Victor Vũ từng khổ vì si tình

Victor Vũ, đạo diễn ‘Mắt biếc’ từng là người nhút nhát, mặc cảm, rất si tình và từng chịu đau khổ vì yêu đơn phương nên rất đồng cảm với nhân vật Ngạn. 
Đạo diễn Victor Vũ ở buổi ra mắt phim Mắt biếc tại Hà Nội.
Đạo diễn Victor Vũ ở buổi ra mắt phim ‘Mắt biếc’ tại Hà Nội.

– Tại sao anh lựa chọn truyện dài ‘Mắt biếc’ của Nguyễn Nhật Ánh để chuyển thể thành phim? 

Mắt biếc là tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh mà tôi yêu thích nhất nhưng đối với tôi, chuyển thể nó thành phim cũng là thử thách lớn nhất. Tôi đã ấp ủ chuyện đưa Mắt biếc lên phim từ 4-5 năm trước nhưng vì thấy khó quá nên đã buông một thời gian rồi mới bắt đầu lại.

Tôi rất đồng cảm với Ngạn. Thời cấp 3, tôi cũng rất nhút nhát và không hiểu vì đâu mà có mặc cảm rất lớn. Đến năm 21 tuổi, tôi mới có bạn gái đầu tiên dù trước đó rất nhiều cô gái có cảm tình với mình nhưng tôi không biết làm thế nào để thể hiện tình cảm của bản thân. 

– Ngạn rất si tình còn anh thì sao?

– Tôi ngày xưa chắc chắn là một người rất si tình. Tuy nhiên, si tình cũng có những nỗi khổ riêng nên sau một thời gian, tôi phải vượt qua nó.

Đạo diễn Victor Vũ ở buổi ra mắt phim Mắt biếc tại Hà Nội.
Đạo diễn Victor Vũ ở buổi ra mắt phim ‘Mắt biếc’ tại Hà Nội.

– Biến cố nào khiến anh vượt qua được nỗi khổ của sự si tình? 

– Sau khi có nhiều bạn gái thì mình phải vượt qua thôi (cười).

– Thế còn chuyện yêu đơn phương?

– Chắc chắn là tôi có rồi (cười). Tôi tin rằng nhiều người cũng từng trải qua những điều đau buồn như thế và nhìn thấy bản thân trong những trang sách khi đọc Mắt biếc.

– Sau thành công của ‘Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh’, anh tiếp tục đưa một truyện dài khác của Nguyễn Nhật Ánh lên phim. Yếu tố doanh thu có liên quan gì đến quyết định ấy?

– Tôi chưa bao giờ nghĩ Mắt biếc là lựa chọn an toàn. Đây là câu chuyện tình cảm, lãng mạn hết sức nhẹ nhàng, không cao trào cũng chẳng kịch tính lắm nên tôi chưa bao giờ nghĩ nó sẽ là tấm vé đảm bảo về mặt doanh thu. Tôi chọn tác phẩm này vì quá yêu thích nó và tin rằng nhiều người sẽ đồng cảm với câu chuyện trong phim. 

– Phim của anh và truyện của Nguyễn Nhật Ánh có nhiều khác biệt. Anh đã thuyết phục nhà văn thế nào khi thay đổi một số chi tiết khi chuyển thể?

– Khi trao đổi với nhau, anh Nguyễn Nhật Ánh và tôi đều có quan điểm rằng điện ảnh và văn học rất khác nhau. Mỗi tác phẩm sẽ có đời sống riêng của mình và cần có sự sáng tạo riêng. Anh ấy để tôi thoải mái sáng tạo khi xây dựng kịch bản với điều kiện giữ được tinh thần của câu chuyện gốc. Tôi có sự sáng tạo trong việc xây dựng nhân vật, đường dây tâm lý nhưng cũng có những giới hạn nhất định vì nguyên tác đã quá hay rồi.

Từ khi có ý tưởng đến khi thực hiện dự án này, tôi và anh Nguyễn Nhật Ánh chỉ gặp nhau đúng hai lần. Chúng tôi đã trao đổi với nhau rất nhiều. Nhờ vậy, tôi nắm được ý của anh ấy và anh ấy cũng nắm được tinh thần mà tôi muốn chuyển tải khi đưa Mắt biếc lên phim. Qua hai buổi trò chuyện ấy, tôi mới đủ tự tin để tiến hành bộ phim này.

Victor Vũ tại phim trường Mắt biếc ở Huế.
Victor Vũ tại phim trường ‘Mắt biếc’ ở Huế.

– Anh và tác giả đối diện với những bất đồng ý kiến thế nào khi trao đổi với nhau?

– Giữa chúng tôi không có sự tranh cãi nào cả. Từ khi giao tác phẩm cho tôi, anh Nguyễn Nhật Ánh không can thiệp quá nhiều vào các khâu thực hiện bộ phim, từ xây dựng kịch bản đến êkíp hay cách sản xuất. Anh ấy tạo ra một không gian thoải mái và tôi cảm thấy mình rất may mắn vì điều đó. 

– Anh muốn truyền tải thông điệp gì khi tạo nên Hồng, một nhân vật hoàn toàn không có trong nguyên tác?

– Tôi không muốn bàn quá nhiều về Hồng vì muốn để khán giả xem phim rồi tự cảm nhận. Đó là nhân vật tạo sự bất ngờ cho câu chuyện. 

– Anh đã casting như thế nào để chọn ra Trần Nghĩa và Trúc Anh, hai diễn viên thể hiện vai Ngạn và Hà Lan trong phim?

– Trần Nghĩa là người cuối cùng tôi chọn khi casting. Thực sự là tôi đã loại Nghĩa ngay từ vòng đầu đơn giản vì hình của cậu ấy không phù hợp. Nghĩ lại, tôi vẫn thấy tội cho Nghĩa (cười).

Sau khi thử rất nhiều người và không chọn được ai, tôi ngồi xem đi xem lại ảnh của các ứng viên mà mình đã bỏ qua và bỗng nhiên để mắt đến tấm hình của Trần Nghĩa một lần nữa. Lúc ấy, tôi vẫn bảo đây không phải là một tấm hình tốt và đây chỉ là phương án “có thể” mà thôi. Tôi yêu cầu bộ phận casting chụp lại hình cho Nghĩa và khi xem hình mới, tôi phải thốt lên rằng đây là người mà mình buộc phải gặp. Ngày Nghĩa bước vô buổi casting trong bộ quần áo học trò, tôi đã biết mình tìm được Ngạn rồi. Không chỉ ngoại hình, Nghĩa khi nói chuyện cũng rất giống Ngạn. Cậu ấy thể hiện được rất nhiều cảm xúc qua đôi mắt biếc của mình. Tôi nghĩ rằng tìm được Nghĩa là một may mắn với mình.

Trúc Anh trong tấm hình gửi đến casting không đẹp như bây giờ đâu và có thể nói các bức ảnh đã “hại” diễn viên rất nhiều (cười). Ban đầu, cô ấy được nhắm cho vai Trà Long vì có gương mặt rất trong sáng, hồn nhiên. Tuy nhiên, khi casting chung với Trần Nghĩa, tôi nhìn thấy cái duyên giữa hai người có thể thuyết phục được khán giả nên mới chuyển sang thử Trúc Anh cho vai Hà Lan. Trúc Anh có sự trầm tính, trưởng thành hơn so với tuổi thật. Đó cũng là điểm tựa để bạn ấy thể hiện được nhân vật Hà Lan ở tuổi ngoài 30. 

– Anh cảm thấy thế nào trước khi phim ra mắt?

– Áp lực rất khủng khiếp vì đây không chỉ là tác phẩm rất nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà việc đưa những diễn biến nội tâm của các nhân vật lên phim cũng là điều khó khăn. Mắt biếc như hình ảnh quá khứ của rất nhiều người với biết bao nhiêu kỳ vọng trước khi đến rạp. Đây là tác phẩm khó nhất trong sự nghiệp của tôi. Biết rằng đi sâu vào nội tâm của nhân vật không phải sở trường càng khiến tôi quyết tâm hơn để bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân.

Trước khi phim ra mắt một tuần, tôi rất căng thẳng, áp lực vì sự kỳ vọng của khán giả quá lớn. Tôi thậm chí đã chuẩn bị tinh thần trước cho những chê bai khi phim ra mắt. Sau 2 buổi công chiếu, tôi mới thấy nhẹ người vì phim nhận phản hồi rất tích cực

Trần Nghĩa, Trúc Anh trong vai Ngạn và Hà Lan.
Trần Nghĩa, Trúc Anh trong vai Ngạn và Hà Lan.

– Trong những phản hồi của khán giả về bộ phim, anh thấy có gì thú vị?

– Tôi rất bất ngờ khi khán giả tâm sự rất dài trên Facebook về bộ phim này. Gần như ai cũng tâm huyết, viết dài đến mấy trang giấy lận. Tôi rất xúc động khi đọc được những bài viết như thế. Tôi thấy tất cả các nhân vật trong phim đều đáng thương và khán giả thực tế không chỉ đồng cảm với Ngạn mà cả Hà Lan lẫn Trà Long hay Hồng.

– Nhiều người nói xã hội bây giờ chẳng còn ai như Ngạn nữa, anh thấy sao?

– Ngạn là trường hợp rất đặc biệt nhưng không có nghĩa là trên đời này không tồn tại những người như vậy. Để giải thích về những gì Ngạn suy nghĩ, có thể hiểu rằng những gì không chạm đến được càng khiến người ta quý trọng và khát khao hơn. Tình yêu của Ngạn với Hà Lan rất lớn lao, không đơn thuần chỉ là tình cảm trai gái mà còn bao hàm cả tình yêu quê hương. Ngạn nhớ đến Hà Lan là nhớ đến tuổi thơ đã qua và luôn muốn quay về nơi ấy.

Chi Anh – Ngoisao.net