hơn nữa, năm vừa qua chứng kiến doanh số bán xe cao đạt đỉnh và với hơn 19% người đăng ký vay vốn để mua xe lại càng khẳng định lý do sự tăng trưởng của ngành sản xuất ôtô.
Ở thị trường chứng khoán, nCoV đang gia tăng cơ hội để giới đầu tư làm phong phú danh mục. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Tài chính cấp cao của VinaCapital cho hay, các nhà đầu tư đang tìm kiếm lý do để liều lĩnh hơn. Dù diễn biến khá thận trọng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa chịu sự sụt giảm nghiêm trọng. “Khi nền kinh tế lớn như Trung Quốc tuyên bố đã kiểm soát được dịch bệnh, nhiều khả năng thị trường vốn trên toàn thế giới bao gồm Việt Nam sẽ hồi phục và có thể sẽ vượt ngưỡng cuối năm 2019”, ông Andy Ho dự báo.
Ông Matthaes nhận định năm 2020 chắc chắn sẽ giảm bớt một số lợi ích ngắn hạn cho Việt Nam, nhất là ở các ngành kinh tế chủ yếu dựa vào người tiêu dùng. Tuy nhiên đây chỉ là trở ngại nhỏ tạm thời đối với sự phát triển kinh tế. “Virus corona sẽ không ngăn cản sự phát triển không ngừng của Việt Nam trên đà gia nhập những cường quốc ở châu Á”, ông nhận định.
Trung Tín – Vnexpress