Vì sao phiên dịch viên cho H’Hen Niê lúng túng tại Miss Universe?

Nhiều người chỉ trích phiên dịch viên của H’Hen Niê, nhưng phong trào MeToo và cụm từ “Politically Correct” trong câu hỏi rất khó diễn giải trong thời gian ngắn.

Là nhà sản xuất kiêm người dẫn chương trình The Quoc Khanh Show, MC song ngữ các sự kiện về kinh doanh, khởi nghiệp, anh Trần Quốc Khánh đã phân tích về tình huống phiên dịch phần thi ứng xử cho H’Hen Niê ở Miss Universe 2018..

Phần trả lời phỏng vấn của H’Hen Niê tại Miss Universe là một trường hợp thú vị để học tiếng Anh. Nhiều ý kiến chỉ trích cô phiên dịch viên Trà My, nhưng mình nghĩ lỗi không phải ở My, hay H’Hen, mà là ở Ban tổ chức. Họ buộc thí sinh sử dụng người phiên dịch do họ chỉ định, chứ không được dùng người nhà. Trường hợp này, họ chỉ định một người gốc Việt, có thể đoán được qua cách My nói tiếng Việt.

Việc hiểu một ngôn ngữ so với việc làm phiên dịch chuyên nghiệp là hai chuyện rất khác nhau. Rất nhiều bạn giỏi tiếng Anh, nhưng kêu lên phiên dịch thì không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Vì ngoài việc hiểu tiếng Việt, bạn còn phải giỏi trong diễn đạt tiếng Việt và phải có kiến thức về xã hội để thấu hiểu ngữ cảnh và giải thích rõ các ý nghĩa của câu nói.

Nguyên văn phần hỏi đáp của H’Hen Niê:

Question: The #MeToo movement has sparked a global conversation. In response, some have said the world has become too politically correct? Do you think the #MeToo movement has gone too far?

Answer: I don’t think that it has gone too far. Protecting women and women’s right are the right things to do. Women need protections and rights.

Trong câu hỏi của Ban tổ chức có một cụm từ rất thú vị mà cũng rất khó là Politically Correct (PC). Làm nghề phiên dịch gần 10 năm, cũng may mình chưa gặp bài phát biểu nào có từ này, không thì cũng bí. Mình nghe người Mỹ nói nhiều mà chưa có dịp dịch nó ra tiếng Việt. “Đúng đắn chính trị” thì chỉ là dịch theo từng từ chứ nguyên cụm thì sai nghĩa, càng làm người nghe rối hơn. Theo một vài định nghĩa phổ biến bằng tiếng Anh thì PC thường được hiểu như sau:

The term political correctness (adjectivally: politically correct; commonly abbreviated PC) is used to describe language, policies, or measures that are intended to avoid offense or disadvantage to members of particular groups in society, mostly related to race or sex.

Hoặc ngắn gọn:

A politically correct word or expression is used instead of another one to avoid being offensive.

Tóm lại, nếu dịch PC theo ý nghĩa của nó bằng tiếng Anh thì PC được sử dụng để mô tả ngôn ngữ, cách biểu đạt, những chính sách, hoặc hành động nhằm tránh gây tổn thương, xúc phạm một nhóm người nào đó trong xã hội, thường liên quan đến giới tính hoặc chủng tộc.

Với ý nghĩa vậy, thật khó để có một từ tiếng Việt tương đương. Chị My phiên dịch viên dù có thể hiểu ý nghĩa của PC nhưng trong một thời gian ngắn chắc cũng khó diễn giải hết cho H’Hen.

Trong một số cuộc thảo luận công cộng và trên các phương tiện truyền thông, cụm PC thường được sử dụng với nghĩa xấu, ám chỉ các chính sách quá đáng, thể hiện sự biến tướng của phong trào.

Vậy có thể dịch PC như thế nào sang tiếng Việt một cách ngắn gọn và dễ hiểu? Trong các phiên bản chuyển ngữ, mình thích nhất cách dịch của blogger Trần Hữu Thục. Ông gọi PC là “phát ngôn/hành động thận trọng” hay “phát ngôn/hành động phải đạo”. Một người bạn của mình dùng cách dịch “phát ngôn/hành động chuẩn mực” cũng hay.

Sở dĩ như vậy vì PC mô tả lối phát ngôn thận trọng của bất cứ một ai khi truyền đạt đến công chúng, cố tránh dùng ngôn ngữ hay cử chỉ có thể bị xem là xúc phạm, kỳ thị hay có vẻ chỉ trích một nhóm người đặc thù nào đó trong xã hội, nhất là khi liên quan đến chủng tộc hoặc giới tính. Vì một số phát ngôn nào đó khiến người nghe có những suy diễn bất lợi về xu hướng hay lập trường của diễn giả, cho nên đối với những vấn đề nhạy cảm, diễn giả tìm cách thay đổi cách nói để tránh những suy diễn này. Đó là PC. Tại sao? Vì những suy diễn bất lợi thường có xu hướng gia tăng và biến thành một vụ tai tiếng.

Cũng có thể, việc phát ngôn phải đạo này thường cần thiết ở một chính trị gia khi diễn thuyết, nên từ đó mới có chữ Politically trong cụm PC. Đây chỉ là suy đoán của cá nhân.

Một vài ví dụ về PC từng gây tranh cãi ở Mỹ:

– Một trường học cấm gọi sinh viên năm nhất là freshman mà phải gọi là first-year student.

– Không gọi người chậm phát triển là “he is retarded” mà phải nói là “he is developmentally delayed”.

– Không gọi lính cứu hỏa là fireman, mà phải gọi là firefighter.

– Người nuôi chó không được nói là “own a dog”, phải gọi là “pet guardian”.

Nói chung, phát ngôn phải đạo là lựa chọn từ ngữ sao cho tránh gây hiểu lầm và tổn thương. Công chúng Mỹ thỉnh thoảng vẫn tranh cãi “Is this society becoming too politically correct?”, đại loại là “Liệu xã hội chúng ta đang bị áp lực quá mức về phát ngôn phải đạo?”

Tổng thống Mỹ Donald Trump là một điển hình của trường phái chống PC. Phát ngôn của ông thường xuyên được liệt vào dạng Politically Incorrect. Phe anti-PC cho rằng, nếu cái gì cũng PC hết thì riết chúng ta sẽ dễ trở thành kẻ đạo đức giả, dùng lời hoa mỹ, né tránh, không đi thật bản chất của vấn đề. Bởi sự thật thường mất lòng, gây tổn thương, nên nói cái gì mà tránh tổn thương thì có khi là nói không thật. Đây là cuộc tranh cãi bất tận của nhiều người Mỹ.

Quay trở lại câu hỏi của H’Hen Niê. Nếu là mình, dịch một cách thoáng nghĩa, có thể hỏi như sau, vừa để giải thích thêm cho Nie.

Question: The #MeToo movement has sparked a global conversation. In response, some have said the world has become too politically correct? Do you think the #MeToo movement has gone too far?

Dịch: Phong trào #MeToo, một phong trào chống bạo lực tình dục đã tạo nên nhiều tranh luận trên khắp thế giới trong suốt năm qua. Đây là một hành động đúng đắn mà các nạn nhân cần thực hiện để đưa thủ phạm ra ánh sáng. Nhưng một số người cho rằng, phong trào này có những lúc bị biến tướng. Trong một số trường hợp, chữ MeToo bị lạm dụng quá mức, gây ra nhiều hệ luỵ cho cả nạn nhân và người bị tố cáo. Có cảm giác như thế giới đang ủng hộ hành động đúng đắn này quá mức cần thiết. Em có nghĩ rằng phong trào này đang đi quá xa?

Tham khảo một số bạn bè, mình biết thêm một số cách dịch hay: “Thế giới này đang trở nên nhạy cảm thái quá với phong trào Metoo?”, “Phong trào này có vẻ như đang bị thổi phồng quá mức?”, “Một số người cho rằng, thế giới này đã trở nên quá sợ đụng chạm. Em có nghĩ rằng phong trào này đã đi quá xa?”.

Trường hợp này, mình nghĩ người dịch không chỉ chuyển ngữ thoáng nghĩa mà nên giải thích thêm càng nhiều càng tốt để H’Hen hiểu bối cảnh. Thật khó cho vài phút trên sân khấu, nên không thể trách cô Trà My. Câu hỏi này nếu xét theo bối cảnh Mỹ thì thật ra rất khó trả lời. Bởi chữ gone too far – đi quá xa ở đây liên quan đến những vấn đề sau.

Thứ nhất, một số phong trào phản kháng khác về bất công tiền lương, phân biệt giới tính, lạm dụng quyền lực, phân biệt đối xử… đang theo trend của #MeToo để tổ chức các cuộc biểu tình. Thứ hai, ít nhiều #Metoo đang bị lạm dụng quá mức. Vẫn có những trường hợp tố cáo sai sự thật để nổi tiếng hoặc vì nhiều mục đích khác chưa rõ ràng. Việc điều tra các cáo buộc tố cáo đôi khi chưa công minh và gây nhiều hệ luỵ cho người bị tố cáo.

Phong trào #Metoo trở nên nổi tiếng vào tháng 10/2017 sau khi diễn viên Alyssa Milano kêu gọi trên Twitter ai từng bị tấn công tình dục thì type vào #Metoo. Lời kêu gọi này đến sau bài báo điều tra hành vi của ông trùm phim ảnh Harvey Weinstein. Sau cái tweet đó, hàng loạt cô đào nổi tiếng đứng lên #Metoo để khui nhiều đại gia ra ánh sáng.

Nhưng ít ai biết phong trào Metoo đã được sáng lập từ 10 năm trước đó bởi một người phụ nữ da màu tên Tarana Burke. Cô khởi xướng phong trào này để ủng hộ những người phụ nữ là nạn nhân của xâm hại tình dục, đặc biệt là phụ nữ da màu, xuất thân nhà nghèo, thuộc tầng lớp bị phân biệt đối xử. Chính Burke cũng cảm thấy #MeToo đang đi quá xa với mục đích vốn có ban đầu của cô. Nó đang bị ồn ào và đôi khi bị lạm dụng vì nhiều mục đích.

Theo Burke, #Metoo không chỉ là việc khuyến khích nạn nhân lên tiếng mà còn phải giúp nạn nhân chuẩn bị cho những gì sau đó. Lên tiếng xong rồi hậu quả sẽ ra sao? Nếu họ chưa sẵn sàng lên tiếng thì phải làm gì giúp họ? Đó là cả một quá trình về tâm lý và những hành động trợ giúp hết sức bí mật và riêng tư. #Metoo không đơn thuần chỉ là lên tiếng rồi thôi.

Một số ý kiến còn cho rằng, ngay chính Burke, vì là người da màu, nên phong trào Metoo của cô khởi xướng không được chú ý nhiều bằng cái tweet của cô diễn viên da trắng! Cô làm 10 năm nay ít ai biết, chỉ đến khi Alyssa lên tiếng thì bà con mới hưởng ứng theo! Đây là sự thật đau lòng bởi có những trường hợp tố cáo của phụ nữ da màu bị quên lãng.

Dù gì đi nữa, #MeToo là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Và những vấn đề liên quan đến nó trong bối cảnh nước Mỹ thật sự rất nhức đầu. Ở Việt Nam, trong năm qua cũng có một vài trường hợp, nhưng theo mình nó chưa đủ để gọi là đi quá xa. Do đó, H’Hen Niê trả lời như vậy là tương đối an toàn. Dù rằng nếu hiểu rõ ngữ cảnh của câu hỏi nhiều hơn thì H’Hen Niê có thể phân tích thêm, ghi điểm với Ban tổ chức.

Lẽ ra Ban tổ chức bố trí một người phiên dịch giỏi cả Anh lẫn Việt, am hiểu các vấn đề xã hội như anh Anh Phạm từng dịch cho Obama, hoặc cho H’Hen sử dụng người phiên dịch riêng.

Trần Quốc Khánh (VnExpress)

Để lại một bình luận