Tương lai bấp bênh của lao động ngành dịch vụ Mỹ

Khi các công ty dần chuyển sang làm việc từ xa, những lao động phổ thông chuyên phục vụ nhân viên văn phòng sẽ thiệt hại nhiều nhất.

16/3 là ngày cuối cùng David Engelsman làm việc tại Jackrabbit, một nhà hàng nổi tiếng tại khách sạn Duniway ở trung tâm thành phố Portland (bang Oregon, Mỹ). Ngay trước khi ca làm việc bắt đầu, Engelsman, người chịu trách nhiệm chính phục vụ bữa sáng ở nhà hàng, được thông báo rằng công việc của anh không còn cần thiết nữa. Hôm đó, anh ra về sớm, lúc 10h30 sáng và nhà hàng cũng không mở cửa trở lại vào ngày hôm sau.

Hơn 330 nhân viên làm việc tại Duniway và một cơ sở khác cũng thuộc tập đoàn Hilton bên kia đường đã bị cho thôi việc kể từ hôm đó. Với hai đứa con mắc chứng tự kỷ, một người vợ bị bệnh tim nặng và hiện không có bảo hiểm y tế, Engelsman gần như dành hầu hết thời gian cùng công đoàn Unite Here yêu cầu Hilton chịu trách nhiệm bảo hiểm sức khoẻ cho những nhân công bị sa thải đến cuối năm. Anh nói: “Chúng tôi rời đi mà không có gì cả. Tôi biết tôi có thể đang trầm trọng hóa vấn đề, nhưng nó thực sự là bi kịch”.

Báo cáo hàng tháng của chính phủ Mỹ công bố thứ sáu tuần trước cho thấy 11,5 triệu việc làm đã bị mất kể từ tháng 2. Việc tuyển dụng cũng đang đình trệ. Những câu chuyện tương tự Engelsman ngày càng trở nên phổ biến. Khi các công ty cho nhân viên văn phòng làm việc từ xa, cắt giảm các chuyến công tác, huỷ các cuộc gặp mặt, họ cũng loại bỏ luôn các công việc dịch vụ như dọn dẹp văn phòng, lưu trú, chuyên chở và cả việc phục vụ bữa trưa cho nhóm nhân viên này.

Đối với những người làm dịch vụ tại khu vực đô thị ở Mỹ, đại dịch có nguy cơ trở thành cú sốc kinh tế ngắn hạn. Nếu nhân viên văn phòng không quay lại, các nhân viên dịch vụ cũng không còn ai để phục vụ.

Đầu bếp tại một nhà hàng ở Atlanta (Mỹ) hồi tháng 4 năm nay. Ảnh: NYT
Đầu bếp tại một nhà hàng ở Atlanta (Mỹ) hồi tháng 4 năm nay. Ảnh: NYT

Nỗi lo này trở nên đặc biệt lớn ở những thành phố tập trung các lao động không có trình độ đại học trong hàng thập kỷ qua. Làm việc từ xa đang triệt tiêu mọi cơ hội và đè nặng áp lực lên họ. Các nhà bán lẻ như J.C. Penney và Neiman Marcus sụp đổ đã xóa sổ nhiều công việc phổ thông. Du lịch lao dốc tại các thành phố như New York và San Francisco sẽ còn khiến nhiều người mất việc nữa.

Maria Valdez từng là phụ trách buồng phòng tại Grand Hyatt ở San Antonio và đã bị cho nghỉ. Cô đang cùng ba đứa con đang chia nhau số tiền trợ cấp thất nghiệp 314 USD mỗi tuần. Kimber Adams thì mất công việc nhân viên pha chế tại Sân bay Quốc tế Seattle -Tacoma, đang kỳ vọng vào “Kế hoạch B” là trở thành một kỹ thuật viên lấy máu. Waldo Cabrera từ bỏ công việc dọn dẹp cabin tại hãng hàng không American Airlines và đặt hy vọng vào một lời mời làm lái xe chở dầu ở Texas nếu anh kịp đi khỏi Miami vào cuối năm nay. “Tôi phải rời khỏi đây thôi”, anh nói.

Mari Duncan may mắn là vẫn đang được nhận lương dù công việc ướp thịt và nấu súp tại khuôn viên của Facebook ở Seattle đã kết thúc khi công ty cho các quản lý và kỹ sư làm việc tại nhà. Nhưng cô lo sợ rằng thỏa thuận giữa Facebook và nhà thầu dịch vụ thực phẩm (nơi cô ký hợp đồng) không thể kéo dài mãi. Mari chia sẻ: “Khi thấy thông báo của Facebook về việc họ sẽ tiếp tục làm việc từ xa đến tháng 7/ 2021, tôi cũng hơi lo lắng”.

Gần như tất cả bọn họ đều sẵn sàng trở lại làm việc. Nhưng kèm theo đó là nỗi sợ hãi rằng kể cả khi đại dịch qua đi, nền kinh tế “kiểu mới” có thể sẽ không còn những công việc “kiểu cũ”. “Một số công ty luật nhận thấy rằng luật sư của họ sẽ làm việc hiệu quả hơn khi ở nhà”, Kristinia Bellamy, nhân viên lao công mất việc tại môt tòa nhà văn phòng ở trung tâm Manhattan cho biết,”Đây có thể là khởi đầu cho sự kết thúc của những tòa nhà văn phòng thương mại kiểu này.”

Quyết định cho nhân viên tại Portland làm việc ở nhà đầu năm nay của Nike ở Portland cũng ảnh hưởng đến Aramark – đơn vị điều hành căng tin tại đây – và các nhân viên của họ. Aramark đã thông báo cho hơn 378 nhân viên của mình, bao gồm bồi bàn, đầu bếp, thu ngân… rằngsẽ phải đối mặt với việc sa thải vĩnh viễn kể từ 25/9 vì nhu cầu của đối tác không như dự kiến.

Câu hỏi là, tình trạng này có phải là tạm thời hay không. Có tới 20% số người trưởng thành trong độ tuổi lao động không có bằng đại học sống ở các khu vực đô thị lớn có mật độ dân số cao nhất Mỹ – theo ước tính của David Autor, Học viện Công nghệ Massachusetts. Hầu hết họ làm trong các ngành dịch vụ phục vụ nhu cầu của tầng lớp “công nhân tri thức” giàu có, vốn từng đổ xô về thành phố để tận hưởng mức lương cao và cuộc sống tiện nghi.

Khi có Zoom, liệu công ty nào sẽ chịu chi để đưa một nhà quản lý đi khắp đất nước cho các cuộc họp dài ngày? Việc giảm lượng khách công tác cũng kéo theo rắc rối cho nhóm khách sạn và nhà hàng chuyên phục vụ nhóm khách doanh nghiệp.

Jonathan Dingel và Brent Neiman của Đại học Chicago đã tính toán rằng 37% công việc có thể được thực hiện hoàn toàn tại nhà. Những công việc đó có xu hướng được trả lương cao, trong các lĩnh vực như dịch vụ pháp lý, lập trình máy tính và dịch vụ tài chính. Chúng thường tập trung ở những vùng giàu có như San Francisco; Stamford (bang Connecticut) và Raleigh (bang Bắc Carolina)

Sự thay đổi hành vi của tầng lớp lao động thu nhập cao trên thị trường lao động ở thành thị có tác động rất lớn. Nhiều công việc dịch vụ đang chật vật tồn tại trong thời kỳ hiện đại hoá và tự động hoá có thể sẽ biến mất.

Tại Portland, Intel là công ty tư nhân có số lao động lớn nhất, với khoảng 20.000 người, chủ yếu có thu nhập cao. Intel cũng đang nuôi sống một mạng lưới các nhà thầu và nhà thầu phụ.

Hiện chỉ có khoảng 40% nhân viên của Intel đang làm việc tại công ty. Đây là những vị trí không thể thiếu trong các nhà máy sản xuất chip khổng lồ của hãng. Làm việc từ xa sẽ tiếp tục được triển khai cho đến ít nhất là vào tháng 6 tới.

Đối với các doanh nghiệp phụ thuộc vào Intel, đó không hẳn là một tin tốt. Rick Van Beveren, người sở hữu một quán cà phê và một nhà hàng đã đóng cửa cho biết: “Intel đã duy trì hoạt động cho chúng tôi. Tiệm của tôi gần như chỉ phục vụ Intel và các doanh nghiệp liên quan đến họ”.

Restaurant Associates – điều hành các nhà ăn tại các công ty bao gồm Google, The New York Times, các nhà hàng tại Smithsonian và câu lạc bộ Quadrangle của Đại học Chicago – đã tuyển dụng 10.500 nhân công trước đại dịch. Công ty cũng đang vật lộn để tìm hướng kinh doanh mới – cung cấp thức ăn cho nhân viên y tế, hoặc nấu các bữa ăn giao tận nhà. Dù vậy, giám đốc điều hành Dick Cattani cho biết hiện chỉ có một nửa trong số họ đang làm việc.

Dĩ nhiên, nhóm ngành dịch vụ sử dụng lao động phổ thông bị chính quyền thành phố và các tiểu bang đóng cửa với hy vọng ngăn chặn đại dịch. Nhiều người ở nhà để giảm nguy cơ lây nhiễm. Có lẽ lệnh phong toả và nỗi sợ hãi sẽ giảm bớt khi vaccine hoặc phương pháp điều trị Covid-19 được tìm ra.

Ví dụ, Amazon, Facebook và Google dự kiến bổ sung hàng nghìn công nhân tại New York. Scott Rechler – Giám đốc hãng bất động sản RXR Realty nói: “Sẽ mất thời gian để hồi phục. Nhiều doanh nghiệp nhỏ có thể không tồn tại được. Nhưng sẽ có thêm nhiều chuyến bay về lại với đô thị bởi nhóm lao động trẻ thế hệ tiếp theo vẫn sẽ muốn đến với New York”.

Cattani lại xem đây là cơ hội để mua các doanh nghiệp mới. Và công ty ông đang mở rộng nhóm khách bệnh viện, phục vụ ăn uống cho bệnh nhân và người thăm thân. John Alschuler – Chủ tịch công ty tư vấn bất động sản HR&A Advisors cho biết: “Covid không thể thay đổi năng lượng tiềm ẩn của những người làm công việc sáng tạo dù họ chỉ ở một chỗ”.

Phần lớn lực lượng lao động Mỹ hy vọng ông nói đúng. Engelsman không biết mình sẽ trả tiền thuốc cho vợ như thế nào khi chỉ riêng một liều thuốc dùng trong điều trị bệnh tim có giá lên tới 580 đôla một tháng. Cabrera thì đã phải sử dụng đến tiền bảo hiểm khi xe anh bị đụng, và giờ thì không còn cả xe để lái.

Angel Carter từng làm công việc dọn dẹp 3 tầng tại tòa nhà Center City ở Philadelphia, vàđã bị cho nghỉ hồi tháng 3. Cô cho biết những người làm vệ sinh ở các toà nhà như mình đang là đối tượng chịu nguy cơ lớn tới sức khoẻ. Trong khi đó, công việc của cô hiện trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi đại dịch yêu cầu các văn phòng phải được làm sạch cực kỳ kỹ lưỡng. Cô cho rằng công việc này nên có thêm phụ cấp rủi ro. Nhưng trên hết, Carter giờ chỉ “cầu nguyện rằng họ sẽ mở cửa trở lại”.

Phan Thy (theo New York Times) – Vnexpress