‘Underwater’: Trận chiến sinh tồn dưới đáy đại dương

Trong “Underwater

Norah Price (Kristen Stewart) là nữ kỹ sư làm việc tại giàn khoan dầu, phải cùng đồng đội tìm cách thoát khỏi đống đổ nát của một phòng thí nghiệm dưới mặt nước bị động đất tàn phá. Hành trình đi bộ dưới đáy đại dương buộc họ đối mặt nhiều thách thức, rủi ro như thiếu ôxy để thở, tầm nhìn bị che khuất, áp lực tâm lý cũng như chạm trán những sinh vật kỳ quái và hung hãn đang hồi sinh.

Phim thuộc thể loại sinh tồn, pha lẫn chất kinh dị của dòng Lovecraftian – gây sợ hãi từ sự bí ẩn nhiều hơn yếu tố hù dọa giật gân, máu me. Câu chuyện xoay quanh cuộc đua giành sự sống dưới lòng đại dương, khi sinh mạng con người chỉ có thể tính bằng phút nếu thiếu đi bình thở ôxy. 

Underwater (Kẻ săn mồi đáy biển)
Trailer phim.

Chủ đề con người đối diện với quái vật vốn không hề xa lạ. Tuy nhiên, đưa đề tài này đặt trong bối cảnh đại dương, nơi chứa đựng bao điều bí hiểm mà con người vẫn chưa thể khám phá hết, Underwater khiến khán giả tò mò ngay từ giây phút đầu tiên. Tác phẩm nâng tầm mức độ nguy hiểm khi những con quái vật có hình dạng khổng lồ và vô cùng khát máu. Chúng lướt qua những mặt nước sâu âm u, nhai những xác chết đã thối rữa và xuất hiện bất thình lình đe doạ mạng sống con người.

Trong Underwater, những quái vật cũng hiện thân cho sự trừng phạt của đại dương với các công việc xấu xa mà công ty khai thác dầu mỏ đã làm. Chúng giống như sản phẩm từ “cơn thịnh nộ” của mẹ thiên nhiên. Khi nền văn minh nhân loại phát triển đến những đỉnh cao, nó cũng gây ra sức ép lớn môi trường – chủ đề được bàn tán nhiều gần đây. Khi hiểu ra điều này, một thành viên trong nhóm khai thác đã thốt lên: “Chúng ta đã lấy quá nhiều. Và bây giờ đại dương đang lấy lại. Lẽ ra chúng ta không nên ở đây”.

Underwater sử dụng tông màu xanh tối, góp phần diễn tả bầu không khí hỗn độn, thiếu ôxy và ánh sáng sau trận động đất. Những cú jumpscare (gây sợ bằng cách chèn hình ảnh, âm thanh đột ngột), những tiếng gầm gừ thỉnh thoảng vang lên trong không gian căng thẳng hỗ trợ cho chất kinh dị của phim. Nhiều góc máy xuất phát từ điểm nhìn nhân vật được sử dụng. Thông qua lớp kính mờ của chiếc mũ bảo hiểm, người xem thấy được sự chóng chánh, sợ hãi của nhân vật trong từng bước đi, đồng thời tạo ra cảm giác hoang mang khi mọi thứ xung quanh khó nhìn rõ, ngoài tầm kiểm soát.

Theo Harpers Bazaar, Stewart cạo đầu một phần vì để dễ đóng các cảnh đeo mũ lặn. Ảnh: Fox.
Theo “Harper’s Bazaar”, Stewart cạo đầu một phần vì để dễ đóng các cảnh đeo mũ lặn. Ảnh: Fox.

Theo Screen Rant, nhằm tạo ra cảm giác chân thực hoàn toàn cho các diễn viên, ê-kíp đã chuẩn bị những bộ đồ lặn có cân nặng lên đến 65kg, áp dụng trong những phân cảnh trầm mình dưới nước. Kết hợp kỹ xảo, các trích đoạn chiến đấu, lăn lội của nhân vật với kẻ thù không tên dưới đại dương tạo được không khí căng thẳng cần thiết.

Từ trận chiến đầy chông gai ấy, tác phẩm mang đến cho người xem thông điệp nhân văn về tình bạn, tình yêu, về cách niềm hy vọng trở thành nguồn sống mãnh liệt nhất. Ở hồi kết, phim đề cao thông điệp nữ quyền khi Nora là người kiểm soát kết cục cuộc chiến.

Theo Harper’s Bazaar, khi phim ghi hình năm 2017, Kristen Stewart chấp nhận cắt mái tóc dài gắn liền với cô nhiều năm trước đó. Với tạo hình cá tính, mái tóc sát đầu và ánh mắt quyết đoán, nữ diễn viên không khó nhập vai nhà khoa học dũng cảm, giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhân vật này có cá tính còn một chiều, không có điểm nhấn. Kịch bản cũng còn dễ đoán với các fan của dòng phim quái vật, khi câu chuyện chỉ tiến triển theo một hướng, không có bất ngờ hay bước ngoặt ấn tượng.

Phim khởi chiếu ở Việt Nam từ ngày 10/1 với tựa Kẻ săn mồi đáy biển và nhãn C16 (không dành cho người dưới 16 tuổi). Tác phẩm đang đạt doanh thu cao nhất cuối tuần này, chấm dứt 22 ngày liên tiếp phim nội Mắt biếc dẫn đầu phòng vé.

Hà Trang – Vnexpress