Vì sao thế giới cũng sục sôi vì biểu tình ở Mỹ?

Biểu tình ở Mỹ làm dấy lên giận dữ về tình trạng phân biệt đối xử và phân cực chính trị, thúc đẩy người dân nhiều nước xuống đường.

Giữa lúc các cuộc biểu tình chống lại sự bạo lực của cảnh sát và nạn phân biệt chủng tộc làm rung chuyển hàng chục thành phố Mỹ, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói về cuộc khủng hoảng này với giọng điệu thường được dùng khi đề cập tới những xung đột nan giải trên thế giới.

“Chúng tôi muốn thấy tất cả vấn đề căng thẳng đó xuống thang và người Mỹ đoàn kết lại”, ông phát biểu hôm 31/5.

Ngoại trưởng Anh không phải người duy nhất thể hiện thái độ như vậy. Một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cũng gửi thông cáo bất thường về tình hình ở Mỹ cho báo giới, bày tỏ hy vọng “tất cả vấn đề” liên quan đến các cuộc biểu tình “sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng và hoàn toàn tôn trọng thượng tôn pháp luật, cũng như nhân quyền”.

Đám đông tuần hành trong cuộc biểu tình vì quyền lợi của người da màu tại Sydney, Australia hôm 2/6. Ảnh: AAP.
Đám đông tuần hành trong cuộc biểu tình vì quyền lợi của người da màu tại Sydney, Australia hôm 2/6. Ảnh: AAP.

Theo bình luận viên Ishaan Tharoor của Washington Post, tình trạng bất ổn ở Mỹ thu hút sự chú ý toàn cầu vì cả những lý do cũ và mới. Đối với một số người dân trên thế giới thỉnh thoảng mới tìm hiểu về nội bộ nước Mỹ, diễn biến kịch tính tại siêu cường số một khá mới mẻ và khơi gợi sự tò mò.

Tuy nhiên, sự việc còn được nhiều người theo dõi bởi phong trào chống bạo lực chủng tộc, cũng như phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số, vốn tồn tại lâu nay.

Những video lan truyền trên mạng xã hội khắp thế giới, quay cảnh người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát da trắng ghì chết cùng các cuộc biểu tình sau đó, như “đổ dầu” vào lửa thịnh nộ, thúc đẩy người dân tại nhiều nước một lần nữa đứng lên đấu tranh vì những vấn đề quen thuộc.

Tại Australia, nơi các cuộc biểu tình diễn ra trong tuần này, biến động ở Mỹ đã làm sống dậy sự tức giận trước những hành động chống lại cộng đồng người bản địa của cảnh sát, cũng như ký ức về sự cố năm 2015, khi David Dungay Jr., thổ dân 26 tuổi, chết trong lúc bị cảnh sát Australia giam.

“Chúng tôi phẫn nộ vì sự việc đang xảy ra ở Minneapolis, nhưng những người tại Australia cũng cần cùng nhau đứng lên, bởi họ thực sự có thể nhìn thấy tình trạng phân biệt chủng tộc và bất công với người dân chúng tôi”, Paul Francis-Silva, cháu trai của Dungay, trả lời phỏng vấn ABC News.

Tình huống tương tự diễn ra tại Pháp, khi vụ George Floyd gợi lại ký ức về một sự cố năm 2016. Adama Traore, thanh niên 24 tuổi người da màu sống tại vùng ngoại ô Paris, chết ngạt sau khi bị cảnh sát giam. Cái chết của Traore châm ngòi cho phong trào “Mạng sống người da màu cũng quan trọng” tại Pháp khi đó.

Hàng nghìn người tại Paris hôm qua quỳ gối và giơ nắm đấm trên đường phố nhằm bày tỏ sự tôn trọng với Floyd và Traore. Cuộc biều tình hầu như ôn hòa, nhưng đụng độ vẫn lác đác, khiến cảnh sát chống bạo động phải dùng hơi cay giải tán đám đông. Lính cứu hỏa cũng nỗ lực dập tắt nhiều đám cháy trên đường.

“Làm sao có thể không nhớ về nỗi đau khủng khiếp mà Adama từng chịu đựng khi bị ba cảnh sát khống chế, rồi liên tục kêu lên ‘Tôi không thể thở’”, một nhóm ủng hộ Traore viết trên Facebook tuần trước. “Tên của anh ấy là George Floyd. Cũng giống như Adama, anh ấy chết chỉ vì là người da màu”.

Cảm giác bức xúc và sự đoàn kết cũng khơi dậy các cuộc biểu tình tại Toronto, Berlin, London và nhiều thành phố phương Tây khác. “Người dân khắp thế giới hiểu rằng cuộc đấu tranh của riêng họ vì nhân quyền, bình đẳng và công bằng, sẽ khó thắng hơn rất nhiều nếu Mỹ không còn là nơi có thể biến giấc mơ thành hiện thực”, Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức tại Washington, giải thích.

“Hãy hy vọng các cuộc biểu tình toàn cầu sẽ giúp Washington nhớ lại rằng quyền lực mềm của họ là một tài sản độc nhất, khiến Mỹ khác biệt so với những cường quốc khác như Trung Quốc, Nga, thậm chí cả châu Âu. Bi kịch sẽ xảy ra nếu chính quyền Trump rời bỏ vị trí lãnh đạo tinh thần của Mỹ, thay vì tận dụng cơ hội lớn này”, ông nói thêm.

Cảnh sát bắn hơi cay vào một cuộc biểu tình trái phép trước tòa án ở Paris, Pháp, hôm 2/6. Ảnh: Reuters.
Cảnh sát bắn hơi cay vào một cuộc biểu tình trái phép trước tòa án ở Paris, Pháp, hôm 2/6. Ảnh: Reuters.

Phản ứng toàn cầu còn được cho là xuất phát từ mâu thuẫn lâu nay giữa phe cánh tả và sự áp đặt quyền lực của Mỹ. Tâm lý này ngày càng gia tăng do sự ác cảm rộng rãi với Trump.

“Một phần của phản ứng là do chủ nghĩa bài Mỹ, một phần khác bởi tình trạng bất công trắng trợn”, Marcel Dirsus, chuyên gia tại Viện Chính sách An ninh thuộc Đại học Kiel, Đức, đề cập tới các cuộc biểu tình tại Berlin.

“Họ biểu tình cũng vì Trump, người mà công chúng Đức không hề ưa, đến mức nhiều người ghét lây cả Mỹ. Tôi nghĩ nhiều người từng cho rằng Mỹ đã chạm đáy trong những năm qua, nhưng sau đó Trump đã chứng minh họ sai với cách xử lý Covid-19 và làn sóng biểu tình”, Dirsus nhận định.

Theo bình luận viên Tharoor, thực tế là chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Trump càng thúc đẩy chia rẽ vốn đang gia tăng tại các quốc gia khác. “Tổng thống Mỹ rõ ràng có chung động cơ với phong trào cánh hữu ở châu Âu. Sự căm ghét nước Mỹ dưới thời Trump cũng có thể trở thành động lực cho những bất bình trong nước”, Tharoor nói.

“Chủ nghĩa Trump là một phần quan trọng dẫn đến phong trào xuyên quốc gia rộng lớn hơn. Sự phân cực chính trị tại Mỹ hiện nay tương tự tình hình chính trị ở những nơi khác”, nhà khoa học chính trị Daniel Nexon tại Đại học Georgetown cho hay.

Mặc dù vậy, các cuộc biểu tình trên thế giới cũng có thể chứng minh sự ngưỡng mộ lâu bền với nước Mỹ. “Những cuộc tuần hành dường như thể hiện lý tưởng về một nước Mỹ tốt đẹp vẫn có sức hấp dẫn tại châu Âu như thế nào”, nhà báo người Anh Ben Judah nhận xét.

Ánh Ngọc (Theo Washington Post) – Vnexpress