Trung Quốc mưu đồ gì khi trồng rau ở Hoàng Sa?

Cựu viện trưởng Viện nghiên cứu biển và hải đảo Vũ Thanh Ca cho rằng Trung Quốc trồng rau ở Hoàng Sa nhằm âm mưu biến đảo đá thành đảo để củng cố yêu sách Biển Đông.

Hôm 19/5, Global Times thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sảnTrung Quốc (CCP), đưa tin hải quân nước này sử dụng công nghệ mới để trồng rau ở Tây Sa, thu hoạch được 750 kg. Tây Sa là cách Trung Quốc gọi tên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tờ báo này cho rằng việc Bắc Kinh thu hoạch rau ở Hoàng Sa “chứng tỏ thực thể này là đảo”, giúp củng cố yêu sách của Trung Quốc ở đây.

Đánh giá về ý kiến này, Phó giáo sư Vũ Thanh Ca, cựu viện trưởng Viện nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam, cho rằng đây là một động thái mới của Trung Quốc trong nỗ lực “hợp thức hóa” yêu sách chủ quyền sai trái ở Biển Đông.

Trung Quốc muốn chứng minh các đảo đá ở Hoàng Sa thỏa mãn điều kiện “phù hợp cho đời sống con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng”. Khi các đảo đá được coi là đảo (theo lập luận của Bắc Kinh), Trung Quốc có thể sử dụng đường cơ sở thẳng để nối các điểm ngoài cùng của các cấu trúc nổi ở các quần đảo thuộc Tứ Sa (trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) để tạo nên khu vực Bắc Kinh có “quyền lịch sử”. Khu vực này rộng hơn cả yêu sách “đường lưỡi bò”.

Năm 1956, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm một số đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đến 1974, Bắc Kinh tiếp tục dùng vũ lực chiếm các đảo còn lại thuộc Hoàng Sa. Từ đó, Trung Quốc tìm nhiều cách để đòi quyền chủ quyền trái phép trên một phần lớn thuộc vùng biển Việt Nam.

Đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS.
Đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS.

Theo ông Ca, Khoản 3, Điều 121 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) nêu rõ “đảo đá không phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.

Trước khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết vụ kiện của Philippines với Trung Quốc vào năm 2016, trên thế giới có nhiều quan điểm khác nhau về việc giải thích cụm từ “không phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng”, nhằm xác định quy chế pháp lý cho một thực thể nổi trên mặt nước ở mức triều cao. Thậm chí có quan điểm cho rằng với sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại, tất cả các thực thể nổi trên mặt nước ở mức triều cao đều có thể thỏa mãn điều kiện “phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng” nếu được tôn tạo phù hợp và có thể được coi là đảo.

Tuy nhiên, ông Ca, hiện làm việc tại Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết phán quyết của PCA đã chấm dứt những tranh luận trên. Tòa khẳng định một thực thể “phù hợp cho con người sinh sống” là một thực thể mà ở trạng thái tự nhiên của nó, trên đó có một hoặc nhiều hơn một cộng đồng người sinh sống ổn định và coi đó là nhà.

Cũng theo phán quyết của PCA, cụm từ “đời sống kinh tế riêng” có nghĩa là cuộc sống và sinh kế của những người dân trên thực thể dựa vào các điều kiện tự nhiên của thực thể. Các hoạt động khai thác tài nguyên trên thực thể để làm lợi cho những người sống ngoài thực thể không phải là hoạt động thuộc “đời sống kinh tế riêng”. Với các diễn giải như vậy, PCA nhận thấy trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa trước đây chưa bao giờ có các cộng đồng dân cư ổn định, coi đó là nhà. Các hoạt động kinh tế trước đây trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa chỉ thuần túy là hoạt động khai thác tài nguyên, nên các thực thể này chỉ là đảo đá, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Khi áp dụng cách giải thích phán quyết với Hoàng Sa, Phó giáo sư Ca cho biết các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa trước đây chỉ có những nhóm người đánh cá và khai thác tài nguyên (trong đó có các chiến binh thuộc đội Hoàng Sa của Việt Nam) trú ngụ tạm thời và đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Bên cạnh đó, một số công ty Nhật Bản khai thác phân chim hoặc đánh cá ở khu vực này. Ông Ca cho rằng những hoạt động đó không tạo ra một cộng đồng dân cư ổn định, coi đó là nhà và các hoạt động kinh tế chỉ thuần túy là khai thác. Vì vậy, các đảo đá trên quần đảo Hoàng Sa không thể được coi là đảo và không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

“Như vậy, diễn giải của Trung Quốc thực chất là bóp méo luật pháp quốc tế”, ông Ca nói.

Về phía Việt Nam, ông Ca khẳng định Hà Nội luôn đề cao phán quyết của PCA. Trong Công hàm gửi Liên Hợp Quốc cuối tháng 3/2020, Việt Nam đã nêu rõ lập trường là không thể dùng đường cơ sở thẳng để nối các điểm ngoài cùng của các cấu trúc bên ngoài, và các cấu trúc luôn nổi thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là các đảo đá, không phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng nên không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; và tuyên bố về “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng nước vượt quá quy định của UNCLOS là trái pháp luật và vô giá trị.

Việt Nam đã nêu rõ lập trường là không thể dùng đường cơ sở thẳng để nối các điểm ngoài cùng của các cấu trúc bên ngoài, và các cấu trúc thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là các đảo đá, không phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng

Ngày 28/5, nhắc đến việc Trung Quốc trồng rau ở Hoàng Sa, ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vi phạm luật quốc tế.

“Chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”, ông Việt nói.

Việt Anh – Vnexpress