Tử thần rình rập trên mỏ ngọc bích Myanmar

Khai thác ngọc bích là nghề nguy hiểm ở Myanmar, khi các công nhân luôn phải đối mặt với nguy cơ bị sập hầm, sạt lở cùng nhiều tệ nạn khác.

Tại một trong những mỏ khai thác ngọc bích trên các ngọn núi ở bang Kachin, phía bắc Myanmar, một thợ mỏ đến giờ vẫn không quên được cảnh tượng 5 người bạn của anh chết vì lở đất hồi năm 2017. “Tôi rất sợ”, anh nói. Làm việc tại nơi từng xảy ra rất nhiều vụ lở đất, anh cho biết từng phát hiện không ít xác chết và tự tay chôn cất những người xấu số.

Các công nhân tại một mỏ khai thác ngọc bích ở Hpakant, bang Kachin, Myanmar. Ảnh: Reuters.
Các công nhân tại một mỏ khai thác ngọc bích ở Hpakant, bang Kachin, Myanmar. Ảnh: Reuters.

Một cuộc điều tra của báo Guardian, Anh, về hoạt động khai thác ngọc bích Myanmar hồi tháng 2/2019 đã hé lộ những góc khuất của ngành công nghiệp này với hàng loạt vấn đề như tham nhũng, vi phạm nhân quyền, tàn phá môi trường. Bên cạnh đó, nguy cơ sạt lở đất cũng thường xuyên đe dọa tính mạng những công nhân khai thác ngọc bích.

“Ban đầu tôi cảm thấy sợ hãi. Nhưng rồi mọi chuyện dần trở nên tự nhiên. Chúng tôi bắt đầu chấp nhận sự thật là mình có thể chết bất kỳ lúc nào”, một công nhân khác chia sẻ.

Ngành khai thác ngọc bích của Myanmar ước tính có giá trị khoảng 30 tỷ USD mỗi năm với khoảng 300.000 lao động nhập cư tập trung chủ yếu tại các mỏ ở thị trấn Hpakant, giáp biên giới Trung Quốc.

Myanmar sản xuất khoảng 70% lượng ngọc bích toàn cầu. Nhưng 4/5 số ngọc bích khai thác được đều bị buôn lậu ra nước ngoài, chủ yếu tới Trung Quốc, đồng nghĩa đất nước mất đi hàng trăm triệu USD tiền thuế thu nhập mỗi năm.

Quyền kiểm soát nguồn lợi nhuận từ các mỏ ngọc bích ở Hpakant từng châm ngòi cho cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Myanmar và phiến quân Quân đội Độc lập Kachin suốt gần 6 thập kỷ qua. Một nhóm quân sự khác, lực lượng Quân đội Thống nhất bang Wa, đang nắm trong tay những hợp đồng khai thác béo bở được trao cho họ vào năm 1994 để đổi lấy hòa bình.

“Hoạt động buôn bán và khai thác ngọc bích đóng vai trò như một động cơ tài chính thúc đẩy xung đột tại khu vực”, Therese Sjöström, người thực hiện các nghiên cứu thực địa tại Kachin cho tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Swedwatch, nói. “Theo người dân địa phương, nếu chính phủ không thể đưa ra các quy định đảm bảo phân phối công bằng và minh bạch hơn nguồn tài nguyên ngọc bích thì còn rất lâu nữa các cuộc đàm phán hòa bình mới thành công”.

Nhiều công nhân khai thác mỏ ngọc bích là những lao động chui, sống trong các lều bạt tạm bợ. Họ đến từ khắp nơi trên đất nước Myanmar với hy vọng tìm được vận may đổi đời.

Người phụ nữ đánh giá chất lượng các viên đá ngọc bích khai thác từ những khu mỏ ở Hpakant. Ảnh: AP.
Người phụ nữ đánh giá chất lượng ngọc bích khai thác từ khu mỏ ở Hpakant. Ảnh: AP.

“Đây là một hoạt động phá hủy môi trường ở quy mô lớn”, Steven Naw từ tổ chức Mạng lưới Phát triển Kachin, cho hay. “Nguy hiểm luôn rình rập những công nhân làm việc tại các mỏ. Họ còn đối mặt với những hành vi bạo lực vi phạm nhân quyền từ lực lượng bảo vệ, cảnh sát và binh sĩ địa phương”.

Sạt lở nghiêm trọng thường xuyên xảy ra tại khu vực. Sáng 2/7, ít nhất 113 thợ mỏ đã bị chôn vùi sau một vụ sạt lở bùn đất tại mỏ khai thác ngọc bích ở thị trấn Hpakant. Đống bùn thải cao tới gần 80 mét đổ sụp xuống mỏ lộ thiên, nơi một hồ nước được hình thành trong những cơn mưa gần đây, gây ra sóng thần. Cơn sóng ập vào những thợ mỏ, nhấn chìm họ trong nước và bùn lầy.

Năm ngoái, một vụ sập hầm mỏ khiến 50 người chết. Năm 2015, ít nhất 120 người bị chôn vùi cũng sau một vụ sập đống bùn thải cao tới 60 mét.

Theo lời các công nhân khai thác, môi trường và đời sống xã hội tại các mỏ ngọc bích vô cùng tồi tệ với nạn nghiện hút tràn lan, tỷ lệ nhiễm HIV cao, hoạt động mại dâm rất phổ biến.

Một thợ mỏ cho biết heroin ở Hpakant được bán “công khai, như bán vé xem phim”. Một người bạn của anh đã mất tích suốt nhiều năm mà không để lại bất kỳ dấu vết nào.

Những viên đá ngọc bích trên tay một nhà buôn Myanmar. Ảnh: Washington Post.
Những viên đá ngọc bích trên tay một nhà buôn Myanmar. Ảnh: Washington Post.

“Một ngày nọ, anh ấy đến tìm tôi. Cơ thể anh ấy sưng phồng. Tôi bảo anh ấy đừng sử dụng chúng nữa nhưng anh ấy nói không thể kiểm soát bản thân. Có lẽ giờ anh ấy đã chết”, người thợ mỏ cho hay.

“Không có công việc cho phụ nữ ở Hpakant ngoại trừ làm giúp việc hay làm việc tại các tiệm mát xa”, một phụ nữ 26 tuổi cho hay. “Những tiệm mát xa này chỉ là bình phong cho các nhà thổ. Rất nhiều phụ nữ bị lạm dụng tình dục”.

“Tôi hiểu rằng ở đây, chúng tôi không có sự kiểm soát của chính phủ”, một người khác nói.

Vũ Hoàng (Theo Guardian) – Vnexpress