Cách đây 4 tháng khi trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vụ liên quan tới Vũ “nhôm”, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã thẳng thắn nói, vụ Vũ “nhôm” là bài học đắt giá trong công tác cán bộ.
Nhìn nhận về việc Bộ Công an khi mở rộng điều tra vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) đã khởi tố hai ông Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành (cả hai từng là Thứ trưởng Bộ Công an, khi khởi tố đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân) để điều tra về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp cho rằng, ông rất hoan nghênh tinh thần xử lý quyết liệt, làm đến cùng của Bộ Công an khi cán bộ trong ngành vi phạm.
“Trước đó cả ông Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành đều bị xử lý kỷ luật Đảng nghiêm khắc, rồi xử lý hành chính, tuy nhiên khi xét thấy hành vi vi phạm pháp luật của hai ông này phải xử lý hình sự, Cơ quan điều tra đã khởi tố. Việc xử lý như vậy đúng với chủ trương của Đảng là xử lý sai phạm không có vùng cấm. Vấn đề thứ hai là giữ kỷ luật, kỷ cương của ngành Công an, đảm bảo lực lượng trong sạch để thực hiện chức trách tốt hơn, lấy lại uy tín với người dân”, ông Hòa nói.
Là người từng chất vấn Bộ trưởng Công an tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xung quanh vụ Vũ “nhôm”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện cho biết: Chúng ta nhớ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói, xử lý tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, làm đến đâu chắc tới đó, dù là cán bộ cấp cao hay cán bộ của cơ quan bảo vệ pháp luật khi có sai phạm vẫn phải xử lý nghiêm. Qua việc khởi tố ông Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành cho thấy ngành Công an không hề xử lý xuê xoa với vi phạm của cán bộ trong ngành. Việc xử lý này càng tạo thêm uy tín cho ngành Công an.
“Đây là quyết tâm rất cao, việc làm này nhiều người vẫn ví kiểu như lấy đá ghè vào chân mình. Nhưng nếu không làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước nói chung, của cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng thì không thể thực hiện mục tiêu chính trị đã đặt ra”, ông Nhưỡng nói.
Theo ông Nhưỡng, khi Vũ “nhôm” bị bắt để điều tra, thời gian đã có nhiều cán bộ rồi tướng lĩnh của lực lượng Công an bị vạch trần vi phạm rồi bị xử lý hình sự. Có ý kiến cho rằng, tại Vũ “nhôm” các cán bộ trong đó có cả diện trung, cao cấp bị vướng vào lao lý. “Nói như vậy là nhận thức không đúng, bởi cá nhân Vũ “nhôm” chỉ là người bình thường làm sao chi phối, điều khiển được các cán bộ, tướng lĩnh. Nếu không có sự “hà hơi” tiếp tay của những người có chức vụ, quyền hạn thì làm sao Vũ “nhôm” tạo ra kết cục như ngày hôm nay”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Vị đại biểu này cho biết, cử tri rất mong muốn, nhiều đại biểu Quốc hội cũng mong muốn không bao giờ được phép xảy ra vụ việc như Vũ “nhôm”, bởi nó sẽ phá từ bên trong phá ra cực kỳ nguy hiểm.
Theo ông Phạm Văn Hòa, việc xử lý nghiêm những cán bộ từng công tác trong ngành khi vi phạm là rất cần thiết. Nhưng để xảy ra sai phạm đến mức phải xử lý hình sự thì đó bài học đắt giá không chỉ đối với ngành Công an nói riêng mà còn là ở các ngành, các lĩnh vực khác. Việc quản lý cán bộ không tốt, khi họ có những biểu hiện tiêu cực đã không được ngăn chặn kịp thời, khi vi phạm, khuyết điểm nặng đến mức phải xử lý là rất đáng tiếc.
Trở lại với việc trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công an cách đây 4 tháng, chính ông cũng thừa nhận, vụ Vũ “nhôm” là bài học rất lớn trong công tác quản lý cán bộ, công tác xử lý những vụ liên quan đến lợi dụng việc hình thành các tổ chức bình phong, được điều kiện thuận lợi để vi phạm pháp luật.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định, Bộ Công an đã có các giải pháp để rà soát, chấn chỉnh, không để xảy ra những vụ tương tự như Vũ “nhôm”.
(Theo danviet.vn)