Việt Nam lên tiếng về hoạt động của tàu Mỹ ở Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao kêu gọi các nước duy trì hòa bình Biển Đông sau khi tàu Mỹ thách thức yêu sách của Trung Quốc, áp sát Hoàng Sa và Trường Sa.

“Việt Nam mong muốn các nước tiếp tục đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở luật pháp quốc tế tại khu vực Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo trực tuyến chiều nay khi trả lời câu hỏi của về việc tàu chiến Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong tháng 2.

Bà Hằng cho biết duy trì hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông, phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo trực tuyến chiều 25/2. Ảnh: Vũ Anh.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo trực tuyến chiều 25/2. Ảnh: Vũ Anh.

“Hoạt động của tất cả quốc gia trên Biển Đông cần đóng góp vào mục tiêu chung này. Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là thành viên của UNCLOS, Việt Nam tuân thủ các quy định của công ước, kể cả các quy định liên quan đến hoạt động hàng hải và hàng không trên vùng biển được xác lập phù hợp với công ước”, bà Hằng nói thêm.

Tàu khu trục USS John S. McCain hôm 5/2 di chuyển qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đánh dấu lần đầu Mỹ thực hiện hoạt động này kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Khu trục hạm USS Russell hôm 17/2 cũng tiến hành chiến dịch tuần tra tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly hôm 8/2 đăng Twitter cho biết tàu ngầm tấn công hạt nhân Émeraude và tàu tiếp tế Seine đã tuần tra Biển Đông để “khẳng định luật pháp quốc tế là quy định duy nhất có hiệu lực, bất kể ở vùng biển nào mà chúng tôi đi qua”.

Mỹ nhiều lần phản đối các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực, cáo buộc nước này quân sự hóa Biển Đông và đe dọa các nước láng giềng như Việt Nam, Malaysia và Philippines. Mỹ gần đây điều tàu tới Biển Đông thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải thường xuyên hơn, nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định hoạt động của các tàu chiến Mỹ ở Biển Đông cho thấy chính quyền Biden sẽ không thu hẹp quy mô hoạt động thách thức yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, sau những chiến dịch tuần tra tự do hàng hải được tăng cường dưới thời chính quyền Trump.

Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Vũ Anh – Vnexpress