Giải bài toán thiết yếu cho xã hội
Một trong những thách thức lớn nhất mà người dân Indonesia phải vượt qua mỗi ngày là di chuyển trong điều kiện giao thông đông đúc, nhất là tại Thủ đô Jakarta. Ở đất nước có số dân 269 triệu người, sinh sống trên 17.000 hòn đảo, đặt hàng trực tuyến từng không được ưa chuộng vì quá trình vận chuyển giao hàng giữa các đảo quá chậm và tốn kém.
Theo Chính phủ Indonesia, “cơn ác mộng” giao thông ở Jakarta khiến người dân thành phố thiệt hại 4,5 tỷ USD mỗi năm. Trên đường, xe máy chạy taxi – tiếng Indonesia là ojek, chiếm số lượng áp đảo so với taxi bốn bánh để đối phó với tắc đường.
Bức tranh nói trên mang đến cho Nadiem Makarinn, lúc này 25 tuổi, làm cố vấn tại McKinsey & Company một ý tưởng khởi nghiệp. Nói chuyện với các tài xế, anh phát hiện ra họ thường tốn nhiều thời gian chờ tìm khách.
Để giúp lái xe sử dụng thời gian hiệu quả, giúp khách hàng kết nối với tài xế dễ dàng, anh cùng hai người bạn Kevin Aluwi và Michaelangelo Moran sáng lập Gojek – kết hợp giữa Go (đi) và ojek.
Khi ra đời, tất cả những gì startup này có chỉ là một trung tâm điện thoại và 20 tài xế được liệt kê trên bảng tính Excel. Khách hàng gọi, nhân viên tổng đài sẽ quét bảng và tìm tài xế phù hợp để đón khách.
Để tiếp cận tài xế xe ôm, CEO Gojek Nadiem Makarinn từng phải đến những tụ điểm tập trung đông, mua cafe và thuốc lá cho để họ mở lòng và thuyết phục tham gia.
Dù giai đoạn đầu còn sơ khai, nhưng Gojek đã giúp việc di chuyển vòng quanh Thủ đô Indonesia trở nên dễ dàng hơn. Doanh nghiệp đã giải quyết được một vấn đề thực sự cho xã hội.
Mở rộng thành “siêu ứng dụng”
Đến nay sau 11 năm thành lập, Gojek được định hướng là một “siêu ứng dụng” mở rộng sang 20 dịch vụ, bao gồm giao đồ ăn, massage theo yêu cầu, dịch vụ chuyển phát nhanh, đặt vé, dọn dẹp và thanh toán hóa đơn… đều là những nhu cầu thiết thực của người dân.
Nếu như các xe ôm truyền thống bị giới hạn trong việc đưa đón mọi người từ nơi này đến nơi khác, và chỉ tìm thấy khách hàng ở khu vực lân cận, từ đó giới hạn thu nhập. Thì các tài xế Gojek có thể sử dụng ứng dụng để tìm khách hàng đi xe từ nhiều địa điểm khác nhau. Trong giờ ăn trưa, họ có thể giao đồ ăn. Họ cũng có thể giao một vài bưu kiện trong ngày…
Năm 2019, công ty tuyên bố xử lý hơn ba triệu đơn đặt hàng mỗi ngày và có hơn hai triệu tài xế. Người Indonesia đã tải ứng dụng Gojek khoảng 130 triệu lần. Người ta cũng nói rằng, sẽ rất khó để tìm một chiếc điện thoại tại Indonesia mà không cài Gojek.
Cũng trong năm 2019, Gojek được định giá 10 tỷ USD và lọt vào danh sách siêu kỳ lân (decacorn), mơ ước của bất cứ startup nào trên thế giới. Doanh nghiệp cũng vươn ra ngoài lãnh thổ Indonesia, đặt chân tới các thị trường Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Việt Nam và Philippines.
Tại quê nhà Indonesia, Gojek đã tạo ra một nền tảng mà các doanh nhân và nhà điều hành cá nhân có thể tiếp cận khách hàng mới, xây dựng các kỹ năng mới và tăng lợi nhuận. Gojek coi các tài xế như một nhóm khách hàng. Công ty không chính thức tuyển dụng tài xế, nhưng mang đến họ bảo hiểm tai nạn, một lựa chọn cho bảo hiểm y tế tư nhân, thậm chí đào tạo an toàn.
Gojek cũng chú trọng phát triển các quỹ hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Một tài xế của Indonesia đã nhận được số tiền quyên góp tổng cộng gần 2.000 USD để trang trải thuốc men và chăm sóc cho con gái. Cô bé đã trải qua 5 lần phẫu thuật vì tật nứt đốt sống và não úng thủy.
Trong Covid-19, các đồng giám đốc điều hành và quản lý cấp cao của Gojek cam kết trích 25% tiền lương năm tới vào quỹ hỗ trợ các tài xế, thương gia và đối tác. Kết hợp với ngân sách dành để tăng lương hàng năm cho nhân viên, số tiền này lên tới khoảng 6 triệu USD.
Tại Việt Nam, Gojek để lại dấu ấn từ năm 2018 với ứng dụng gọi xe mang tên GoViet. Tháng 8 vừa qua, công ty công bố hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek trong chiến lược dài hạn, nhằm tạo ra tác động tích cực cho khách hàng.
Những câu chuyện thú vị về hành trình của Gojek Việt Nam sẽ được CEO Phùng Tuấn Đức chia sẻ trong talk Nguy – Cơ 16, phát sóng trên sáng mai, ngày 24/12.
Hoài Phong – Vnexpress
Talkshow Nguy – Cơ là không gian để các doanh nghiệp, doanh nhân chia sẻ câu chuyện của mình, phân tích trực diện các vấn đề kinh doanh về cuộc chiến khốc liệt trên thương trường cùng host là doanh nhân, diễn giả Nguyễn Phi Vân. Chương trình do và đối tác S-world Multimedia phối hợp thực hiện.
52 số của chương trình là câu chuyện của các vị lãnh đạo, đầu tàu doanh nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau từ công nghệ, bất động sản, tài chính đến dịch vụ giải trí, tiêu dùng, vận tải… Mời độc giả xem lại các số Nguy – Cơ từ 1 đến 15.
Những doanh nghiệp muốn chia sẻ câu chuyện của mình có thể liên hệ Ban sản xuất chương trình tại đây.