Đến tối 13/8, Quảng Nam ghi nhận 87 bệnh nhân Covid-19. Trong đó 5 ca từ tháng 3-4, 82 ca từ ngày 25/7 đến nay, nhiều thứ hai sau tâm dịch Đà Nẵng (278). Có nhiều lý do để Quảng Nam trở thành điểm nóng của làn sóng Covid-19 thứ hai ở Việt Nam.
Nằm ven biển miền Trung, Quảng Nam và Đà Nẵng từng là một tỉnh, cùng bộ máy hành chính, đến tháng 11/1996 thì chia tách. Thị xã Điện Bàn, hai huyện Đại Lộc, Đông Giang của Quảng Nam giáp với phía nam và tây Đà Nẵng. Trung tâm hành chính của hai địa phương cách nhau 60 km, được kết nối bởi hệ thống đường sắt, quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và cả đường liên xã.
Phương tiện công cộng qua lại giữa Quảng Nam và Đà Nẵng dày đặc với 8 doanh nghiệp khai thác dịch vụ xe buýt. Sở Giao thông và Vận tải Quảng Nam cho biết, mỗi ngày khoảng 60 xe buýt, mỗi xe chở 30-50 người qua lại giữa hai địa phương, 15-30 phút lại có một chuyến. Ngoài ra, gần 10 doanh nghiệp vận chuyển khách bằng ôtô bảy chỗ.
Là thành phố trực thuộc trung ương, Đà Nẵng có tốc độ phát triển kinh tế mạnh với 6 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp quy mô hơn 1.000 ha. Hết năm 2019, các khu công nghiệp Đà Nẵng đã thu hút 488 dự án đầu tư. Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Nam ước tính 58.000 công nhân tỉnh này đang làm việc ở Đà Nẵng. Họ không phải thuê trọ, sáng đến Đà Nẵng làm, tối đi khoảng 30 phút xe máy về nhà.
Hai địa phương cũng sở hữu nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng, như bãi biển Mỹ Khê, Bà Nà Hills, Cửa Đại và đặc biệt là hai di sản văn hóa thế giới Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn. Công ty du lịch khi thiết kế tour đều kết nối các địa điểm này. Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đã thống kê khoảng 350 công ty, chi nhánh và văn phòng đại diện tham gia đưa đón khách vào Hội An. 100% du khách đến Đà Nẵng thì khoảng 70% sau đó đến Quảng Nam tham quan, lưu trú. Năm 2019, Đà Nẵng đón 8,7 triệu khách, Quảng Nam đón 7,6 triệu khách.
Với lợi thế địa lý, sự gắn bó từ trong quá khứ đến hiện tại nên trong 87 bệnh nhân ở Quảng Nam từ ngày 25/7 đến nay thì một nửa có yếu tố dịch tễ liên quan đến Đà Nẵng. Đơn cử “bệnh nhân 857”, 26 tuổi ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, là kỹ sư thiết bị y tế. Anh này làm ở công ty trên đường Phan Châu Trinh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, sáng đi tối về nhà. Trước khi nhiễm nCoV, anh tiếp xúc với các “bệnh nhân 731”, 619, là đồng nghiệp ở Đà Nẵng.
Lý do thứ hai khiến số bệnh nhân Covid-19 ở Quảng Nam tăng nhanh là đa số người bệnh đến bệnh viện ở Đà Nẵng điều trị. Thừa Thiên Huế cũng là trung tâm y tế chuyên sâu của miền Trung – Tây Nguyên, nhưng người dân Quảng Nam sẽ phải đi xa hơn, xuyên qua Đà Nẵng, vượt hầm hoặc đèo Hải Vân để ra Huế.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam cho thấy, năm 2019 có 256.900 người đến Đà Nẵng khám và chữa bệnh bệnh bằng bảo hiểm y tế; 6 tháng đầu năm nay gần 96.690. Phần lớn đến Đà Nẵng là bệnh nhân nặng.
Người bệnh chọn Bệnh viện Đà Nẵng bởi cơ sở này được đầu tư hơn 1.900 giường bệnh, trang thiệt bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao. Trong khi đó y tế tuyến trung ương ở Quảng Nam chỉ có Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam thành lập năm 2007, quy mô 500 giường và nằm về phía nam của tỉnh. Người dân ở địa bàn giáp Đà Nẵng sẽ không chọn nơi này vì không thuận lợi bằng việc ra Đà Nẵng.
Hệ thống y tế cấp tỉnh Quảng Nam có ba bệnh viện nhưng chủ yếu điều trị là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, quy mô 600 giường. Cơ sở này thường quá tải, nguồn nhân lực bác sĩ còn thiếu, thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Từ thực tế trên, trưa 25/7, ngay khi Đà Nẵng ghi nhận “bệnh nhân 416” – ca bệnh chấm dứt 99 ngày Việt Nam không xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng, chính quyền Quảng Nam nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng dịch. Tỉnh truy vết và ghi nhận hơn 100 người liên quan đến “bệnh nhân 416”, đưa đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm.
Ngày 27/7, Bộ Y tế công bố nhiều ca nhiễm ở các bệnh viện ở Đà Nẵng, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân khẳng định Quảng Nam chắc chắn có người lây nhiễm, do người dân đến các bệnh viện ở Đà Nẵng điều trị, chăm sóc, tiếp xúc với bệnh nhân. “Cả hệ thống nhanh chóng nâng tầm kiểm soát, kịch hoạt hệ thống phòng chống dịch Covid-19 từ xã lên đến tỉnh”, ông Tân yêu cầu.
Căn cứ vào tình hình dịch bệnh, Quảng Nam nâng lên từng cấp độ phòng chống dịch. Ban đầu tỉnh dừng các hoạt động giải trí, tụ tập đông người, nhà hàng, bãi biển…, sau đó cách ly xã hội bốn huyện, một thành phố, thị xã. Tỉnh cũng phong tỏa 12 khu dân cư và một chợ với số dân gần 10.000.
Nói về nguyên nhân Quảng Nam có nhiều ca bệnh đứng thứ hai cả nước, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng hai địa phương gần như một. Nhiều người Quảng Nam làm việc tại Đà Nẵng và bệnh nhân của Quảng Nam tín nhiệm Bệnh viện Đà Nẵng. Ngoài bệnh nhân, có nhiều người thân đi cùng chăm sóc. Ông Sơn đánh giá số ca nhiễm bệnh ở Quảng Nam tăng lên nhưng tỉnh có cơ hội kiểm soát dịch “vì chưa xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng”.
Đắc Thành – Vnexpress