Trung Quốc thu thập DNA hàng chục triệu nam giới

Trung Quốc ba năm qua xây dựng cơ sở dữ liệu DNA với mục tiêu truy bắt tội phạm nhưng chương trình gây lo ngại về xâm phạm quyền riêng tư.                                         

Theo nghiên cứu Viện Chính sách Chiến lược Australia công bố ngày 17/6, Trung Quốc kể từ cuối năm 2017 đã thu thập mẫu máu trên khắp cả nước để xây dựng bản đồ gene của khoảng 700 triệu nam giới.

Cảnh sát tại Tứ Xuyên lấy mẫu DNA từ một học sinh tháng 9/2019. Ảnh: NYTimes.
Cảnh sát tại Tứ Xuyên lấy mẫu DNA từ một học sinh tháng 9/2019. Ảnh: NYTimes.

Báo cáo ước tính giới chức thu thập mẫu DNA từ 35 – 70 triệu nam giới, tương đương khoảng 5 – 10% số nam giới ở Trung Quốc. Họ không cần phải lấy mẫu từ tất cả nam giới, vì mẫu DNA của một người có thể giúp nhận dạng gene các người họ hàng nam của người đó.

Các quan chức địa phương Trung Quốc thường công bố “thành tích” lấy mẫu. Tại huyện Đông Lan ở Quảng Tây, cảnh sát cho biết họ thu thập hơn 10.800 mẫu, chiếm gần 10% nam giới của khu vực. Tại huyện Nghi Quân thuộc tỉnh Thiểm Tây, cảnh sát thu thập hơn 11.700 mẫu, tức 1/4. Trung Quốc đã mua bộ dụng cụ thử nghiệm từ công ty Thermo Fisher ở Massachusetts. Các nhà lập pháp Mỹ đã chỉ trích Thermo Fisher vì thương vụ này.

Giới chức Trung Quốc chỉ thu thập mẫu DNA từ nam giới do họ có xu hướng phạm tội nhiều hơn. Cảnh sát nói rằng họ cần cơ sở dữ liệu để bắt tội phạm và người dân đã bằng lòng cung cấp mẫu DNA.

Tuy nhiên, NYTimes gọi đây là “bước leo thang lớn trong nỗ lực sử dụng di truyền học để kiểm soát người dân” của Trung Quốc, “bổ sung vào một mạng lưới giám sát tinh vi mà cảnh sát đang triển khai trên khắp đất nước với camera tiên tiến, hệ thống nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo”.

Các nhà hoạt động lo ngại cơ sở dữ liệu này xâm phạm quyền riêng tư và có thể cho giới chức Trung Quốc quyền lực chưa từng có để truy tố những người mà họ không ưa, như trừng phạt thân nhân của những người bất đồng chính kiến và nhà hoạt động. “Trong một số trường hợp, mẫu máu và nước bọt đã được thu thập từ trước của bạn có thể được đưa vào hiện trường vụ án”, nhà hoạt động Li Wei nói. “Bạn không có mặt ở đó, nhưng DNA của bạn có thể xuất hiện. Đây là điều tôi lo lắng – nguy cơ bị vu oan”.

Họ cũng đánh giá người dân Trung Quốc gần như không có khả năng từ chối. Jiang Haolin, 31 tuổi, kỹ sư máy tính ở một vùng nông thôn phía bắc Trung Quốc, cho biết anh không có lựa chọn nào khác. Giới chức cảnh báo nếu anh không chịu cung cấp mẫu máu, gia đình sẽ bị liệt kê là “hộ gia đình đen”, ảnh hưởng đến quyền đi lại và đến bệnh viện, Jiang cho biết vào năm ngoái. 

Khi NYTimes cố gắng fax các câu hỏi về cơ sở dữ liệu tới Bộ Công an Trung Quốc, một nhân viên nói rằng họ không thể nhận bản fax “khi không có sự cho phép của quan chức cấp cao”.

Phương Vũ (Theo NYTimes) – Vnexpress