Viết sớ cầu con trai

Sớ cầu con trai do các “ông đồ” trước phủ Tây Hồ viết, bán với giá 200.000 đồng, gồm một lá sớ, 7 đồng tiền vàng và một tượng bé trai màu hồng.

Chiều 30/1, trên đoạn đường gần 300 m, hàng chục bàn viết sớ chữ Nho, sớ lễ phủ kéo dài từ cổng vào tới cửa phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ). Các ông đồ khăn đóng, áo the, ngồi trước bàn bày la liệt sớ in sẵn, phía trên treo biển quảng cáo: “Viết sớ trạng, cầu bình an, công danh, thi cử đỗ đạt, dâng sao giải hạn, duyên con, lễ tạ”. Cầu bình an, công danh chung một lá sớ trị giá 100.000 đồng. Sớ cầu con giá cao gấp đôi và được viết riêng.

Các Cậu tượng trưng cho bé trai được bày trên đĩa, bán giá 50.000 đồng. Ảnh: Thái Mạc.
Các “cậu” tượng trưng cho bé trai được bày trên đĩa, bán giá 50.000 đồng. Ảnh: Thái Mạc.

Lễ cầu con đầy đủ gồm một lá sớ, tượng bé trai màu hồng thầy đồ gọi là “cậu” và bảy đồng tiền vàng tượng trưng cho bảy vía của nam giới. Trên lá sớ ghi tên vợ chồng, năm sinh, quê quán. Sớ viết xong đặt lên ban thờ trong phủ Tây Hồ, khấn vái rồi đem đốt. Riêng “cậu” thì mang về nhà đặt ở đầu giường, cưng nựng như con trẻ cho tới khi người vợ mang thai.

“Cả sớ lẫn ‘cậu’ giá 200.000 đồng. Tôi không lấy đắt đâu”, thầy đồ nói. Khi nghe khách hỏi cặn kẽ về dịch vụ, ông bỗng đổi ý “tôi chỉ bán tượng ‘cậu’ giá 50.000 đồng thôi, muốn viết sớ thì sang kia” rồi chỉ vào một ông đồ ngồi kế bên.

Ông Đỗ Ngọc Long, Phó chủ tịch phường Quảng An, cho biết dịch vụ viết sớ cầu an đã có nhiều năm, viết sớ cầu con thì mới xuất hiện. Hành động này bị cấm bởi trục lợi lòng tin của khách để kiếm tiền, nhưng chưa đến mức mê tín dị đoan. Phường đã xử lý 10 trường hợp, tịch thu biển và đuổi khỏi khuôn viên di tích.

Các bàn sớ bày dọc hai bên đường vào phủ Tây Hồ chiều mùng 6 Tết. Ảnh: Thái Mạc.
Các bàn sớ bày dọc hai bên đường vào phủ Tây Hồ chiều 30/1. Ảnh: Thái Mạc.

TS Nguyễn Văn Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian, nói một số nơi được tiếng linh thiêng nên những gia đình hiếm muộn tới cúng bái xin con gọi là con cầu tự. Hiện tượng này có từ lâu và tồn tại chủ yếu ở các nước vùng Á Đông. Nhưng việc viết sớ, cúng tế kèm theo hình nhân thì mới xuất hiện, là chuyện “vẽ rắn thêm chân” với mục đích kiếm tiền.

“Nếu chỉ cúng bái mà có con thì thành tựu khoa học, y tế vứt hết. Con nào cũng quý, nếu chỉ chăm chăm cầu con trai thì dân số dễ mất cân bằng giới tính”, ông Thịnh nói và cho rằng hành động mê tín này cần sớm dẹp bỏ.

Theo ông Thịnh, đi đền chùa đầu năm là nhu cầu phổ biến của người dân. Việc viết sớ cũng chỉ là một trình tự để khấn cầu mong những điều tốt đẹp. Nếu thành tâm thì ai cũng khấn được, còn những lá sớ in sẵn thì người viết cũng chưa chắc đã viết đúng và biết đọc.

Mỗi ông đồ có thể kiêm nhiệm nhiều loại sớ, từ cầu an, công danh đến duyên phận, con cái. Ảnh: Thái Mạc.
Mỗi ông đồ có thể kiêm nhiệm nhiều loại sớ, từ cầu an, công danh đến duyên phận, con cái. Ảnh: Thái Mạc.

Phủ Tây Hồ nằm trên bán đảo lớn của làng Nghi Tàm nhô ra giữa Hồ Tây, thờ bà chúa Liễu Hạnh, một trong những đại diện đạo Mẫu ở Việt Nam. Trong sáu ngày đầu năm, phủ đón hơn 60.000 lượt khách.

Thường khách thăm viếng qua rằm tháng giêng mới vãn. Các tuyến đường quanh phủ Tây Hồ như Quảng An, Xuân Diệu đều bị ùn tắc cục bộ. Cảnh sát phải đứng phân luồng, hướng dẫn giao thông.

Thái Mạc – Vnexpress