Khi những người biểu tình ném bom xăng và đá vào sứ quán, Pompeo liên tục điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mark T. Esper, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark A. Milley, Đại sứ Mỹ tại Iraq Matthew Tueller, bàn về mối đe dọa an ninh các nhà ngoại giao Mỹ đang đối mặt.
Ngoại trưởng cũng nói chuyện với Tổng thống Trump nhiều lần mỗi ngày vào tuần trước, thúc giục ông mạnh tay với Iran. Cuối cùng, Trump phê chuẩn không kích hạ sát tướng Iran Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), ngày 3/1 ở Baghdad.
Năm ngoái, Pompeo từng cố thuyết phục Trump có hành động quân sự trả đũa Iran sau khi họ bắn hạ một máy bay không người lái Mỹ nhưng không thành công. Những thay đổi gần đây trong đội ngũ an ninh quốc gia của Trump, cùng với việc Trump lo bị coi là quá mềm mỏng trước Iran, đã tạo cơ hội cho Pompeo.
Trong hơn một năm qua, các quan chức quốc phòng Mỹ cảnh báo chiến dịch trừng phạt kinh tế của Washington đã làm gia tăng căng thẳng với Tehran, đòi hỏi bố trí nhiều nguồn lực hơn ở Trung Đông để đề phòng rủi ro. Trong khi đó, nhiều người ở Lầu Năm Góc muốn củng cố sức mạnh quân sự ở Đông Á.
Một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết Pompeo đã đề cập việc hạ sát Soleimani với Trump từ vài tháng trước. Nhưng cả Tổng thống lẫn các quan chức Lầu Năm Góc đều không tán thành. Trump muốn giảm sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông như ông đã hứa từ khi tranh cử. Nhưng quan điểm đó thay đổi vào ngày 27/12/2019, khi 30 quả rocket tấn công căn cứ chung Mỹ – Iraq bên ngoài Kirkuk, khiến một nhà thầu dân sự Mỹ thiệt mạng.
Ngày 29/12/2019, Pompeo, Esper và Milley tới khu nghỉ dưỡng của Tổng thống tại Florida, nơi hai quan chức quốc phòng trình bày các phương án đối phó với Iran, bao gồm phương án hạ sát Soleimani. Việc Trump chọn phương án cực đoan nhất khiến một số quan chức sốc vì Lầu Năm Góc từ lâu đã lo ngại về leo thang căng thẳng và Tổng thống vốn không mặn mà với việc dùng vũ lực với Iran.
Yếu tố quan trọng khiến Trump ra quyết định này là sự thúc giục của cả Pompeo lẫn Esper, hai người là bạn học tại Học viện Quân sự Mỹ (West Point). Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cũng tán thành phương án nhưng ông không tham dự cuộc họp ở Florida.
“Cuộc tấn công nhằm vào Soleimani sẽ không xảy ra dưới thời cựu bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis”, một quan chức cấp cao giấu tên nói, nhấn mạnh rằng Mattis không thích mạo hiểm. “Milley và Esper thì khác. Giờ đây Trump có một đội ngũ an ninh quốc gia chung quan điểm, bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng đã làm bạn với nhau từ lâu”.
Sau cuộc tấn công Soleimani, Pompeo trở thành tiếng nói đại diện cho chính quyền về vấn đề này. Ông trò chuyện với các đồng minh và trả lời truyền thông. Trump chọn Pompeo làm người xuất hiện trên tất cả chương trình tin tức vào chủ nhật vì Pompeo là người “có lập trường rất kiên định”, một quan chức chính quyền giấu tên nói.
Pompeo khẳng định Mỹ sát hại tướng Iran để ngăn các cuộc tấn công tiềm tàng nhằm vào mục tiêu Mỹ. “Chúng tôi đã loại bỏ một kẻ xấu khỏi chiến trường. Chúng tôi đã ra quyết định đúng đắn”, Pompeo nói với CNN. Tuy nhiên, việc Mỹ cung cấp rất ít bằng chứng về mối đe dọa cụ thể từ Soleimani cũng như nền tảng pháp lý cho cuộc tấn công đang khiến công chúng hoài nghi.
Việc Trump phê chuẩn cuộc không kích tướng Iran là một chiến thắng cho Pompeo, nhưng nó cũng mang đến nhiều rủi ro nghiêm trọng: nguy cơ nổ ra một cuộc chiến kéo dài khác ở Trung Đông, các vụ ám sát trả đũa nhân sự Mỹ trên khắp thế giới, gián đoạn trong cuộc chiến chống IS, đóng lại con đường ngoại giao để kiềm chế chương trình hạt nhân Iran và phản ứng dữ dội từ Iraq.
Đối với Pompeo, cái chết của các nhà ngoại giao Mỹ sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho uy tín của ông, đặc biệt khi ông từng chỉ trích kịch liệt cựu ngoại trưởng Hillary Clinton sau vụ đại sứ Mỹ tại Libya và các nhân viên ngoại giao bị sát hại ở Benghazi năm 2012 .
Nhưng không rủi ro nào ngăn cản Pompeo thúc đẩy cuộc tấn công Soleimani, người đã là “cái gai” trong mắt ông từ khi còn làm nghị sĩ, cho đến khi vào CIA và Bộ Ngoại giao Mỹ.
Năm 2015, khi Pompeo là nghị sĩ bang Kansas, ông ủng hộ chính quyền Obama can thiệp để thay đổi chế độ ở Iran. Ông nói rằng Soleimani “dính máu của hàng trăm quân nhân Mỹ trên tay”.
Tháng 7/2017, khi trở thành giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), ông cho mở một trung tâm chuyên thu thập thông tin tình báo về Iran. Khi được hỏi tại Diễn đàn An ninh Aspen rằng liệu thay đổi chế độ ở Iran có là lựa chọn thực tế hay khả thi không, ông trả lời: “Những gã hay gây rắc rối, như Qassem Soleimani và tay sai, không phải do dân bầu lên. Đó là những người mà chúng tôi cố gắng khiến họ không thể duy trì quyền lực”.
Cuối năm đó, Pompeo gửi thư cho Soleimani và các lãnh đạo Iran về “hành vi ngày càng ngang ngược của Iran ở Iraq”, cảnh báo Mỹ sẽ buộc cả hai nước “chịu trách nhiệm về bất kỳ cuộc tấn công nào vào lợi ích của Mỹ ở Iraq do các lực lượng nằm dưới sự kiểm soát của họ tiến hành”.
Sau khi nghe truyền thông Iran đưa tin rằng Soleimani từ chối xem thư, Pompeo cho hay: “Thành thật mà nói thì tôi cũng chẳng đau lòng đâu”.
Kể từ khi trở thành ngoại trưởng năm 2018, Pompeo theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn với Iran hơn so với những người tiền nhiệm và thường nhắc đến Soleimani trong các bài phát biểu và phỏng vấn. Khi Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Pompeo là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch “gây áp lực tối đa” – tái áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt với Iran.
Tại Bộ Ngoại giao, Pompeo đọc rất nhiều báo cáo về Iran, chú ý đến nước này hơn nhiều các điểm nóng kinh tế và địa chính trị khác trên thế giới. “Nếu tài liệu nói về Iran, ông ấy sẽ đọc nó”, một nhà ngoại giao nói, đề cập xấp giấy khổng lồ trên bàn của Pompeo. “Còn nếu không thì…chúc may mắn”.
Phương Vũ (Theo Reuters/Washington Post) – Vnexpress