Viettel, VinaPhone đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chuyển tiền qua tài khoản di động

Để có thể cung cấp dịch vụ mobile money, các công ty viễn thông phải có giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. Tại Việt Nam, hiện mới chỉ có Viettel và VinaPhone thoả mãn được điều kiện này. 

Nhà mạng phải có giấy phép trung gian thanh toán

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, các nước thường cho phép những nhà cung cấp dịch vụ mobile money sử dụng số tiền này để mua trái phiếu chính phủ hay đầu tư vào những hoạt động có khả năng rủi ro thấp.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), Ngân hàng nhà nước đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về một điều kiện rằng tổng số dư của mobile money phải tương ứng với số tiền của công ty ví gửi tại tài khoản đảm bảo ngân hàng.

Các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm triển khai mobile money với Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt
Các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm triển khai mobile money với Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Số tiền này chỉ được sử dụng với mục đích của ví, công ty cung cấp dịch vụ mobile money có thể làm ăn thua lỗ nhưng số tiền trong tài khoản người dùng vẫn phải đảm bảo trong ngân hàng.

Điều này cũng có nghĩa, nếu nhà cung cấp dịch vụ mobile money của 10 khách hàng với tổng số dư là 10 tỷ thì đơn vị đó phải có 10 tỷ gửi ở ngân hàng thay vì mang đi kinh doanh ở đâu đó.

Sau khi tham khảo các mô hình trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước cho rằng đối tượng triển khai mobile money chính là các công ty viễn thông đã được cấp giấy phép trung gian thanh toán.

Trong mô hình này, Việt Nam chưa tính đến câu chuyện chuyển tiền quốc tế, liên kết giữa các ví và liên kết chéo giữa các nhà cung cấp dịch vụ mobile money.

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là các công ty cung cấp dịch vụ mobile money không được dùng tiền của người dùng để đầu tư mà phải gửi đảm bảo tại Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Trọng Đạt
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là các công ty cung cấp dịch vụ mobile money không được dùng tiền của người dùng để đầu tư mà phải gửi đảm bảo tại Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Trọng Đạt

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), Việt Nam sẽ đi từng bước, làm thành công trong nước rồi mới tính đến việc chuyển tiền ra nước ngoài, làm thành công việc chuyển tiền trong cùng một loại ví trước khi liên thông các ví với nhau.

Nếu chính phủ đồng ý, sẽ có 2 trên 3 đơn vị viễn thông lớn là Viettel và VinaPhone có thể tham gia, MobiFone đang trong quá trình xin giấy phép, ông Dũng nói.

Những rắc rối khi nhà mạng cho phép chuyển tiền qua điện thoại

Khi mobile money được triển khai, SIM điện thoại hoặc chính chiếc điện thoại sẽ là phương thức để giao tiếp, trong khi số tiền trong ví người dùng sẽ được lưu ở hệ thống CNTT của các nhà mạng viễn thông.

Điểm khó nhất trong việc triển khai mobile money là phải đàm bảo tài khoản dịch vụ mobile money và SIM điện thoại phải được định danh. Điều này liên quan tới việc quản lý SIM rác.

Khi dịch vụ mobile money được triển khai, người dân sẽ có thể mua thẻ cào tại đại lý để nạp tiền vào tài khoản. Họ cũng có thể ra các đại lý để rút tiền thay vì đến trực tiếp các ngân hàng.
Khi dịch vụ mobile money được triển khai, người dân sẽ có thể mua thẻ cào tại đại lý để nạp tiền vào tài khoản. Họ cũng có thể ra các đại lý để rút tiền thay vì đến trực tiếp các ngân hàng. 

Trước kia, ví điện tử chỉ có thể nạp tiền thông qua các ngân hàng, với mobile money, ví sẽ được nạp từ các đại lý bán thẻ. Điều này nảy sinh nhiều vấn đề, đó là hạn mức của các đại lý là bao nhiêu? Quản lý hoạt động của các đại lý này như thế nào? Làm sao để quản lý được nguồn tiền?,…

Để đảm bảo an ninh, bảo mật, an toàn dữ liệu, mobile money phải có quy định  rõ ràng về việc mã hoá như thế nào? giao dịch bao nhiêu thì phải có password, OTP,… ?

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, đơn vị này sẽ không chấp nhận các đơn vị làm mobile money nhưng lại để các hacker xâm nhập và chiếm dữ liệu khách hàng, thay đổi số dư trong tài khoản,… phòng chống rửa tiền cũng là một vấn đề cần lưu tâm.

Ngân hàng nhà nước cũng quan tâm đến vấn đề hạn mức thanh toán. Hiện tại, giá trị giao dịch bình quân của mỗi ví mobile money trên thế giới là khoảng 206 USD/tháng. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước có ý định giới hạn trần thanh toán của các giao dịch là khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đây chỉ là con số bước đầu và sẽ được điều chỉnh tuỳ theo xu hướng của thị trường.

Chia sẻ tại hội thảo về tiền điện tử trên thuê bao di động mới được tổ chức bởi Bộ TT&TT, đại diện Ngân hàng nhà nước cho rằng, với những vấn đề chưa có tính pháp lý như mobile money, Việt Nam phải có cách làm phù hợp.

Đó là chuyển sang phương pháp quản lý theo mục tiêu thay vì các quy trình, quy định. Tuy vậy, vẫn cần phải đảm bảo được tính thanh khoản, số tiền gửi của các nhà cung cấp phải để ở ngân hàng với số dư các tài khoản được đảm bảo và giám sát bởi Nhà nước.

Trọng Đạt – Vietnamnet

Để lại một bình luận