Vì sao không nên trồng phượng trong sân trường?

Phượng vĩ sinh trưởng nhanh, thân và cành rất mềm, dễ mục ruỗng. Khi trồng trong sân trường, cây bị bao quanh bởi sân bê tông, càng dễ thối rễ.

Ngày 26/5, cây phượng cổ thụ trong sân trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP HCM bất ngờ bật gốc, đè 18 học sinh lớp 6 khiến một em tử vong. Ngày 28/5, cây phượng cao 10 m, đường kính gốc khoảng một mét cũng bật gốc và đổ xuống sân trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk. Cả hai cây phượng bị đổ để lộ phần gốc mục ruỗng.

PGS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Đại học Lâm nghiệp), cho rằng những sự cố trên bắt nguồn từ việc lựa chọn cây và cách thiết kế, xây bồn bảo vệ cây không đúng. Cây phượng lớn nhanh, cho bóng mát, nở hoa đẹp vào đầu hè, lại gắn liền với học trò, đi vào thơ ca nên nhiều trường lựa chọn loài cây này để trồng trong khuôn viên. Tuy nhiên, nó không phải cây an toàn để trồng lâu năm trong trường học.

Vì sinh trưởng nhanh, thân và cành phượng rất mềm, dễ bị mục ruỗng. Đặc biệt, rễ cây phượng ăn nổi, dễ bị hỏng khi trồng và bảo vệ không đúng cách. Vì vậy, chỉ khoảng 30 năm, cây thường có vấn đề về gốc rễ. “Nhiều khi không cần mưa bão, cây cũng dễ dàng bật gốc bởi bộ rễ bị hỏng quá nhiều”, ông Hà nói.

Cây phượng đổ trong trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên hôm 28/5. Ảnh: Ngọc Oanh.
Cây phượng đổ trong trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên hôm 28/5. Ảnh: Ngọc Oanh.

Quan sát việc trồng cây của các trường học hiện nay, ông Hà nhận thấy hai bất cập. Một là nhà trường mới xây dựng, chọn cây phượng trồng ở sân trường nhưng mua giống cây đã to, đường kính 25-30 cm. Những cây này đã bị chặt cành to và rễ cái nên sau 5-10 năm, cây bị mục hết.

Hai là với các trường có lịch sử 30-40 năm, mấy năm gần đây thực hiện xã hội hóa, trường cải tạo khuôn viên, trong đó có hạng mục đổ bê tông, lát gạch vào sát gốc cây để làm đẹp cảnh quan. “Rễ cây phượng ăn nổi mà đổ lớp bê tông dày 15-20 cm rồi lại lát gạch ở trên thì làm sao hô hấp được. Khi đó, cây sẽ chết dần”, ông Hà phân tích.

Không những vậy, nhiều trường còn xây bồn xung quanh gốc phượng vừa để làm gọn xung quanh gốc cây, vừa tạo chỗ ngồi cho học sinh. Các bồn xây bằng gạch hoặc bê tông, cao 40-45 cm, sau đó trường lại đổ lớp đất dày vào trong bồn. Đất càng dày thì rễ càng khó hô hấp và dần dần cũng hỏng, chỉ còn rễ tơ, rễ con. Khi học sinh nô đùa, chạy quanh gốc cây, phần đất càng được nén xuống chặt, bộ rễ càng nhanh hỏng. Nhìn phía trên cây vẫn xanh tươi nhưng thực tế phần gốc rễ không còn sự sống.

Ông Hà so sánh việc bảo vệ cây sai cách như trên không khác những nơi có cây được công nhận là di sản, bà con làng xóm huy động con cháu đóng góp tiền xây bồn cao chót vót, đổ cả tạ phân vào gốc khiến cây chết.

Chuyên gia này cho rằng nếu vẫn muốn trồng phượng trong trường học, nhà trường phải theo dõi thường xuyên từ khi cây còn nhỏ, khi trồng phải chống đỡ, cắt tỉa tán để tạo thế cân đối. Mùa mưa bão, trường phải cắt bớt cành yếu để đảm bảo an toàn.

Ngoài phượng, ông Hà chỉ ra một số loài cây không nên trồng trong trường học như cây bàng đỏ. Đây là loài cây thường thấy trong các nhà trường và cũng rất dẻo dai. Tuy nhiên, cây này có phần rễ ăn nổi, học sinh nô đùa dễ vấp ngã. Đặc biệt vào mùa hè, cây có nhiều sâu róm dễ khiến học sinh bị dị ứng.

Hay như ở Nghệ An, năm 2017 nhiều trường học trồng cây ngô đồng do tán rộng, cho bóng mát tốt. Tuy nhiên, các trường đã phải trả giá đắt khi nhiều học sinh bị ngộ độc do nhặt quả cây ăn. Ông Hà cho hay loại cây này phải cấm trồng bởi cành rất giòn, dễ gãy, quả rất độc.

PGS Đặng Văn Hà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
PGS Đặng Văn Hà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Để thay thế cho các loại cây trên, ông Hà gợi ý một số cây khác tạo bóng mát, thân cành dẻo dai, hoa đẹp, phù hợp trồng trong trường học, như: hoa ngọc lan, vàng anh, bàng lá nhỏ, long não, sao đen, bằng lăng nước, sấu, muồng hoàng yến, lộc vừng hay giáng hương. Một số loài đặc trưng vùng miền cũng có thể trồng trong trường. “Khâu chọn cây quan trọng hàng đầu nên nhà trường cần chú trọng, tham khảo ý kiến chuyên gia nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh”, ông Hà nói.

Sau khi đã chọn được loài cây phù hợp, nhà trường phải có cách bảo vệ cây đúng thay vì đua nhau xây bồn rất cao bằng bê tông như hiện nay. Nếu chỉ xây bồn để bảo vệ cây, các trường có thể xây thấp, chỉ khoảng 7-10 cm, bên trong xếp sỏi xung quanh gốc cây để vừa sạch, vừa bảo vệ cây khi học sinh chạy qua.

Những trường có ý định tận dụng khu vực quanh gốc cây làm nơi ngồi thư giãn, học bài của học sinh, có nhiều cách thiết kế, ví dụ lắp đặt ghế bằng sắt vây xung quanh. Học sinh vừa có thể ngồi, cảnh quan lại đẹp và cây vẫn được bảo vệ, chi phí thậm chí rẻ hơn so với xây bồn bằng gạch và bê tông.

Về việc chăm sóc, theo ông Hà, với những cây lấy bóng mát, nhà trường không nhất thiết phải năm nào cũng kiểm tra vì khi cây đã trưởng thành ổn định, sự phát triển cành nhánh không mạnh lắm. Tuy nhiên, trường vẫn phải theo dõi thường xuyên xem việc ra hoa, ra quả hay thay lá của cây có theo đúng quy luật thời tiết bình thường không. Nếu có hiện tượng cây rụng lá sớm, gốc rễ có thể có vấn đề hoặc thân đã bị sâu mục bên trong.

Sân trường THCS Nghĩa Tân Hà Nội trồng nhiều cây nhỏ như xoài. Ảnh: Dương Tâm.
Sân trường THCS Nghĩa Tân Hà Nội trồng nhiều cây nhỏ như xoài. Ảnh: Dương Tâm.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Nhà sáng lập – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia, cũng cho rằng quá trình trồng cây không đúng tiêu chuẩn cùng với độ già của cây dẫn đến việc cây phượng ở trường THCS Bạch Đằng đổ.

Theo bà Hằng, nhà trường cần nhờ chuyên gia về cây xanh tư vấn để chọn loài cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khuôn viên trường và nhu cầu nhà trường. “Có những loài cây cho bóng mát, hoa đẹp, phát triển nhanh nhưng tuổi thọ lại ngắn. Có những loài cho bóng mát, không nhiều hoa, chậm phát triển hơn nhưng tuổi thọ cao và vững chắc”, bà Hằng nói.

Khi trồng cây, các trường cần lưu ý kỹ thuật, đào hố đủ to, đủ sâu giúp cho bộ rễ phát triển sâu rộng, bám vững vàng vào đất. Kích thước cây đem trồng cũng cần lưu ý. Những cây đã to với đường kính thân lên 20-30 cm, khi đem trồng sẽ nhanh tạo bóng mát, nhưng rễ không bám sâu vào lòng đất dẫn đến dễ bị đổ hơn so với trồng cây nhỏ.

Trong khâu chăm sóc, các trường phải rà soát, kiểm tra định kỳ hàng năm, đặc biệt là trước mùa mưa bão; chặt tỉa cành, đánh giá mức độ mục ruỗng, độ tuổi của cây, khả năng gãy đổ để quyết định thay bằng cây trồng mới.

“Việc duy trì cây xanh trong trường học là rất cần thiết đối với sự phát triển của học sinh và môi trường. Vì thế nhà trường cần sáng suốt trong các quyết định để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhưng không làm mất cân bằng sinh thái, góp phần duy trì mảng xanh của thành phố”, bà Hằng nói.

Dương Tâm – Mạnh Tùng – Vnexpress