Việt Nam tăng ba bậc về quyền lực mềm toàn cầu

Việt Nam tăng ba bậc, lên vị trí thứ 47/100 trong bảng xếp hạng Chỉ số Quyền lực Mềm, dường như nhờ thành tựu chống Covid-19.

Bảng xếp hạng Chỉ số Quyền lực Mềm do tổ chức tư vấn Brand Finance của Anh thực hiện dựa vào ý kiến thăm dò từ 1.000 chuyên gia, bao gồm các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp, cùng 55.000 thành viên trong cộng đồng, nhằm xếp hạng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ về “khả năng ảnh hưởng thông qua nghệ thuật ngoại giao và thuyết phục”.

Các nước và vùng lãnh thổ được đánh giá dựa trên những tiêu chí như độ nhận diện, ảnh hưởng, uy tín toàn cầu, màn thể hiện trong các lĩnh vực chủ đạo như thương mại, quản trị, văn hóa và di sản, truyền thông, giáo dục và khoa học, con người và giá trị.

Người dân du xuân tại Hà Nội hôm 12/2. Ảnh: Giang Huy.
Người dân du xuân tại Hà Nội hôm 12/2. Ảnh: Giang Huy.

Điểm tổng thể của Việt Nam là 33,8/100, xếp trên một số quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines, Campuchia, Myanmar, và đứng sau Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Việt Nam là thành viên duy nhất của ASEAN được nâng hạng trong báo cáo năm nay của Brand Finance. Tại châu Á, Việt Nam là nước có tầm ảnh hưởng lớn thứ 9.

Về mức độ nhận diện, Việt Nam ghi được 5,3/10 điểm, trong khi uy tín toàn cầu và tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế lần lượt là 5,5 và 3,3 điểm.

Theo báo cáo của Brand Finance, dù không quá nổi bật trong các lĩnh vực thương mại, quan hệ quốc tế, truyền thông, giáo dục và khoa học, Việt Nam lại đạt thành tích rất ấn tượng trong nỗ lực chống Covid-19, với số ca nhiễm và chết vì đại dịch “thấp đáng kinh ngạc”.

Quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng lần này là Đức, sau đó là Nhật Bản và Anh. Trong khi đó, Mỹ, nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, rơi từ vị trí đầu bảng xuống thứ 6 do phản ứng yếu kém trước Covid-19.

Ánh Ngọc (Theo Brand Finance) – Vnexpress