Từ 20-3, giáo viên được tăng lương

Từ tháng 3, nhiều chính sách mới có hiệu lực, trong đó có nhiều điểm đáng chú ý như giáo viên được tăng lương, chủ xe cơ giới có thể được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, kéo dài thời hạn bảo hiểm xe máy bắt buộc tối đa 3 năm…
Từ 20-3, giáo viên được tăng lương - Ảnh 1.
Giáo viên Trường mầm non 19-5 thành phố, quận 1, TP.HCM trong giờ dạy học – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bộ GD-ĐT đã ban hành 4 thông tư (04/2021, 03/2021, 02/2021, 01/2021) quy định về bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông (THPT), trung học cơ sở (THCS), tiểu học và mầm non công lập. Bốn thông tư này đồng loạt có hiệu lực từ ngày 20-3.

Giáo viên từ mầm non đến THCS được tăng lương

Theo đó, giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 – 6,38 (hiện nay đang áp dụng hệ số lương dao động từ 1,86 – 4,98).

Giáo viên tiểu học áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 – 6,78 (hiện nay hệ số lương của đối tượng này đang dao động từ 1,86 – 4,98).

Giáo viên THCS áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 – 6,78 (hiện nay đang hưởng lương theo hệ số lương từ 2,1 – 6,38).

Mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, thông tư này cũng quy định rõ tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên.

Cụ thể, giáo viên phải “có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”.

Như vậy từ 20-3, giáo viên các cấp sẽ không bắt buộc có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Có thể mua bảo hiểm điện tử

Nghị định 03/2021/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1-3, quy định nhiều điểm mới về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Cụ thể, khi mua bảo hiểm bắt buộc chủ xe cơ giới có thể được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử.

Theo quy định trước đây, thời hạn ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm là 1 năm hoặc dưới 1 năm trong một số trường hợp.

Tuy nhiên, theo khoản 1 điều 9 nghị định 03/2021, thời hạn ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm đối với xe môtô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật giao thông đường bộ, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm.

Đối với các xe cơ giới còn lại, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và thời hạn tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ có thời hạn trên 1 năm.

8 trường hợp không được bảo hiểm bồi thường

Theo điều 13 nghị định 03/2021, doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:

– Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại.

– Người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy, không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trường hợp người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy nhưng đã thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

– Người lái xe chưa đủ độ tuổi hoặc quá độ tuổi điều khiển xe cơ giới theo quy định pháp luật về giao thông đường bộ; người lái xe không có giấy phép lái xe (GPLX) hoặc sử dụng GPLX không hợp lệ (có số phôi ghi ở mặt sau không trùng với số phôi được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý GPLX) hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa hoặc sử dụng GPLX hết hạn sử dụng tại thời điểm xảy ra tai nạn hoặc sử dụng GPLX không phù hợp đối với xe cơ giới bắt buộc phải có GPLX.

Trường hợp người lái xe bị tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn hoặc bị thu hồi GPLX thì được coi là không có GPLX.

– Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp bao gồm: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.

– Thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật.

– Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.

– Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.

– Chiến tranh, khủng bố, động đất.

Thu nhập 900.000 đồng/tháng ở thành thị thuộc diện nghèo

Nghị định 07/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, có hiệu lực từ 15-3.

Theo đó, mức chuẩn nghèo đa chiều năm 2021 ở khu vực nông thôn được quy định “có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 700.000 đồng trở xuống; khu vực thành thị có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 900.000 đồng trở xuống”.

Còn mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 ở khu vực nông thôn: có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống; khu vực thành thị: có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống.

1.838 nghề, công việc được về hưu trước tuổi

Thông tư 11/2020 của Bộ Lao động – thương binh và xã hội, về ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, có hiệu lực từ 1-3-2021.

Theo đó, nhóm nghề khai thác khoáng sản, nhóm nghề cơ khí, luyện kim, nhóm nghề sản xuất hóa chất, nhóm nghề vận tải, xây dựng giao thông và kho tàng bến bãi, sản xuất ximăng, sành sứ, thủy tinh, nhựa tạp phẩm, giày, gỗ, da giày, dệt may… là những nhóm nghề thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Phát thanh viên đài phát thanh, phát hình điều kiện lao động căng thẳng, làm việc trong phòng kín thiếu dưỡng khí, chịu tác động của ánh sáng có cường độ mạnh và điện từ trường và tiếp viên hàng không điều kiện lao động căng thẳng thần kinh tâm lý, chịu tác động của tiếng ồn, rung, thay đổi nhiệt độ, áp suất cũng nằm trong danh mục này.

Căn cứ khoản 3 điều 169 Bộ luật lao động 2019, người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được về hưu trước tuổi nhưng không quá 5 năm.

Theo TUYẾT MAI – Tuổi Trẻ