“Tôi không có lý do gì để từ chối các yêu cầu của chính phủ trong việc chia sẻ thông tin cá nhân của mình, nhất là khi được sử dụng cho an toàn của cộng đồng”, ông Wang Junyao, kỹ sư 29 tuổi ở Thâm Quyến, vừa trở về từ Mỹ sau khi nhận bằng tiến sĩ, chia sẻ, sau khi được chính quyền yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân.
Nhiều năm qua, Trung Quốc đã áp dụng rộng rãi hàng loạt công nghệ dựa trên Internet, ứng dụng di động và AI, đồng thời thu thập dữ liệu của người dân thông qua quét khuôn mặt, dáng đi, các thông tin khai báo công cộng… Việc này ít nhiều nhận được những ý kiến trái chiều, nhất là lo ngại xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư.
Theo SCMP, Giờ đây, chính phủ Trung Quốc còn đẩy nhanh hơn việc thu thập thông tin cá nhân để phân tích, nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Thực tế, mọi người cũng cởi mở chia sẻ hơn trước đây vì hầu hết đều tỏ ra thông cảm với dịch bệnh và sẵn sàng hy sinh quyền riêng tư vì an toàn của cộng đồng.
Dù đăng ký danh tính thật và nhận dạng khuôn mặt đã trở nên phổ biến trong cuộc sống hàng ngày tại Trung Quốc, dữ liệu này vẫn tiếp tục được thu thập mở rộng nhằm phục vụ đời sống y tế, chẳng hạn, mua thuốc không cần kê đơn hay kiểm soát sự di chuyển.
Tại tỉnh Quảng Đông (miền Nam Trung Quốc), chính quyền địa phương cho biết người dân phải đăng ký tên thật khi mua thuốc hạ sốt và thuốc ho tại các hiệu thuốc để hệ thống camera có thể theo dõi những biểu hiện và nhận diện các triệu chứng Covid-19 kịp thời. Ở trung tâm công nghệ cao tại Thâm Quyến, nhân viên được yêu cầu phải cung cấp danh tính đầy đủ trước khi bước lên tàu điện ngầm. Nền tảng phân phối thực phẩm Meituan Dianping và hãng đi nhờ xe Didi Chuxing cũng yêu cầu nhân viên và khách hàng phải quét mã QR trước khi lên xe bus, tàu hỏa và taxi. Nếu không, những người này sẽ bị từ chối phục vụ.
Wang Xiaohui, Phó trưởng Viện Công nghiệp Internet thuộc Đại học Tsinghua cho biết, tương lai gần, chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường thu thập dữ liệu và ứng dụng, chủ yếu là hồ sơ y tế, thông tin cá nhân và hồ sơ mua sắm, đặc biệt là mua vật tư y tế. Bởi những thông tin cơ bản như thu nhập, địa chỉ và dữ liệu di chuyển mà các hệ thống sẵn có hiện nay không đủ để phân tích chi tiết.
Tuy nhiên, dữ liệu di chuyển vẫn là thông tin quan trọng nhất nhằm biết được một người có từng ở vùng dịch hay không. Để làm điều này, các cơ quan có thẩm quyền sẽ nhờ đến hệ thống theo dõi và xác minh được vận hành bởi ba nhà cung cấp viễn thông hàng đầu.
Các nhà mạng cũng cung cấp cho người dùng của mình lịch trình di chuyển. Chẳng hạn, thuê bao China Mobile có thể nhắn tin tới số đường dây nóng Covid-19, sau đó sẽ nhận được một danh sách các điểm họ đã ghé thăm trong hai tuần gần nhất. Số liệu này tất nhiên sẽ cung cấp cho chính quyền, cho phép cơ quan chức năng yêu cầu người đó cách ly 14 ngày nếu từng tới vùng dịch.
Một số doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghệ khác cũng cung cấp cho người dùng ứng dụng phát hiện mình đã tiếp xúc với người bệnh hay chưa. Qihoo 360, công ty an ninh mạng lớn nhất Trung Quốc, đang triển khai phần mềm cho phép kiểm tra xem họ có ở trên tàu hay máy bay với người nhiễm virus dựa trên cơ sở dữ liệu lớn toàn quốc.
Một số nhà quan sát đánh giá, những nỗ lực mở rộng nhằm thu thập dữ liệu từ các công ty tại Trung Quốc cũng phù hợp với mong muốn của chính phủ nước này trong việc thiết lập một cơ sở dữ liệu y tế trên toàn quốc. Với hệ thống này, các cơ quan chức năng có thể sử dụng để đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả, không chỉ Covid-19 mà còn những sự cố lớn khác trong tương lai.
Đầu tháng 2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi cải tiến hệ thống y tế ứng phó khẩn cấp quốc gia. Hiện ủy ban y tế nước này đã khuyến nghị tăng cường thu thập và phân tích dữ liệu để hỗ trợ phòng chống dịch bệnh. Trong trường hợp này, dữ liệu đóng vai trò trong chẩn đoán dịch bệnh, tìm ra phương pháp điều trị cũng như cải thiện hiệu quả dịch vụ.
Tuy nhiên, việc vội vã thu thập dữ liệu để đối phó với Covid-19 đã vấp phải những ý kiến cho rằng chính quyền ngày càng xâm hại nghiêm trọng đến quyền riêng tư của người dân Trung Quốc, nhất là tâm dịch Vũ Hán. Thậm chí, việc có tên, địa chỉ, bản đồ di chuyển hàng ngày… xuất hiện trái phép trên Internet giữa lúc nỗi sợ dịch bệnh, có thể gây tác động xấu hơn đến tinh thần người dân.
Không những thế, người đã bị nhiễm bệnh có thể bị kỳ thị nếu thông tin của họ đã công khai. “Trong giai đoạn đầu chống dịch, các cơ quan chính phủ, truyền thông đều phổ biến thông tin cá nhân của người bệnh thay vì bảo mật. Điều này thực sự nguy hiểm, bởi những người này có thể bị cô lập và bị phân biệt đối xử”, Liu Xiaochun, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu luật Internet tại Đại học Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói.
Một số nhà quan sát cảnh báo, động thái thu thập tăng cường thông tin cá nhân của chính quyền Trung Quốc cần phải cân bằng với việc bảo vệ quyền riêng tư. Nếu không, sự kháng cự có thể xảy ra bởi không phải ai cũng muốn chia sẻ công khai dữ liệu “nhạy cảm” nhất.
“Để giảm bớt sự lo lắng của người dân về quyền riêng tư, chính quyền nên tăng tính minh bạch khi thu thập dữ liệu, đảm bảo những gì thu thập sẽ được sử dụng đúng mục đích và có quy tắc”, Liu Yuanxing, cố vấn cao cấp của công ty luật King & Partners có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết.
Bảo Lâm (theo SCMP) – Vnexpress