Thông tin trên được ông Nghiêm Xuân Thành đưa ra tại Hội nghị tổng kết ngành ngày 2/1. Cụ thể, Vietcombank đề xuất giữ lại lợi nhuận và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 70% trong giai đoạn từ 2018 – 2020. Qua đó, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng ít nhất 25.900 tỷ đồng.
Lần gần nhất Vietcombank tăng được vốn bằng phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là năm 2016 khi tăng 9.300 tỷ thông qua phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35%. Ba năm sau đó, Vietcombank không phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu mà chỉ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8% và vốn điều lệ nằm nguyên ở mức 35.977 tỷ đồng. Tới đầu năm 2019, Vietcombank được tăng vốn 3% lên gần 37.100 tỷ nhờ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Không chỉ Vietcombank, các ngân hàng có vốn nhà nước khác cũng đề xuất tăng vốn bằng bằng cổ phiếu và phương án khác.
Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú đề xuất Chính phủ xem xét tăng vốn bằng cổ phiếu sau khi đã bán cổ phần thành công cho đối tác ngoại KEB Hana Bank. Ông cũng đề nghị các thủ tục phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cho người lao động cần đơn giản hơn.
Ông Lê Đức Thọ – Chủ tịch VietinBank lại cho biết nguồn tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại theo tính toán chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu tăng trưởng cần thiết của nhà băng này. Nên sau khi được tăng vốn bằng giữ lại lợi nhuận, VietinBank sẽ cần được cơ quan quản lý phê duyệt thêm các phương án tăng vốn tiếp theo.
Đối với trường hợp khác là Agribank – ngân hàng 100% vốn nhà nước, Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết nếu không tăng được tăng vốn và áp dụng cơ chế đặc thù, ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng. Do đó, ông đề nghị sớm được bổ sung vốn theo phương án đã trình.
Vấn đề lớn nhất của 4 nhà băng có vốn nhà nước trong thời gian qua là không tăng được vốn ảnh hưởng đến tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tiến đến ngưỡng cho phép và có thể bị hạn chế tăng trưởng tín dụng. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng từng cho biết CAR của 4 nhà băng đã “tiến sát ngưỡng cho phép” theo Thông tư 41và quy định Basel II.
Mới đây, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 01 chủ trương đảm bảo đủ vốn cho nhóm nhà băng này. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo để sửa đổi Nghị định 91 để tăng vốn cho 4 ngân hàng. Sau khi trình lên Chính phủ Nghị định sửa đổi, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp Bộ Tài chính trình Thủ tướng các quy định cấp vốn cho 3 ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV. Còn với ngân hàng 100% cổ phần nhà nước Agribank, Chính phủ đã quyết trong năm nay sẽ trình Quốc hội để bố trí ngân sách tăng vốn cho nhà băng.
Quỳnh Trang – Vnexpress