Trung Quốc tiến đến chữa ung thư nhanh và rẻ nhất thế giới

Các công ty dược phẩm tại Trung Quốc đang trong cuộc chạy đua phát triển liệu pháp di truyền tế bào trong điều trị ung thư. 

Zhang Haitao là một thiếu niên yêu thích bóng rổ với mơ ước học tập tại trường trung học thể thao. Sau một lần đi khám vì bị đau cánh tay phải, cậu phát hiện mắc bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính. 

Kết quả chẩn đoán kéo Zhang và gia đình vào vòng xoay quen thuộc của các bệnh nhân ung thư, ngày ngày ra vào bệnh viện, xét nghiệm máu và hóa trị ba đợt. Sau đó, Zhang được bác sĩ đề nghị sử dụng liệu pháp gene đang được thử nghiệm bởi một công ty khởi nghiệp Trung Quốc có tên Gracell Biotech Ltd. 

Zhang Haitao từng là một thiếu niên yêu bóng rổ trước khi được chẩn đoán ung thư. Ảnh: Bloomberg
Zhang Haitao từng là một thiếu niên yêu bóng rổ trước khi được chẩn đoán ung thư. Ảnh: Bloomberg.

Trong ba tuần điều trị, bác sĩ loại bỏ các tế bào bạch cầu khỏi cơ thể cậu, tiến hành biến đổi gene và đưa trở lại. Phân tích tủy xương thực hiện vào tháng 6 của Zhang cho thấy cơ thể cậu không còn tế bào ung thư. 

“Tôi không nhớ nhiều về quá trình điều trị vì bị sốt liên miên. Có vẻ liệu pháp mới sẽ tạo thêm hy vọng cho nhiều người”, Zhang cho biết. Cậu thiếu niên giờ đã 16 tuổi, dành phần lớn thời gian trong ngày để chơi điện tử và nhắn tin với bạn bè.

Công nghệ CAR-T

Zhang được thử nghiệm liệu pháp Tế bào Receptor-T của Chimeric, còn gọi là CAR-T. Đây là một trong những đột phá lớn nhất giúp điều trị ung thư. Được phát triển lần đầu bởi Zelig Eshhar, nhà khoa học người Israel vào những năm 1980, CAR-T tái tạo gene của các tế bào miễn dịch trong cơ thể, thúc đẩy chúng chủ động tìm kiếm và tiêu diệt tế bào ung thư. Được đón nhận rộng rãi, không nơi nào trên thế giới CAR-T có tác động mạnh mẽ và bị đẩy đến giới hạn nguy hiểm như ở Trung Quốc, đất nước có số người ung thư lớn nhất. Một số thí nghiệm tại đây được đánh giá là cực kỳ tham vọng.

CAR-T hoạt động bằng cách tăng áp các tế bào T, “tuyến phòng thủ” chính của cơ thể chống lại bệnh tật, giúp tìm kiếm và tiêu diệt tế bào ung thư. Các bệnh nhân ung thư bạch cầu không thể đáp ứng biện pháp điều trị thông thường đã thuyên giảm đến 90% khi sử dụng liệu pháp CAR-T. 

Các kỹ thuật viên tại phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học Gracell, Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg
Các kỹ thuật viên tại phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học Gracell, Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, liệu trình vô cùng tốn kém. Việc thiết kế và sao chép tế bào của bệnh nhân mất thời gian khá dài. Nhiều người mắc ung thư có thể chết trong quá trình chờ đợi.

Gracell Biotech Ltd, công ty thử nghiệm phương pháp gene trên Zhang, đang nỗ lực tìm ra các tế bào miễn dịch tiêu diệt ung thư chỉ sau một đêm với giá thành rẻ hơn các hãng dược lớn trên thế giới. Mức đưa ra là khoảng 71.000 USD, thấp hơn nhiều so với liệu pháp 470.000 USD của “ông lớn” Novartis. 

Cuộc chạy đua về công nghệ di truyền

Tình trạng dân số già và các yếu tố lối sống khiến số ca ung thư mới chẩn đoán tại Trung Quốc tăng nhanh hơn các nước trên thế giới, khiến đại lục tham gia tích cực vào cuộc chiến chống ung thư. 

Được sự hỗ trợ của chính phủ với tham vọng trở thành siêu cường về khoa học, đi đầu trong lĩnh vực di truyền, các công ty khởi nghiệp về công nghệ sinh học Trung Quốc đang nỗ lực chạy đua tìm cách chữa ung thư nhanh nhất và rẻ nhất. Nước này mong muốn có thể phê duyệt CAR-T và ứng dụng rộng rãi vào đầu năm 2020. Thuốc ung thư và các phương pháp điều trị thử nghiệm dễ tiếp cận đã bùng nổ, đưa Trung Quốc thành thị trường dược phẩm trị giá 133 tỷ USD mỗi năm trên toàn thế giới. 

Kỹ thuật viên thực hiện liệu pháp di truyền tế bào tại  phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học Gracell, Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg
Kỹ thuật viên thực hiện liệu pháp di truyền tế bào tại  phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học Gracell, Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg

Cuộc chạy đua của các công ty thu hút hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư cũng như các hãng dược phẩm lớn toàn cầu. Số tiền đầu tư mạo hiểm vào các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc đã tăng lên 17,6 tỷ USD vào năm ngoái, gấp 4 lần so với năm 2015. 

Năm 2018, Novatis trả 40 triệu USD cho 9% cổ phần của Công ty Cellular Biomedicine, trụ sở tại Thượng Hải. “Gã khổng lồ” dược phẩm dự kiến sẽ sử dụng cơ sở trị liệu tế bào này để phát triển phương pháp điều trị Kymriah, đang được cơ quan quản lý phê duyệt. 

Điều này trở thành động lực đối với Trung Quốc. Chính phủ đang cân nhắc nới lỏng các quy định đối với công nghệ gene, cho phép các ủy ban đạo đức nghiên cứu phê duyệt các phương pháp điều trị CAR-T và ứng dụng cho bệnh nhân có nhu cầu. 

Đạo đức và lợi nhuận

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn tỏ ra e ngại, cho rằng việc thay đổi quy định sẽ khiến nhiều hãng dược gạt bỏ đạo đức để đạt được lợi nhuận.

Năm 2016, một sinh viên tại Trung Quốc mắc bệnh synovial sarcoma, loại ung thư mô hiếm gặp đã tử vong sau khi thử nghiệm liệu pháp tế bào tại bệnh viện tư nhân ở Bắc Kinh. Trước khi qua đời, bệnh nhân đăng tải một tâm thư trên trang cá nhân, cáo buộc bệnh viện quảng cáo sai lệch về sự hiệu quả của liệu trình này. 

Theo bệnh nhân, bệnh viện đã trả tiền cho Baidu, công cụ tìm kiếm của Trung Quốc (tương tự với Google) để hiển thị bài đăng liệu pháp tế bào như một kết quả đáng tin cậy thay vì danh mục quảng cáo. 

Bức tâm thư có tốc độ lan truyền nhanh chóng, tạo ra làn sóng phản ứng dữ dội từ cộng đồng. Nhiều người đặt câu hỏi về đạo đức của các bệnh viện tư nhân cũng như quy định về phương pháp điều trị các bệnh nan y.

Baidu sau đó đã phải giới hạn số lượng bài đăng quảng cáo xuống 30% trang kết quả tìm kiếm và thành lập quỹ một tỷ nhân dân tệ để chống gian lận.

Đây không phải là trường hợp tử vong duy nhất tại Trung Quốc sau khi điều trị bằng liệu pháp tế bào di truyền. Năm ngoái, một bệnh viện tại thành phố Từ Châu đã bị kiện vì cái chết của một bệnh nhân ung thư sau khi được điều trị bằng CAR-T. Người bệnh phải chịu đựng các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm chảy máu trong. Đứng trước cáo buộc, bệnh viện cho rằng bệnh nhân tử vong do ung thư giai đoạn cuối. Vụ kiện vẫn chưa được giải quyết.

Zhang Haitao, sau một năm nằm viện, đang bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai của mình. Nếu không mắc bệnh bạch cầu, có lẽ giờ đây cậu đang học năm đầu tại trường trung học. 

“Tôi không nghĩ mình có thể học trường thể thao nữa, nhưng tôi hy vọng sẽ tham gia một lớp học nghề. Tôi muốn nắm bắt cơ hội này”, Zhang chia sẻ. 

Thục Linh (Theo Bloomberg) – Vnexpress