Địa hình núi dốc, đường băng cản lửa không được quy hoạch từ trước… là những nguyên nhân khiến đám cháy ở núi Hồng Lĩnh kéo dài.
Đám cháy rừng ở tiểu khu 92A thuộc xã Xuân Hồng và thị trấn Xuân An (núi Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) kéo dài từ trưa 28/6 đến chiều 30/6 với 5 lần ngọn lửa được khống chế và bùng phát trở lại.
Đây là lần đầu tiên ở Hà Tĩnh xảy ra đám cháy kéo dài dù địa phương đã huy động hàng nghìn người tham gia dập lửa. Giải thích việc này, ông Nguyễn Công Tố, Phó chi cục trưởng Kiểm lâm Hà Tĩnh nói, núi Hồng Lĩnh chủ yếu là rừng thông, loại cây dễ bén lửa, lớp thực bì dày. Trước đó, qua nhiều năm bão lũ, hàng loạt cành khô gãy còn mắc trên ngọn, khi xảy ra cháy, gió thổi rơi xuống lớp thực bì làm tàn tro bùng lên và lửa cháy to hơn.
“Phải nhìn nhận là quá trình chữa cháy thiếu dụng cụ cần thiết, máy bơm nước và xe cứu hỏa lại không thể lên đến đỉnh núi. Do vậy, tuy đông người tham gia cứu hỏa nhưng hiệu quả không cao”, ông Tố nói.
Thượng tá Võ Đăng Khoa (Phó phòng cảnh sát chữa cháy Công an Hà Tĩnh) thông tin thêm, vùng cháy rất rộng trong khi khu vực núi Hồng Lĩnh địa hình mái dốc, nhiều chỗ lực lượng cứu hỏa không thể tiếp cận trực tiếp nơi ngọn lửa bốc lên.
Ngoài ra, thượng tá Khoa cho hay, khu vực xảy ra cháy có nhiều tổ mối, tổ kiến ẩn dưới đất, khi bị cháy thì các tổ đó chứa tàn lửa âm ỉ, gặp lúc gió trên núi thổi mạnh sẽ đưa tàn lửa bay đi nơi khác.
“Có lúc chúng tôi đến sát ngọn lửa thì đám cháy cũ đã tắt, lan sang đám mới. Thậm chí đang chữa cháy thì lửa bùng lên sát người, anh em phải nhảy ra hai bên để né tránh”, ông Khoa nói.
Thiếu tá Đậu Ngọc Linh (Công an huyện Nghi Xuân) chia sẻ, trời nắng nóng 40 độ, lao vào chữa cháy là đối mặt với ngọn lửa bỏng rát song “mọi người đều rất nhiệt tình, kể cả thức trắng đêm dập lửa”.
“Có những người dân như ông Đậu Văn Tiến (trú xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân), nhà cách núi Hồng Lĩnh 12 km vẫn tình nguyện tham gia chữa cháy. Ba ngày chỉ ăn tạm vài ổ bánh mì rồi uống nước, ông Tiến đã dùng cưa đốn hàng trăm gốc cây để tạo đường băng cản lửa”, ông Linh kể.
Tuy nhiên, theo thiếu tá Linh, dù lực lượng chữa cháy không ai nề hà vất vả, nhưng lượng mùn ở vùng cháy rất dày, khi dập lửa xong, nước được tưới vào để dập tàn tro thì bụi mùn bốc lên mù mịt. “Lúc đó ở hiện trường mọi người thở không được, ho liên tục, dù chúng tôi động viên nhau cố gắng nhưng thực tế đó cũng phần nào ảnh hưởng đến quá trình chữa cháy”, ông Linh nói.
Chi cục trưởng Kiểm lâm Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn thừa nhận, “nhìn ra được nhiều bất cập từ các vụ cháy liên tiếp trên địa bàn cuối tuần qua và nhất là vụ cháy ở núi Hồng Lĩnh”.
“Ngân sách cho việc phòng, chống cháy rừng chưa có, đang giao cho từng địa phương tự lo nên kinh phí đầu tư, mua sắm trang thiết bị cho các đơn vị liên quan chưa đáp ứng được nhu cầu”, ông Huấn nói.
Lãnh đạo Cục Kiểm lâm Hà Tĩnh phân tích thêm, núi Hồng Lĩnh có 2.900 ha rừng, trong đó một số diện tích do dân tự trồng để khai thác. “Nguồn thu từ rừng không nhiều, chủ rừng không thể tự đầu tư kinh phí làm các công trình phòng chống cháy, cần có ngân sách hỗ trợ cho việc này”, ông Huấn kiến nghị.
Thượng tá Võ Đăng Khoa thì đề xuất, với rừng trên núi, chính quyền nên quy hoạch làm đường băng cản lửa giữa các khoảnh rừng khác nhau. “Trên núi Hồng Lĩnh không có đường băng từ trước, khi xảy ra cháy mới làm thì rất mất thời gian, nhiều lúc làm xong đường băng thì lửa đã lan ra khoảnh khác”, ông Khoa nói.
Dãy núi Hồng Lĩnh có diện tích 9.700 ha, được phân theo quy hoạch 3 loại rừng gồm rừng tự nhiên, phòng hộ và sản xuất. Thực vật tại rừng có 559 loài thuộc 466 chi, 105 họ. Động vật có 657 loài, 171 họ và 47 bộ.
Trong ba ngày xảy ra cháy, từ núi Hồng Lĩnh, lửa khói bốc lên nghi ngút, lan ra cả quốc lộ 1A. Trời nắng và gió to, hàng nghìn người được huy động cứu hỏa nhưng bất thành. Khoảng 50 ha rừng thông, keo, bạch đàn đã bị thiêu rụi.
Đức Hùng – Vnexpress