“Tự do hàng hải ở Biển Đông là quyền và lợi ích của các quốc gia được quy định bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)”, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, nói trong họp báo chiều nay khi trả lời câu hỏi về thông tin tàu sân bay Sơn Đông mới được biên chế vào hải quân Trung Quốc sẽ chú trọng tuần tra ở Biển Đông thay vì huấn luyện như tàu Liêu Ninh.
Theo bà Hằng, việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh trật tự, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập trong trong UNCLOS là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế. “Mọi hoạt động của các bên cần đóng góp vào mục tiêu chung này”, người phát ngôn nhấn mạnh.
Tàu sân bay Sơn Đông thuộc lớp Type-001A, được Trung Quốc đưa vào biên chế tại căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam hôm 17/12/2019. Đây là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo dựa trên tàu Liêu Ninh. Giới chuyên gia quân sự cho rằng tàu sân bay này còn tồn tại nhiều điểm yếu về hệ thống động cơ, thiết kế cầu nhảy và dự trữ hành trình, khiến nó khó có khả năng hoạt động lâu dài trên biển.
Tiến sĩ Peter Layton, Đại học Griffith, Australia, khi trả lời VnExpress cho rằng việc cho tàu Sơn Đông hoạt động ở Biển Đông có thể là màn “khoe mẽ” của Trung Quốc. “Tàu sân bay này sẽ thường xuyên có các chuyến cập cảng trong khu vực và được quảng bá trên truyền thông Trung Quốc”, ông nói.
James Goldrick, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng, Đại học quốc gia Australia, cho rằng tàu Sơn Đông không phải là công cụ chính cho các kịch bản tác chiến của Trung Quốc trên Biển Đông, bởi nước này sở hữu các tàu chiến nhỏ phù hợp hơn. “Tôi cho rằng tàu sân bay này sẽ hoạt động và huấn luyện thường xuyên trên Biển Đông nhằm thể hiện sự hiện diện, nhưng vai trò chính trong dài hạn của nó nằm ở Ấn Độ Dương”, Goldrick nói.