Với khối tài sản “khủng” ngày càng lộ rõ, nhiều tỷ phú USD mới của Việt Nam được kỳ vọng sẽ được công nhận trong năm 2019.
Theo cập nhật mới nhất trong danh sách tỷ phú USD của tạp chí Forbes, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng từ 6,6 tỷ USD trước Tết lên 7,4 tỷ USD đến thời điểm ngày 19/2. Qua đó, ông Vượng chính thức lọt top 200 người giàu nhất thế giới theo danh sách này.
Nguyên nhân khiến tài sản của ông chủ Vingroup tăng mạnh là do giá cổ phiếu Vingroup đã tăng 13% trong tuần đầu tiên sau khi thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, trong 5 phiên giao dịch đầu tiên của năm mới Kỷ Hợi, VIC đã tăng một mạnh từ 98.800 đồng ngày 31/1 lên 112.000 đồng vào ngày 15/2. Hiện cổ phiếu này đang dừng tại mức 113.700 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong lịch sử niêm yết của Vingroup.
Trong khi đó, tài sản của hai tỷ phú USD khác của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo – VietJet (2,3 tỷUSD) và ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco (1,7 tỷ USD) không có nhiều biến động.
Tuy nhiên, mới đây Thaco công bố nghị quyết lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành hơn 30,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là công ty Jardine Cycle & Carriage (JC&C) của Singapore với giá phát hành là 128.500 đồng/cổ phiếu.
Với mức giá phát hành nói trên, Jardine Cycle & Carriage đang định giá Thaco trị giá khoảng 9,4 tỷ USD. Nếu phát hành thành công, ông Trần Bá Dương cùng với vợ từng trực tiếp và gián tiếp nắm giữ khoảng 71% doanh nghiệp này và có khối tài sản khoảng 6,7 tỷ USD. Khi đó, thứ hạng trong danh sách tỷ phú USD thế giới của ông Dương có thể sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ngoài những cái tên kể trên, một số doanh nhân Việt Nam khác được kỳ vọng sẽ có mặt trong danh sách tỷ phú USD như đại gia Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan, hay gia đình ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank.
Vào cuối năm 2018, một tạp chí danh tiếng khác là Bloomberg đã đưa thông tin rằng ông Nguyễn Đăng Quang là tỷ phú USD mới của Việt Nam và là một trong hai tỷ phú USD mới của khu vực Đông Nam Á.
Masan hiện là một trong 10 doanh nghiệp niêm yết có giá trị lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, vốn hóa của ông trùm hàng tiêu dùng này đạt gần 99.000 tỷ đồng. Nếu so với các doanh nghiệp khối tư nhân, Mansan lớn hơn rất nhiều so với Vietjet Air, Novaland, Hòa Phát và chỉ kém Vingroup, Vinhomes, Techcombank.
Ông Nguyễn Đăng Quang hiện đang sở hữu số cổ phần rất lớn ở Tập đoàn Masan thông qua sở hữu trực tiếp, gián tiếp. Cụ thể, ông Quang đang nắm giữ khoảng 48,5% cổ phần tại CTCP Masan và Xây Dựng Hoa Hướng Dương. Hai doanh nghiệp này lại đang sở hữu trực tiếp 44,7% cổ phần của Tập đoàn Masan.
Một cái tên khác không thể nhắc đến với tài sản tỷ USD là gia đình ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank.
Ông Hùng Anh và gia đình đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá khoảng 37.000 tỷ đồng. Riêng ông Hồ Hùng Anh, thông qua sở hữu trực tiếp và gián tiếp tại Techcombank và Masan, khối tài sản đã đạt khoảng 20.800 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát là Trần Qúi Thanh cũng là người thường được nhắc đến khi dự đoán về tỷ phú USD mới của Việt Nam. THP là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành giải khát Việt Nam.
Theo Quang Sơn (Dân Việt)