Tuần tồi tệ của dầu vì viêm phổi Vũ Hán

Giá dầu đã có tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 7/2019 bởi áp lực bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán.

Hôm thứ sáu, giá dầu hợp đồng tương lai của U.S. West Texas Intermediate (WTI) đã giảm 2,5%, tương đương 1,40 USD, neo ở mức 54,19 USD mỗi thùng. Có thời điểm, giá dầu WTI chỉ còn 53,85 USD mỗi thùng, mức thấp nhất kể từ 31/10/2019. Đây là ngày suy giảm thứ tư liên tiếp. Cả tuần qua, giá dầu WTI đã giảm 7,4% và là tuần giảm thứ ba liên tiếp.

Trong khi đó, giá dầu Brent quốc tế giảm 2,2% xuống mức 60,69 USD mỗi thùng hôm thứ sáu. Cả tuần, giá dầu Brent đã giảm 6,4%. Đây cũng là tuần thứ ba liên tiếp giá dầu quay đầu giảm.

Bệnh viêm phổi Vũ Hán do virus corona gây ra, lần đầu tiên được xác định vào ngày 31/12 tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc là nguyên nhân hàng đầu gây áp lực lên giá dầu. Tính đến cuối ngày 25/1, đã có 1.400 trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện tại Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam, Mỹ. 41 trường hợp đã chết.

Cảnh sát Vũ Hán kiểm tra thân nhiệt của một tài xế. Ảnh: AP
Cảnh sát Vũ Hán kiểm tra thân nhiệt của một tài xế. Ảnh: AP

Hơn 33 triệu người đang bị hạn chế đi lại ở Trung Quốc, điều này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu máy bay. Thời điểm này đặc biệt quan trọng vì Tết Nguyên đán thường diễn ra cuộc di cư hàng năm lớn nhất thế giới.

“Khi các thành phố bị cách ly và vận chuyển công cộng bị đóng cửa, có nghĩa là hoạt động kinh tế giảm, tác động tiêu cực đến nhu cầu năng lượng. Đến khi nào có bằng chứng cho thấy sự bùng phát được ngăn chặn, đình trệ kinh tế không còn thì tâm lý đối với dầu sẽ được cải thiện, đưa giá tăng trở lại”, John Freeman, Chuyên gia phân tích của Raymond James nhận định.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sự chậm lại của nền kinh tế này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu. Năm ngoái, đây là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sau khi nhập khẩu kỷ lục 10,12 triệu thùng mỗi ngày. Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.

Một số thông tin khác có lợi được công bố trong tuần qua nhưng vẫn không đủ sức kéo giá dầu tăng trở lại trước ám ảnh bởi virus corona.

Hôm thứ năm, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết hàng tồn kho giảm còn 400.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 17/1, so với ước tính của các nhà phân tích là 500.000 thùng, theo S&P Global Platts. Ở Libya, nguồn cung dầu đang chậm lại khi phiến quân ngăn chặn xuất khẩu.

Ông John Freeman cho rằng, thị trường đang trong tâm lý giả định rằng tình hình của viêm phổi Vũ Hán sẽ còn tồi tệ hơn trước khi được cải thiện. Tuy nhiên, chuyên gia Eric Lee của Citi tin rằng, dù giá dầu tiếp tục đi xuống nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn nữa. “Việc bán tháo sau khi dịch bởi virus corona bùng phát ở Trung Quốc có vẻ quá mức”, vị chuyên gia nói.

Khi đánh giá các tác động tiềm tàng từ viêm phổi Vũ Hán, các nhà phân tích thường nhìn lại sự bùng phát của dịch SARS vào năm 2002 như một trường hợp để tham chiếu. Hôm thứ Năm, JPMorgan cho biết, nếu cuộc khủng hoảng phát triển thành dịch bệnh theo kiểu SARS, giá dầu có thể mất 5 USD mỗi thùng.

Phiên An (theo CNBC) – Vnexpress