Tim Byrnes, nhà vật lý lượng tử Australia, nhận lời làm giáo sư giảng dạy tại đại học New York cơ sở Thượng Hải 5 năm trước. Những người làm công việc nghiên cứu đại lượng nhỏ nhất của thực thể vật lý như Byrnes không khỏi bất ngờ khi ông đứng giữa căng thẳng của hai cường quốc lớn nhất – chiến tranh thương mại và công nghệ của Mỹ và Trung Quốc.
Chức danh giáo sư vật lý như Byrnes được tài trợ ít nhất một triệu nhân dân tệ (146.000 USD) từ chính phủ Trung Quốc, với tư cách thành viên Kế hoạch Vạn nhân tài (TTP).
Chương trình do Bắc Kinh thành lập năm 2008, chiêu mộ những bộ óc thông minh được giáo dục hoặc làm việc ở nước ngoài bằng các khoản tài trợ tiền mặt cho nghiên cứu và sinh hoạt, trong tham vọng xây dựng nền kinh tế định hướng sáng tạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng kế hoạch gây ra hoài nghi ở Mỹ về nguy cơ gián điệp và đánh cắp công nghệ.
“30, 40 năm trước, cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình từng gửi nhiều sinh viên, học giả Trung Quốc ra nước ngoài tu nghiệp để phát triển đất nước, giờ là lúc để họ quay về”, George Fu Gao, giáo sư Viện vi sinh tại học viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói. Ông đã lấy bằng tiến sĩ tại đại học Oxford, Anh, trước khi sang Harvard, Mỹ, làm nghiên cứu.
Để đảo ngược tình trạng chảy máu chất xám, khuyến khích du học sinh quay về, chính phủ đưa ra nhiều chính sách từ những năm 1990. Nhưng TTP là chương trình quan trọng hơn cả, với sự tham gia trực tiếp của Ban Tổ chức Đảng của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Mục tiêu của chương trình là “thu hút và hỗ trợ nhân tài cấp cao trong 5-10 năm tới, để đổi mới và hình thành các doanh nghiệp trong những dự án sáng tạo, ngành học và thí nghiệm quan trọng mang tầm quốc gia, phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước”. Thông tin này từng xuất hiện trên trang web chính thức của TTP trước khi bị gỡ bỏ.
Từ 2008, khoảng 7.000 nhà khoa học, học giả và doanh nhân Trung Quốc sinh sống ở nước ngoài quay về phụng sự đất nước thông qua TTP. Chương trình cũng thu hút hàng trăm chuyên gia nước ngoài đến làm việc và ứng viên thành công có thể mong đợi khoản tiền thưởng từ một triệu nhân dân tệ trở lên, cùng với cơ hội được tài trợ nghiên cứu 3-5 triệu nhân dân tệ (430.000-714.000 USD).
Giới khoa học nước ngoài có thể nhận được thêm ưu đãi như trợ cấp chỗ ở, ăn uống, bồi thường chuyển công tác, phí về thăm nhà và phụ cấp giáo dục.
Giai đoạn 1995-2013, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc tăng gấp 30 lần, đạt 234 tỷ USD vào năm 2016.
Nhưng liệu TTP có đơn giản là chính sách tuyển dụng nhân tài hay nó khích lệ ứng viên tham gia hoạt động gián điệp quốc tế?
Dù các trường đại học Trung Quốc đang tăng bậc trên bảng xếp hạng thế giới, khó đánh giá mức đóng góp cho khoa học Trung Quốc liên quan trực tiếp đến TTP. Tuy nhiên, Trung Quốc chứng kiến lượng tài liệu nghiên cứu khoa học và kỹ thuật chất lượng cao nhảy vọt từ 250 lên 426 trong 2008-2016. Tại Mỹ, con số này chỉ tăng từ 392 lên 409 cùng giai đoạn, theo dữ liệu từ Quỹ Khoa học Quốc gia của Mỹ.
“TTP đặt ra mối quan tâm đặc biệt ở Mỹ, tập trung vào các ngành công nghiệp tiên tiến được xác định trong chiến lược ‘Made in China 2025’ của Trung Quốc”, theo Abigail Grace, cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm An ninh New America, tổ chức nghiên cứu tại Washington.
“Hơn thế, chương trình liên kết với các tổ chức được nhà nước hậu thuẫn như doanh nghiệp và viện nghiên cứu nhà nước, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng phát triển công nghệ cho mục đích kép. Chương trình cũng khích lệ vi phạm luật gián điệp của Mỹ”, Grace nói.
Những lo ngại này khó thay đổi một sớm một chiều, khi mối quan hệ hai cường quốc gặp nhiều trắc trở. Đỉnh điểm là Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị bắt ở Canada cuối năm 2018 theo đề nghị của Mỹ, với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt với Iran.
Dù Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump đạt bước tiến lớn trong thỏa thuận thương mại, ưu tiên hàng đầu của Mỹ vẫn là chấm dứt “chuyển giao công nghệ bắt buộc và bảo vệ mạnh mẽ hơn quyền sở hữu trí tuệ”.
Hội đồng Tình báo Quốc gia của Mỹ đánh giá chương trình là mối đe dọa chiến lược trong trung và dài hạn, là phương tiện “dễ dàng chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và bí quyết của Mỹ một cách hợp pháp và bất hợp pháp sang Trung Quốc”.
Tháng 8/2018, Zheng Xiaoqing, 56 tuổi, kỹ sư Mỹ gốc Hoa, bị bắt tại bang New York với cáo buộc đánh cắp bí mật công nghệ của General Electric, nơi ông làm việc từ 2008. Zheng được tuyển dụng vào TTP từ 2012. Ông thường di chuyển giữa Mỹ và Trung Quốc, thành lập hai công ty ở quê nhà chuyên về công nghệ turbine. Ít nhất hai người tham gia TTP khác vướng vào các vụ kiện tụng ở Mỹ trong năm ngoái.
Một số trường hợp đánh cắp công nghệ có thể lý giải được, song vấn đề là TTP đã trở thành nỗi lo lớn của những người Mỹ cảm thấy bị đe dọa khi Trung Quốc trỗi dậy, Jia Hepeng, chuyên gia về chính sách khoa học tại đại học Cornell, New York, nhận định.
“Dòng nhân tài quay về Trung Quốc được gắn với các cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ từ những năm 1990. Nhưng điều đó chưa bao giờ thực sự thu hút sự chú ý của chính quyền Mỹ như hiện nay. Khác biệt bây giờ là Trung Quốc có khả năng chuyển đổi nhanh chóng công nghệ vào mục đích thương mại, nhờ kết hợp tăng trưởng kinh tế và sự trở về của nhân tài hải ngoại”, Jia nói.
Năm 2017, có 608.000 sinh viên Trung Quốc ra nước ngoài và 480.900 người quay về. Trung Quốc tự hào với tỷ lệ 79% này khi so sánh chỉ 5% năm 1987 và 30,6% vào 2007.
Giữa lo ngại về mối liên quan của kế hoạch chiêu mộ nhân tài toàn cầu với hoạt động gián điệp có thể trở thành trận địa trong thương chiến Mỹ – Trung, việc tham gia vào TTP không còn là điều đáng khoe khoang ở Trung Quốc.
“Khó nói tác động thế nào vào lúc này, tôi không biết liệu làm thành viên TTP có ảnh hưởng tới việc kêu gọi tài trợ nghiên cứu ở Mỹ trong tương lai hay không”, Byrnes nói. Ông có lẽ là một trong ít người ở Trung Quốc nói chuyện thoải mái việc tham gia TTP.
Một lượng lớn bài báo về TTP bị xóa trên mạng Trung Quốc. Các đại học và công ty nước này từng háo hức giới thiệu giáo sư và lãnh đạo tham gia chương trình, đột nhiên im bặt. Tờ SCMP tiếp cận nhiều tổ chức để bình luận về vụ việc, nhưng nhận lại từ chối thẳng thừng hoặc giải thích rằng chủ đề khá nhạy cảm vào lúc này.
Trang web chính thức của TTP đã xóa tên các nhà khoa học ghi danh trong chương trình nhằm bảo vệ sự an toàn của họ. Nhiều người trong số đó không làm việc toàn thời gian ở Trung Quốc. Văn phòng thông tin hội đồng nhà nước của Trung Quốc không trả lời câu hỏi về việc kiểm soát thông tin TTP và liệu đó có phải là dấu hiệu thay đổi lớn trong chiến lược nhân tài của Trung Quốc hay không.
Chánh văn phòng tại một cơ quan hàng đầu ở Bắc Kinh có mối quan hệ thân cận với chính quyền cho biết Trung Quốc yêu cầu xóa thông tin chủ yếu do phản ứng quá mức từ Mỹ.
“Hàng chục nghìn nhà khoa học hàng đầu toàn cầu đến Mỹ làm việc hoặc nghiên cứu sâu mỗi năm, và TTP đem về hàng nghìn nhân tài suốt 10 năm qua, nhưng Mỹ không cho phép họ quay về”, người này nói, từ chối nêu tên do tính nhạy cảm của sự việc.
Dù Bắc Kinh tìm cách giảm tiếng vang của TTP, Jia không nghĩ điều đó báo hiệu cho một thay đổi lớn trong xu thế tuyển dụng toàn cầu của Trung Quốc.
“Nhu cầu nhân tài ở nước ngoài của Trung Quốc không hề thay đổi. Có hay không tài trợ từ TTP, những người muốn quay về Trung Quốc cũng sẽ thông qua một chương trình nào đó”, ông nói.
Shi Guojun, nhà sinh học tại đại học Michigan, đến Mỹ năm 2012 nhằm theo đuổi chương trình đào tạo sau tiến sĩ. Tìm việc trong gần một năm, ông không nhận ra sự thay đổi lớn trong các đợt tuyển dụng từ đại học Trung Quốc, nhưng thấy mức độ quảng bá TTP giảm xuống.
Dù vậy, với Shi, TTP vẫn mang sức hấp dẫn mãnh liệt cho giới khoa học muốn đến Trung Quốc làm việc.
“Nhận tài trợ đồng nghĩa bạn được các đồng môn công nhận có tiềm năng trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đang làm, giúp huy động thêm hỗ trợ tài chính dài hạn cho nghiên cứu”, ông nói, thêm rằng hoạt động nghiên cứu tại một nước đang trỗi dậy đem lại thêm nhiều cơ hội.
Theo Shi, có nhiều chỗ đứng cho các nhà khoa học trẻ như ông ở Trung Quốc hơn Mỹ. Trung Quốc cũng bắt kịp nhanh các yếu tố học thuật “cứng”, như hỗ trợ tài chính và vật chất cho nghiên cứu, dù các yếu tố “mềm” vẫn cần cải thiện, như hỗ trợ hành chính và cấp bậc.
Một lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc, người tham gia TTP ba năm trước, nói chính những cơ hội lớn ở Trung Quốc khiến ông quay về.
“Tôi từng dẫn dắt đội ngũ 20 người tại một trong những công ty công nghệ giá trị nhất thế giới ở Thung lũng Silicon. Nhưng ba năm ở Trung Quốc, tôi thăng chức trưởng nhóm giới khoa học của công ty. Dẫn dắt 1.000 người, tôi có cơ hội thử nghiệm trí tuệ nhân tạo từ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho tới tài chính”, nhà khoa học giấu tên cho biết.
Bất chấp thành quả Trung Quốc đạt được từ việc thu hút giới khoa học, Byrnes cho rằng, nước này vẫn là “nơi khác thường” cho các nhà khoa học nước ngoài, chủ yếu vì bất đồng ngôn ngữ và văn hóa. Tuy nhiên, điều đó không khó phá vỡ.
“TTP vẫn hiệu quả, mọi người đã dịch chuyển và con số sẽ không ngừng tăng. Thật khó để tìm được nguồn vốn cho nghiên cứu ở nơi nào khác trên thế giới. Giới khoa học sẽ còn tìm kiếm ngân sách ở nơi nào họ tìm thấy. Đó không phải chính trị”, Byrnes nói.
Nhật Duy (Theo SCMP/Guardian) – Vnexpress